Nghe điện thoại kẻ giấu mặt, người đàn ông ở Hà Nội bị lừa hơn 300 triệu

Nghe điện thoại kẻ giấu mặt, người đàn ông ở Hà Nội bị lừa hơn 300 triệu

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 4, 06/10/2021 07:00

Công an Tp.Hà Nội đang xác minh, điều tra vụ giả danh Công an Tp.Đà Nẵng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người đàn ông ở Hà Nội.

Nạn nhân của trò bịp

Ngày 5/10, lãnh đạo Công an quận Long Biên, Tp.Hà Nội cho biết đơn vị nghiệp vụ của Công an quận đang vào cuộc điều tra xác minh vụ giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, ngày 1/10, Công an phường Bồ Đề (quận Long Biên) nhận được đơn trình báo của ông P., 51 tuổi, trú tại quận Long Biên, Tp.Hà Nội).

Theo đơn, ông P. nhận được điện thoại từ một đối tượng xưng là cán bộ Công an Tp.Đà Nẵng thông báo có quyết định bắt giam ông liên quan tới 1 đường dây mua bán ma túy và rửa tiền. Đối tượng yêu cầu ông P. phải giải trình tài khoản ngân hàng và cung cấp mã OTP.

Sau khi thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng thì ông P. phát hiện tài khoản bị rút mất 317 triệu đồng. Lúc này ông P. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Công an Tp.Hà Nội khuyến cáo người dân đây là thủ đoạn lừa đảo, người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh “mắc bẫy của đối tượng xấu”.

Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương và không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra.

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng.

Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Chuyên gia tội phạm học phân tích thủ đoạn

Về vấn đề này, Trung tá Đào Trung Hiếu- Chuyên gia Tội phạm học (Bộ Công an) biết, trong các vụ án qua điện thoại, đều có sự câu kết trong nước và ngoài nước.
 
Theo Trung tá Hiếu, các đối tượng chủ mưu cầm đầu thường là tội phạm quốc tế. Chúng câu kết với các nhóm tội phạm trong nước, trong đó, một nhóm đối tượng có trách nhiệm đi thu mua Chứng minh nhân dân (CMND) tại các điểm cầm đồ, khách sạn, nhà nghỉ.
Sau đó, các đối tượng bóc ảnh trong CMND ra và dán ảnh của chúng vào. Tiếp đến, chúng mang CMND đến ngân hàng để đăng ký mở tài khoản thẻ tín dụng. Mỗi 1 CMND, chúng mở được nhiều tài khoản khác nhau. Sau khi mở tài khoản xong, chúng sẽ chuyển tài khoản cho các đối tượng cầm đầu ở nước ngoài.
 
Các đối tượng cầm đầu chủ yếu hoạt động ở khu vực giáp ranh với biên giới với Việt Nam, điều hành các đối tượng tội phạm ở trong nước. Chúng thực hiện những cuộc gọi lừa đảo, dọa dẫm người dân yêu cầu chuyển tiền.
Khi lừa được tiền rồi lập tức chuyển cho đối tượng khác rút tiền từ ngân hàng và cuối cùng là chuyển qua đối tượng bên ngoài hoặc báo cho các đối tượng nước ngoài để thực hiện các giao dịch qua hình thức Internet Banking chuyển tiền từ tài khoản của các đối tượng trong nước ra tài khoản của các đối tượng ở nước ngoài.
 
Trung tá Đào Trung Hiếu lưu ý, các cuộc gọi lừa đảo đều yêu cầu bị hại chuyển tiền vào chiều thứ 6. Đây là mấu chốt của kế hoạch lừa đảo. Vì các ngân hàng thường nghỉ làm việc vào Thứ 7, Chủ nhật. Chiều thứ 6, sau khi bị các đối tượng dọa, bị hại sợ và mang tiền đến ngân hàng chuyển tiền. Khi bị hại có tỉnh ngộ quay lại đề nghị ngân hàng phong tỏa, dừng dòng tiền thì ngân hàng cũng nghỉ làm việc vào thứ 7, Chủ nhật. Đến ngày thứ 2 thì các đối tượng đã chuyển tiền đi xong xuôi.

Tuệ Minh (tổng hợp theo Người lao động, An ninh Thủ đô, VTC News, Đại đoàn kết)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.