Nghề gác chắn tàu và những câu chuyện “khóc không thành tiếng”

Nghề gác chắn tàu và những câu chuyện “khóc không thành tiếng”

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 2, 21/08/2017 13:00

Bất kể mưa giông, gió rét những người làm công việc gác chắn đường tàu vẫn ngày đêm lặng lẽ, miệt mài bên những thanh gác chắn, đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu tới trạm kế tiếp bình an.

image

Những nhọc nhằn chưa kể phía sau nghề gác chắn tàu

Ghé thăm trạm chắn tàu Linh Đàm (Hà Nội), chúng tôi bắt gặp hai nhân viên kéo tấm barie chắn ngang con đường, đứng làm hiệu để các phương tiện dừng lại. Một lúc sau, họ trở lại khuôn mặt đẫm mồ hôi, dù thế ai cũng nở một nụ cười thật tươi.

Gia đình - Nghề gác chắn tàu và những câu chuyện “khóc không thành tiếng”

Nhân viên chạm gác chắn Linh Đàm đang làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và an toàn cho mỗi chuyến tàu đi qua.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Vũ Văn Biển (SN 1975, quê Thái Bình), tổ trưởng trạm chắn gác tàu Linh Đàm, cho biết anh có rất nhiều câu chuyện, nỗi trăn trở về nghề.

“Tôi theo nghề gác chắn tàu tính đến nay cũng được 22 năm, suốt thời gian đó tôi cũng đã có những kỷ niệm khó quên. Mỗi khi nghĩ lại, tôi cảm thấy phục chính mình vì có thể theo nghề được lâu năm đến vậy”, anh Biển cho biết.

Theo lời anh Biển, nghề chắn gác tàu là một nghề vất vả, nếu là người không yêu nghề thì sẽ không thể nào trụ lại được. Anh Biển nói: “Hiện nay nhân viên trạm gác được bố trí luân phiên làm ca ngày và ca đêm. Một tháng có 30 ngày thì chúng tôi làm 34-36 ca, đồng nghĩa với việc không có lấy một ngày nghỉ trọn vẹn (bao gồm cả lễ tết). Là đàn ông còn đỡ, chỉ thương các chị em phụ nữ gác chắn tàu phải thức thâu đêm”.

Gia đình - Nghề gác chắn tàu và những câu chuyện “khóc không thành tiếng” (Hình 2).

Anh Biển đã có thâm niên 22 năm trong nghề gác chắn tàu.

Vừa nói anh Biển vừa chỉ tay vào người phụ nữ bên cạnh, chị đang tranh thủ nghỉ ngơi sau khi đoàn tàu vừa chạy qua. Tiếp lời anh Biển, chị Vũ Thị Huyền (SN 1991, quê Hải Dương) cho hay, chị đã theo nghề được 5 năm.

 “Suốt 5 năm qua, không ít lần tôi trăn trở liệu có nên bỏ nghề, vì quá áp lực, quá vất vả. Nhiều hôm, trời mưa cũng như trời nắng, vẫn phải chăm chăm đứng cạnh thanh gác để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Có hôm, thiếu nhân viên thay ca, tôi phải tham gia trực liên tục... Vì cứ cố, nên sức khỏe của tôi giảm sút rất nhiều”, chị Huyền tâm sự.

Cũng theo chị Huyền, mỗi ca trực kéo dài 12 tiếng, trung bình có khoảng 25-30 chuyến tàu ngược xuôi. Những chuyến tàu chạy không cố định, có hôm chạy vào ban đêm nên những người đứng gác như chị phải tập trung cao độ, không được lơ là.

 “Vì đặc thù công việc nên khi làm ca đêm, tôi cũng như nhiều nhân viên khác phải thức trắng, có những lúc buồn ngủ quá thì pha trà đặc, uống cà phê hoặc đi vào nhà vệ sinh rửa mặt để giữ mình luôn tỉnh táo”, chị Huyền cho biết thêm.

Không dừng lại ở việc thời gian áp lực, gò bó mà những người làm nghề gác chắn tàu cũng gặp phải những câu chuyện “khóc không thành tiếng”.

Chị Nguyễn Thị Minh Lý (SN 1971, Hà Nội), hiện đang làm tại trạm chắn Đại Từ (Hà Nội) có thâm niên 18 năm trong nghề. Thế nhưng, mỗi khi nhắc về những tình huống mà chị đã gặp phải trong quá trình công tác, người phụ nữ này chỉ biết ngậm ngùi.

Bởi, với chị và những nhân viên gác chắn tàu, điều e ngại nhất là ý thức chấp hành luật lệ giao thông, cách cư xử, thái độ của người đi đường nhiều khi chưa có văn hóa.

Chị Minh Lý bộc bạch: “Công việc của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho đường sắt, đồng nghĩa với việc bảo đảm sự an toàn của người đi đường. Thế nhưng, đôi khi những người đi đường lại không hiểu được điều đó.

Chuyện người dân lách qua barie để sang đường xảy ra thường xuyên, có lần tôi nhắc nhở thì bị những người tham gia giao thông thiếu ý thức quay sang văng tục, chửi bậy, khi ấy tôi không biết nói gì hơn”.

Gia đình - Nghề gác chắn tàu và những câu chuyện “khóc không thành tiếng” (Hình 3).

Chị Minh Lý bộc bạch nỗi lòng với PV báo Người Đưa Tin.

Với chị Minh Lý việc bị “ăn chửi” xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Có người sau khi văng tục, không thấy chị nói gì, họ chửi to hơn, thậm chí nói chị bị câm, bị điếc. Dù thế, chị vẫn im lặng nhẫn nhịn.

Chị kể: “Tôi coi như mình bị câm, bị điếc thì mọi việc đều êm xuôi, nếu như tôi nổi cáu hay cãi lý với họ thì lại xảy ra xô xát, cãi vã. Điều đó thì không hay một chút nào”.

Chưa dừng lại ở đó, một đồng nghiệp của chị còn bị người đi đường hành hung, dùng gậy đánh bị thương chỉ với lý do ngăn không cho người đó sang đường khi đoàn tàu đang đi tới.

(Còn nữa)

Thanh Lam – Nguyễn Lâm

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.