Ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có "binh đoàn thợ lặn" với hơn 2.000 ngư dân đánh bắt thủy sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Khác với nhiều ngành nghề khác, ngư dân hành nghề lặn bắt hải sâm ra khơi không mang lưới. Ngư cụ trong chuyến biển của họ gồm kính lặn, 200 mét dây hơi, vợt lưới có thể chứa 30 con hải sâm cùng bình oxy lớn. Ngoài lương thực, thực phẩm, trong hầm tàu cá của chuyến ra khơi lặn biển lúc nào cũng có khoảng 2 tấn muối hột và 300 cây đá.
Ngư dân huyện đảo Lý Sơn đang lặn biển đánh bắt thủy sản. Ảnh: Trí Tín.
Tờ mờ sáng, sau khi ăn, tốp ngư dân đầu tiên đeo kính lặn, đeo 7kg chì và dây hơi quấn quanh hông, tay cầm vợt lưới nhảy xuống biển ở độ sâu 45-60 m tìm kiếm hải sâm. Mỗi ngày, các ngư dân thay phiên lặn 3 ca. Ngư dân Bùi Văn Phải (thôn Đông, xã An Hải) bộc bạch, có những ca lặn vừa chạm đến đáy biển là gặp hải sâm nằm sát mặt cát hoặc ẩn núp dưới rạn san hô trông giống như những con đỉa to bằng bàn tay, thở phập phồng sủi bong bóng nước.
Sau khi thu nhặt thủy sản dưới đáy biển đầy vợt, các ngư dân giật dây cho đồng nghiệp trên tàu dồn sức kéo lên. Hải sâm vừa đưa lên tàu được các ngư dân dùng dao khoét bụng cho muối hột vào để giữ độ tươi lâu tới khi chuyển về đất liền.
Ông Lê Túc, một thợ lặn có tiếng ở Lý Sơn, cho biết trong lần lặn đầu tiên vào một buổi sáng tháng 5/2011, mới xuống khoảng 50 mét nước, nhóm của ông đã gặp hải sâm nằm dày đặc dưới rạn san hô rộng. "Trong chuyến biển ấy, chúng tôi trúng đậm với 1.450 con hải sâm, sau khi bán cho thương lái thu về 2,2 tỷ đồng. Mỗi lao động trên tàu được chia từ 100 đến 150 triệu đồng, ai cũng mừng vui ngây ngất", ông Túc kể.
Hũ rượu ngâm hải sâm trắng có giá hơn 1,5 triệu đồng bày bán ở đảo Lý Sơn. Ảnh: Trí Tín. |
Ông Dương Nhựt, Phó chủ tịch UBND xã An Hải cho biết, toàn xã có gần 1.000 ngư dân hành nghề lặn hải sâm, ốc biển ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Khác với nhiều loại thủy sản khác, hải sâm lúc nào cũng có giá cao, vừa đưa về đến cảng là các thương lái mua ngay để chế biến.
Có thời điểm mỗi ký hải sâm lên đến 1,6 triệu đồng nên nhiều gia đình ngư dân đổi đời.Tuy nhiên, đằng sau những chuyến lặn biển "hái" bạc tỷ ấy cũng có không ít ngư dân hành nghề lặn hải sâm phải bỏ mạng giữa biển khơi hoặc teo cơ chân, tay, nằm liệt giường, tàn tật suốt đời.
"Trước khi ngoi lên mặt nước thợ lặn phải giảm áp nhiều lần. Sau một tiếng lên tàu mới được ăn, hút thuốc và tắm nước ngọt. Nếu không tuân thủ đúng quy trình giảm áp, nhẹ thì thợ lặn bị chảy máu tai, điếc tai, nặng thì liệt tay, liệt chân hoặc chết ngay khi chưa lên khỏi mặt nước do thay đổi áp suất nước đột ngột", một ngư dân cho biết.
