Nghề hốt bạc
Tiếp tục những câu chuyện vui buồn xung quanh cái nghề mà mình đang theo đuổi, Đ. kể cho tôi nghe một câu chuyện có thật và dặn đi dặn lại: "Chị phải giữ bí mật cho em nhé. Người trong nghề kỵ nhất là thói tọc mạch những bí quyết làm ăn với người ngoài". Tôi cười, truyền được niềm tin tới trái tim cậu em khiếm thị.
Đ. vui vẻ cho biết: "Trong thế giới tẩm quất của người khiếm thị đất Hà thành, có một người tên Quỳnh được mệnh danh là tay đấm số một, không ai sánh được. Anh không chỉ đấm khỏe, đấm đều, đẹp, êm mà còn có tài nói chuyện khiến khách tìm đến anh rất đông. Muốn được Quỳnh trực tiếp tẩm quất, khách thường phải đăng ký trước hàng tuần và đặt lịch hẹn. Khách của Quỳnh đa số là người quen, họ đến tẩm quất để giữ gìn và nâng cao sức khỏe. Đều đặn ngày mưa cũng như ngày nắng, hè cũng như đông, lượng khách anh tẩm quất khoảng từ 14 - 16 người, đúng tiêu chuẩn 45 - 60 phút một ca.
Tính ra mỗi ca với giá trung bình trên thị trường là 70 nghìn đồng. Không phải chia phần trăm cho ai, một ngày thu nhập của anh Quỳnh cũng trên dưới 1 triệu đồng. Đấy là chưa kể các khoản tiền khách bo thêm cho anh khi anh làm tốt công việc của mình. Bỏ một chút công sức, nhẹ nhàng, phù hợp với khuyết tật của mình, một người khiếm thị nếu chăm chỉ và có sức khỏe tốt có thể thu nhập cho mình không dưới 30 triệu đồng một tháng. Đấy là mới chỉ tính riêng cá nhân một người.
Còn với những người mở cơ sở để kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác, rồi thu tiền theo mức 50/50 như Đ. đã chia sẻ thì họ còn thu cao hơn. Ví dụ, một cơ sở khoảng từ 5 - 7 nhân viên, người chủ cũng thu nhập không dưới 40 triệu đồng một tháng. Nếu so với những nghề như vót tăm, vót đũa, đan thủ công như nhiều người khiếm thị lựa chọn thì rõ ràng, tẩm quất là nghề hốt bạc khiến ai cũng một lần nghĩ đến.
Người mù tâm huyết với nghề luôn mong xã hội có một cái nhìn đúng đắn hơn về nghề mà mình đang theo đuổi. Ảnh minh họa.
Chia sẻ về chuyện nghề của mình, anh Hoàng Minh N. (SN 1969), người đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề, hiện đang làm cho một cơ sở trên phố Lò Đúc cho biết: "Cái nghề làm dâu thiên hạ, không chỉ cần khéo tay mà còn phải có tài ăn nói nữa. Không ít khách đến với tẩm quất mong muốn được phục vụ 2 - 3 tiếng. Nếu nhân viên không biết ăn nói thì rất khó để cởi mở, tiếp chuyện.
Gặp trường hợp ấy, khách sẽ chán, lần sau không muốn đến cơ sở của mình nữa, hoặc có đến thì cũng tìm người khác để làm. Đa số khách đến tẩm quất không chỉ với mục đích về sức khỏe mà còn muốn tinh thần thoải mái, giảm bớt căng thẳng công việc, cuộc sống. Đôi khi có cả khách Tây cũng tìm đến quán. Nếu nhân viên biết thêm một chút ngoại ngữ để giao tiếp thì mới thật là chuẩn.
Anh N. cũng cho biết: "Niềm vui lớn nhất của những nhân viên hành nghề tẩm quất là mỗi khi khách gọi điện nói rằng họ rất thoải mái khi được tẩm quất. Hoặc những buổi tiếp theo, khách đến nói rằng hôm cái tay của cô đã đỡ mỏi hơn, vai cô đã không còn đau nhức nữa, chân cô đã hết tê mỏi rồi đấy... Đó là những hạnh phúc lớn lao mà những người tâm huyết với nghề cảm nhận một cách rõ nhất".
Một trong những kỷ niệm mà anh N. ấn tượng nhất là một cụ già năm nay đã 82 tuổi ở phố Bạch Mai, Hà Nội ngày nào cũng đều đặn đạp xe đến cơ sở nơi anh làm việc để tẩm quất, giữ gìn sức khỏe. Cụ bà trước đây cũng là một bác sĩ, nay đã về hưu. Nhiều lúc tẩm quất cho cụ, cụ còn dạy cho anh biết có những huyệt anh bấm hơi non, có những chỗ cần làm sao cho đúng và trúng huyệt hơn. Cụ rất nhẹ nhàng, không bao giờ cáu gắt với nhân viên. Cụ không chỉ là khách VIP ở cơ sở mà còn như một người thầy chuyên môn, hướng dẫn cho anh ngày càng trở thành một tay đấm lão luyện chỉn chu hơn.
