Thu nhập "khủng" nhờ hái cà phê
Những ngày này, không khí tại tỉnh Đắk Lắk trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết khi mùa thu hoạch cà phê đã chính thức bắt đầu. Từ sáng sớm, những đoàn xe máy cày nối đuôi nhau lăn bánh trên khắp các nẻo đường, tiếng cười nói rộn rã từ những rẫy cà phê bạt ngàn đã xua tan tiết trời se lạnh của Tây Nguyên trong những ngày cuối năm.
Để kịp thời thu hoạch trước khi những trái cà phê chín rụng, nhiều hộ gia đình tại Đắk Lắk đã chuyển sang hình thức thuê nhân công hái khoán, tiền công được trả dựa trên sản lượng cà phê hái được.
Ông Nguyễn An Sơn (SN 1964, trú tại thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, gia đình ông canh tác 7ha cà phê. Trước đây, ông thường thuê nhân công theo hình thức trả thù lao theo ngày với mức 250.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, cách làm này không chỉ tốn kém mà còn dẫn đến thiệt hại về sản lượng.
"Với hình thức hái cà phê công nhật, người lao động không chủ động về thời gian, thường làm việc từ từ và chỉ chăm chăm vào đủ 8 tiếng rồi về. Do đó, thời gian thu hoạch kéo dài, nhiều trái cà phê chín bị rụng do không kịp thu hoạch, gây lãng phí và giảm sản lượng của nhà vườn. Có những năm, gia đình tôi phải chi hơn 200 triệu đồng cho việc trả lương công nhân thu hoạch 7ha cà phê", ông Sơn lý giải.
Nhận thấy những bất cập trong hình thức hái cà phê công nhật, những năm gần đây, gia đình ông Sơn đã chuyển sang thuê người hái cà phê theo hình thức khoán. Nhờ vậy, mỗi năm, gia đình ông chỉ phải chi khoảng 120 triệu đồng cho tiền công hái 7ha cà phê, đồng thời rút ngắn thời gian thu hoạch.
Đôi tay thoăn thoắt trút những cành cà phê trĩu quả, anh Y Yoar Niê (SN 1998, trú tại xã Ea Hding, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo tại địa phương.
Do không có đất sản xuất nên nhiều năm nay, vợ chồng anh phải đi làm thuê quanh năm. Vào dịp cuối năm, vợ chồng anh lại tranh thủ đi hái cà phê khoán và mang về tổng thu nhập hơn 700.000 đồng mỗi ngày.
Tương tự, nhiều ngày nay, ông Nguyễn Văn Ích (59 tuổi, trú tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) và vợ cũng đang nỗ lực đi hái cà phê khoán để cải thiện thu nhập cho gia đình.
Ông Ích tâm sự: "Gia đình tôi có 4 sào cà phê. Tuy nhiên, năm nay nắng hạn kéo dài nên sản lượng cà phê giảm 1 nửa so với năm 2023, chỉ thu được khoảng 8 tạ, trong khi cùng diện tích này, năm 2023 sản lượng đạt 1,8 tấn. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập của gia đình".
Để bù đắp lại sự sụt giảm này, vợ chồng ông Ích tranh thủ đi hái cà phê khoán, với giá 1.200 đồng/kg. Công việc dù vất vả nhưng mỗi ngày vợ chồng ông hái được 7-8 tạ cà phê tươi và mang về mức thu nhập từ 400-500.000 đồng/người/ngày.
Bị lôi cuốn bởi mức thu nhập hấp dẫn từ việc hái cà phê khoán, anh Nguyễn Văn Lợi, trú tại thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) đã quyết định tạm gác lại công việc thợ xây dựng của mình. Nhờ sự dẻo dai của tuổi trẻ, mỗi ngày anh hái được từ 3-4 tạ cà phê tươi, mang về thu nhập hơn 500.000 đồng, có những ngày lên đến 900.000 đồng.
