Còn nhớ khi học lớp 8, có một lần, tôi nói với giáo viên mỹ thuật của mình: "Em sẽ trở thành một giáo viên". Từ đó, tôi vẫn chỉ mong mình có thể trở thành một giáo viên như hy vọng của gia đình. Khi ấy, tôi nghĩ giáo viên là một nghề an nhàn, chẳng phải bon chen với đời. Tôi vẫn giữ suy nghĩ đó để rồi cứ mơ ước.
Và mãi đến năm lớp 12, khi đứng trước ngã rẽ của ước mơ, có lần tôi trộm nghĩ, ước mơ của các thầy cô là gì nhỉ?
Có lần, tôi nói đùa với cô Vân dạy Thể dục: “Dáng cô đẹp thế này mà không làm người mẫu thì phí nhỉ”. Cô cười xòa.
Mãi đến khi ra trường, trong một lần nói chuyện với cô chủ nhiệm cũ, tôi mới hiểu ra ngày trước, cô Vân cũng từng làm người mẫu. Thế nhưng, gia đình của cô phản đối dữ lắm. Mẹ của cô ấy còn đòi chết nên cô phải bỏ nghề và đi dạy.
Và biết bao câu chuyện khác, tôi từng chứng kiến như: Thầy Vũ sau khi phục quân ngũ mới theo học sư phạm, cô Phương Anh sau khi nghỉ việc thư ký tại tập đoàn mới chọn nghề giáo viên Anh văn, cô Thùy giáo viên Ngữ văn nhưng chữ viết không đẹp nên cô hay mặc cảm. Tất cả đã trở thành nhiều mảnh ghép nhiều màu sắc đối với nghề giáo.
Hóa ra không phải chỉ có học sinh - sinh viên như chúng tôi mới phải mệt mỏi với ước mơ của mình. Đối với các giáo viên, nghề giáo có thể là ước mơ ban đầu trở thành hiện thực nhưng cũng có thể là một con đường khác của họ, mỗi người đều có một câu chuyện riêng.
Nhưng trên hết, các thầy cô dành cả thanh xuân để bao dung với học trò, cho chúng ta điểm tựa để trưởng thành. Ví như, tại giảng đường đại học Văn hóa TP.HCM, mảnh đất tâm hồn khô cằn của tôi đã được tưới tắm bởi giảng viên Võ Nguyễn Thành Nhân.
Tôi nhớ, buổi học đầu tiên môn Phương pháp dàn dựng múa, trời mưa lất phất vẫn không cản được bước chân trách nhiệm với học trò của thầy. Chuông reo, điểm 13h đúng, thầy bước vào lớp. Chúng tôi ngỡ ngàng với văn hóa đúng giờ từ giảng viên môn nghệ thuật. Có lẽ nào, một nghệ sĩ lại lên lớp đúng giờ đến vậy.
Thầy chào hỏi chúng tôi bẳng những nguyên tắc. Và tôi trộm nghĩ, liệu có phải "lời nói gió bay". Nhưng không, chúng tôi bị mắng thẳng thừng, không chút nhẹ nhàng hay câu nệ. Chúng tôi khó chịu nhưng rồi cũng ngồi lại bảo ban nhau, thầy mắng có sai đâu nhỉ, dù là nghệ thuật thì vẫn phải học hành bài bản, tử tế chứ.
Thầy mắng rồi rầy la nhưng mỗi buổi học vẫn không thiếu quan tâm nhỏ nhẹ dành cho chúng tôi. “Thầy mời Thuận cho nhận xét bài nhạc của nhóm Bích Tiên nào. Nào, thầy giáo”.
Tôi ngỡ ngàng, thầy giáo nào? “Ủa, con không biết sau giờ học, bạn Thuận đi dạy đàn à”. Ôi, suốt mấy năm gặp nhau mà tôi chả hay biết bạn bè mình là những ai. Tôi xấu hổ trước tình cảm quan tâm học trò của thầy.
Rồi tôi lại bất ngờ khi bắt gặp thầy Nhân dạ thưa chào cô Phà Ca, chào thầy Hoàng Duẩn, chào cô Phương Thùy, chào thầy Đăng Khoa… Hóa ra, chàng cựu sinh viên nay đã trở thành giảng viên, đồng nghiệp trẻ cùng các thầy cô của mình nhưng vẫn cung kính như năm nào. Hóa ra, câu nói “trọng thầy mới được làm thầy” hoàn toàn có thật.
Dạy và học môn nghệ thuật dưới mái trường nhỏ, nơi phòng thực hành xập xệ, nhiều buổi học quay cuồng với nhịp điệu, động tác, chúng tôi lại ngồi bệt xuống sàn, quay quần quanh thầy để được cười, được khóc cùng nhau. Đứa nào bị bong gân, đau chân, thầy xót xa trong từng ánh mắt. Sau những màn rầy la, thét ra lửa, thấy đứa nào buồn, thầy chọc cười.
Dưới ánh nắng hắt vào, mái tóc xoăn của thầy “thơm” mồ hôi thương quý học trò trong từng buổi học. Chúng tôi sợ thầy buồn hơn sợ thầy rầy la.
Mười lăm buổi học nhanh như tên bay. Chúng tôi áp lực, phần vì năm cuối khóa, phần vì thầy. Từng buổi báo bài kết thúc môn, thấy thầy nhíu mày, đám chúng tôi lại canh cánh nỗi lo. Từng ngày từng tuần qua đi, chúng tôi cùng nhau lo, cùng nhau gánh trọng trách phải thể hiện hết mình trong buổi biểu diễn báo cáo để thầy được tự hào, được mỉm cười với những đóa hoa trân trọng.
Mỗi một lần trưởng thành đều là mùa tốt nghiệp tươi đẹp nhất trong đời người. Có thể đám học trò chúng tôi sẽ rời khỏi giảng đường với những con đường khác nhau. Có đứa nhốt mình vào văn phòng, có đứa rong ruổi xướng ca, có đứa loay hoay trước bão giông cuộc đời, có đứa lấy chồng ru con.
Bốn năm như một giấc mộng. Kỳ thực tôi nghĩ không ra, bốn năm này để lại điều gì. Tôi không biết. Chúng tôi cũng không biết. Song, chúng tôi biết, ánh nắng vàng chói chang trong từng giờ phút được thầy Võ Nguyễn Thành Nhân dạy bảo đã rực cháy 4 năm thanh xuân của mình.
Và chúng con cảm ơn thầy vì đã dành cả thanh xuân bên chúng con, dìu dắt chúng con tìm thấy chính mình.