"Cây ngay vẫn sợ chết đứng"?
Điều mà những người khiếm thị hành nghề tẩm quất luôn dặn lòng mình là làm sao giữ cho cái tâm sáng, không vì cám dỗ của đồng tiền mà làm những chuyện ô uế danh dự của chính mình. Mình có thể tàn nhưng không phế, có thể là khuyết tật so với xã hội nhưng vẫn lao động cống hiến và làm người có ích với một trái tim không tật nguyền.
Đ. chia sẻ với tôi: "Có nhiều con đường để dẫn con người ta lùi dần tới sự sa ngã. Nghề tẩm quất với người bình thường đã khó tránh khỏi sự giật lùi về nhân phẩm, với người khiếm thị thì nghị lực ấy phải cao gấp hai, ba lần người bình thường mới có thể đứng vững được".
Trong nhiều câu chuyện anh em trong nghề chia sẻ với nhau, có những lúc Đ. tự cảm thấy chán nản với chính con đường mà mình đang đi. Nghề tẩm quất người mù cũng chỉ là một nghề bình thường như bao nhiêu nghề khác nếu khách đến đây đơn thuần với mục đích làm tăng sức khỏe cho mình. Nhưng nếu khách đến với những mục đích trái ngang khác thì người khiếm thị khó lòng giữ mình. Không nhìn thấy mọi hoạt động xung quanh, không lường được những nguy cơ rình rập, người khiếm thị khó lòng phản ứng trước những hành động sàm sỡ của khách làng chơi.
Chưa kể đến việc, nhiều nhân viên vì hoàn cảnh khó khăn mà tặc lưỡi nghĩ rằng: "Khách sẵn sàng bo thêm tiền, mình chẳng biết họ là ai mà họ cũng chẳng cần nhớ mình là ai. Cứ cho họ thoải mái một chút. Một cái tặc lưỡi có khi tiền bo gấp cả chục lần tiền vất vả đổ mồ hôi cả tiếng đồng hồ làm cho khách. Những suy nghĩ thiếu lành mạnh như thế không hiếm gặp ở các nhân viên tẩm quất là người khiếm thị.
Kể về nghề của mình, Đ. cho biết: Có những gia đình từ ông bà, đến bố mẹ, và con cái, vợ chồng cùng tìm đến cơ sở nơi em làm việc để tẩm quất, massage vào mỗi tuần. Công việc mỗi người khác nhau, họ không đến cùng nhau trong một thời gian nhất định nào đó, nhưng họ có cùng điểm chung là đến đây vì mục đích đơn thuần là nâng cao sức khỏe. Nghề tẩm quất đơn thuần chỉ đòi hỏi kỹ thuật hoàn toàn bằng tay và kiến thức cơ bản về cơ thể con người, cộng thêm sức khỏe tốt để làm cho khách đạt đến hiệu quả thư giãn nhất định.
Nếu như tất cả mọi người đều giống như gia đình ấy, hay như cụ bà 82 tuổi kia, thì có lẽ cái tính nhân văn trong nghề tẩm quất người mù chẳng bao giờ bị bóp méo. Bản thân những người khiếm thị như em cũng sẽ không bị mặc cảm với nghề nghiệp của mình.
Theo tính toán của các chuyên gia, nghề tẩm quất là nghề hợp với người khiếm thị nhất. Bởi đơn giản nghề này đòi hỏi kỹ thuật từ hai bàn tay. Nhưng vô hình trung, từ những nhu cầu của cá nhân một nhóm người không lành mạnh đã làm hoen ố cả một nghề vốn rất trong sáng này.
Đ. buồn rầu cho biết thêm: "Nếu được lựa chọn và có một cơ hội khác, em sẽ không làm nghề tẩm quất nữa. Bản thân nghề không có tội, mà chỉ tại con người méo mó khiến nghề cũng trở nên xấu xa mà thôi".
Tẩm quất người mù bị lợi dụng để trục lợi Đ. chia sẻ: "Trên địa bàn Hà Nội và các thành phố lớn hiện nay, những tấm biển tẩm quất người mù ngày càng tăng lên về số lượng. Tuy nhiên, rất nhiều trong số này lợi dụng chứng chỉ tẩm quất của người khiếm thị thật để mở cửa hàng kinh doanh cho mình, trục lợi và làm xấu đi tính chất nhân văn của nghề dành cho người khiếm thị. Nếu so với một người phụ vữa vất vả cả ngày trời đội mưa đội nắng, vắt mồ hôi mới cầm được trăm nghìn trong tay thì cái nghề này quả thật an nhàn hơn gấp nhiều lần. Chỉ cần ngồi một chỗ, không phải đi xa và không mất nhiều thời gian mà mỗi ngày cũng bỏ túi đôi ba trăm nghìn. Do vậy, việc người mắt sáng lợi dụng tẩm quất người mù thu lợi và đôi khi làm những việc mờ ám đã ảnh hưởng tới những cơ sở tẩm quất người mù chân chính". |
Dương Thu