Nhiều năm qua, anh Nguyễn Vui (32 tuổi, ở thôn Tây, xã An Vĩnh) phải ngồi xe lăn quanh quẩn trong nhà. Anh kể, trong chuyến lặn biển giữa năm 2006 ở độ sâu gần 40 mét ở vùng biển Hoàng Sa, thời gian lặn kéo dài suốt một tiếng (vượt quá quy định tối đa cho một ca lặn là 45 phút) nên lúc lên tàu đầu óc choáng váng, cơ thể bỗng dưng tê cứng, liệt nửa người.
Gia đình đưa anh chạy chữa khắp nơi tốn kém hàng trăm triệu đồng nhưng không thể cứu vãn. "Trong chuyến lặn biển ấy gặp rất nhiều hải sâm. Tôi cứ nghĩ sẽ trúng đậm, trở về quê dư tiền cưới vợ nên lặn bắt quá lâu dưới biển sâu. Không ngờ lúc lên thuyền đột ngột quá mới ra nông nỗi này", anh Vui ngậm ngùi.
Ngư dân trẻ Nguyễn Vui bị liệt nửa người do lặn bắt hải sâm dưới biển sâu quá lâu . Ảnh: Trí Tín. |
Nhiều ngư dân lý giải, đến với nghề bắt hải sâm là đối diện thường trực với "hà bá" nhưng không nghề nào giàu nhanh như thế. Do vậy ngày càng nhiều ngư dân lao vào cuộc mưu sinh, gắn bó với nghề này ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo UBND huyện Lý Sơn, trung bình mỗi năm có hơn 10 vụ ngư dân gặp nạn khi lặn, trong đó có không ít người phải bỏ mạng. Mới đây, chiều 19/4, ông Dương Văn Trương (41 tuổi) ở xã An Hải đang lặn bắt ốc xà cừ tại vùng biển Lý Sơn đã bị tàu cá đi ngang qua làm đứt dây hơi dẫn đến tử vong.
Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn nhấn mạnh, từ lâu huyện xác định nghề lặn giữ vai trò rất lớn giúp ngư dân địa phương phát triển kinh tế biển đảo, nâng cao thu nhập cho gia đình. Để giảm rủi ro cho ngư dân, huyện đã mời các chuyên gia giàu kinh nghiệm mở nhiều lớp tập huấn lặn biển cho ngư dân địa phương. Nghề lặn của ngư dân Lý Sơn đã được bổ sung vào danh mục được hưởng chính sách hỗ trợ xăng, dầu, bảo hiểm tàu cá. Đây là điều kiện thuận lợi cho ngư dân địa phương yên tâm bám biển dài ngày ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa thời gian tới.
Hải sâm còn được người dân địa phương gọi là vú nàng bao gồm hải sâm đỏ (vú lửa), hải sâm trắng (vú trắng), đồn đột và áo tơi. Trong đó hải sâm trắng có giá trị kinh tế cao nhất. Hải sâm có thể dùng ngâm rượu thuốc uống hoặc chế biến làm món ăn bổ dưỡng thượng hạng. Theo Đông y, hải sâm được ví như "thần dược" với tính ôn, vị ngọt đậm có tác dụng bổ thận tráng dương, dưỡng tinh huyết, bổ não, ích trí, ninh tâm, trấn kinh, trừ toan, tiêu viêm, cầm máu, sinh cơ, giảm đau, nhuận tràng. Hải sẫm chữa suy nhược thần kinh và thể lực, gầy yếu sau bệnh, sau sinh, chữa liệt dương, thiếu máu, táo bón, ho lao, ho ra máu, chứng đi tiểu luôn, tiểu đường. Hải sâm còn được dùng cho người huyết áp cao (do thận âm hư) động mạch xơ cứng, bệnh mạch vành tim, xuất huyết dưới da, ung thư, tổn thương trong xạ trị ung thư... |
Theo Trí Tín (Vnexpress)