Và vội miếng cơm nguội mang theo, anh Lợi cho hay: "Để đạt được mức thu nhập cao từ việc hái cà phê khoán, chúng tôi không chỉ thao tác nhanh nhẹn mà còn phải tận dụng tối đa thời gian làm việc, kể cả buổi trưa. Theo đó, mọi người đều tranh thủ nấu cơm ở nhà mang đi, hoặc mua bánh chưng để ăn tạm ngay tại rẫy cà phê, giúp tiết kiệm thời gian".
"Khát" lao động công nhật
Ngoài những thuận lợi nói trên, mùa thu hoạch cà phê cũng đặt ra không ít thách thức đối với cả người lao động và chủ vườn.
Bên cạnh những nhà vườn thuê người hái cà phê khoán, không ít hộ gia đình lại chọn hình thức tìm lao động trả thù lao theo ngày. Tuy nhiên, việc tìm kiếm người làm theo hình thức này không hề dễ dàng.
Đưa tay lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, bà Huỳnh Thị Thảo (trú tại xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) lý giải: "Năm 2024, do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài nên nhiều vườn cà phê giảm sản lượng đáng kể. Nhiều gia đình kêu công hái cà phê khoán. Nhưng khi người lao động đến xem vườn thì lại bỏ đi. Họ cho rằng, với những vườn cà phê kém năng suất, thưa thớt quả thì việc hái khoán sẽ khó đạt được sản lượng như mong muốn".
Trước tình hình này, nhiều gia đình phải đăng tải thông tin lên các trang mạng xã hội và qua nhiều kênh thông tin để tìm người hái cà phê theo hình thức trả thù lao công nhật. Thế nhưng, mức thu nhập từ 250-270.000 đồng/ngày đã khiến nhiều người từ chối và tìm đến các tỉnh khác để hái cà phê khoán.
Ngoài những khó khăn trong việc tìm người lao động, nghề hái cà phê cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt là nguy cơ bị rắn lục tấn công.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, một người dân trú tại buôn Dhung, xã Ea Mdroh, huyện Cư M’gar, chia sẻ: "Rắn lục thường trú ngụ trong các cành cây, bụi rậm và có màu xanh giống như lá cây. Chính vì vậy, rất khó để phát hiện chúng. Nếu không chú ý kĩ, người hái cà phê có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của loài rắn độc này".
Không chỉ vậy, cây cà phê trong mùa thu hoạch còn thu hút nhiều loại kiến. Nếu không chú ý, người hái cà phê cũng dễ dàng bị kiến tấn công, gây khó chịu và ảnh hưởng đến công việc. Để giảm thiểu rủi ro, bà Nguyệt cho biết, nhiều hộ dân thường xịt thuốc diệt kiến trước khi thu hoạch cà phê khoảng 10 ngày nhằm tránh bị rắn lục tấn công và hạn chế tình trạng bị kiến cắn.
Ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, trên địa bàn huyện có tổng diện tích cà phê khoảng 37.649 ha. Để cà phê Cư M’gar phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ trong công tác giống, biện pháp canh tác, thu hoạch chế biến... Từ đó, nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa ổn định về năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng ổn định và bền vững.
Vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đắk Lắk đã có Công văn số 2976 gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk về việc tăng cường công tác quản lý lao động, việc làm trong mùa thu hoạch cà phê năm 2024.
Theo đó, Sở LĐ-TB&XH đề nghị, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn nắm bắt, tổng hợp thông tin về nhu cầu thuê lao động và số lao động ngoài tỉnh đến thu hoạch cà phê ở các hộ gia đình trên địa bàn.
Tổng hợp số lượng nhu cầu thuê mướn lao động của người dân, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk để cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho người lao động. Không để xảy ra tình trạng thiếu hụt, "đứt, gãy" lao động làm ảnh hưởng đến việc thu hoạch cà phê của người dân.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk, thường xuyên liên hệ với các địa phương, đơn vị có liên quan; Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố lân cận, các tỉnh có lực lượng lao động nhàn rỗi ở khu vực nông thôn để cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho người lao động, nhằm đảm bảo đủ số lượng lao động theo nhu cầu của người dân để thu hoạch cà phê...
Khánh Ngọc