Online trên mạng xã hội, bạn chắc không ngạc nhiên khi thường nhận được đường dẫn (link) từ bạn bè với nội dung: “Tuyển Admin Fanpage một hãng xe máy nổi tiếng với 50.000 thành viên”; “Thông báo mời làm Admin (Ad) cho trang Học tiếng Anh online” hoặc “Fanpage mới thành lập cần thêm 3 Ad nữa”.
Sự phổ biến của nghề làm Ad “khủng” đến mức chỉ cần gõ từ khóa “Tuyển admin facebook”, bạn sẽ có ngay hơn 1,3 triệu kết quả bằng tiếng Việt. Cùng với đó là hàng trăm cơ hội được mời làm việc ngay và luôn.
Ví như trang chủ của một game hot trong cộng đồng game thủ vừa đăng tuyển Ad cho Fanpage thì ngay lập tức đã kín đơn dự tuyển. Tất cả đều là sinh viên và đáp ứng đầy đủ yêu cầu như “Am hiểu về Fanpage và cộng đồng game thủ, có khả năng sáng tạo nội dung, có thời gian online từ 5 đến 8h mỗi ngày”.
Vì sao “làm Ad” lại hút đến vậy?
Hiếu Vũ, SV năm thứ 4 ĐH Bách Khoa Hà Nội, Ad “Fanpage” của một hãng xe máy lớn cho biết: “Mình được làm việc mọi lúc, mọi nơi, được làm quen với chiến lược phát triển cho cả một “trang thông tin” và giao tiếp với rất nhiều người bạn mới. Đôi khi cảm giác vui sướng chợt đến khi trang “Fanpage” do mình quản lý tăng vèo vèo mấy trăm “Like” một lúc”.
Đồng quan điểm với Hiếu Vũ là cô bạn Cẩm Anh, du học sinh Thái Lan, làm Ad của một Fanpage báo từ khi là SV năm thứ nhất đến lúc ra trường: “Mình được tham gia vào các dự án nội dung của tòa soạn, được tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, tổ chức muốn quảng bá thông tin. Nhờ thường xuyên cập nhật tin tức lên trang mà kiến thức nền về văn hóa xã hội của mình cũng tăng lên đáng kể”.
Có một điều thú vị mà tất cả các Ad đều tránh nhắc đến khi được hỏi về công việc làm Admin: Vấn đề “đầu tiên”. Ad Phạm Thành Long của Fanpage trường ĐH KHXH và NV Hà Nội thì ví von vui: “Làm Ad như làm dâu trăm họ vậy. Ai muốn mang lại nhiều niềm vui cho bạn bè thì đăng ký làm thôi”.
Bạn Hoàng Minh Hiếu, Ad “Fanpage” Hội Sinh viên Học viện Ngoại giao thật thà: “Bọn mình làm vì thương hiệu của Hội SV trường. Vì đam mê nên có những hôm các Ad họp xuyên đêm nhưng đâu có nghĩ đến được gì, mất gì đâu”.
Không “hẻo” như các trang “Fanpage” của trường ĐH, Ad của những trang mang thương hiệu của doanh nghiệp hoặc cá nhân kinh doanh đều được trả thù lao. Nhưng con số cụ thể thì rất chi là bay nhảy.
Theo ghi nhận, mức tiền trả cho Admin (nếu có) chỉ ở mức 300.000 đến 500.000 mỗi tháng, tức là chỉ ở vừa đủ trả tiền cước 3G. Cá biệt như Hiếu Vũ cho biết bạn nhận được thu nhập 10 chữ số cho dự án 1 năm làm việc online. Còn Cẩm Anh, bạn cho biết mình cảm thấy hài lòng với mức nhuận bút hàng tuần ở vị trí làm Ad cho tờ báo hàng đầu dành cho giới trẻ.
Những trải nghiệm nghề nghiệp đắt giá
“Làm Ad” thoạt nghe thì oách nhưng công việc không toàn một màu hồng. Ad Cẩm Anh phàn nàn: “Facebook dạo này bổ sung một số tính năng cho comment nhưng có vẻ đang lập trình dở hay sao mà sắp xếp rất lộn xộn”.
Không chỉ các Ad, những người dùng Facebook cũng khá lúng túng trước việc nhiều comment hiển thị không theo thứ tự thời gian. Ad Hiếu Vũ trải lòng: “Công việc của Ad trở nên vô cùng vất vả, có khi “gạch đá” đủ để xây nhà”.
Lavender Dream, Ad của một trang Confessions cho biết có những khi đang bực thì Ad lại nhận được những lời thú tội bằng tiếng Ả Rập. Hoa mắt chóng mày cầu cứu Google Translate mà Ad vẫn bó tay với đống giun dế loằng ngoằng.
Nắm quyền đăng bài, xóa comment và cảnh cáo các thành viên tham gia Fanpage tưởng như các Ad có trong tay mọi công cụ để thực hiện “quyền sinh quyền sát”. Nhưng đặc quyền này đôi khi “phản thùng” vì Ad cũng có lúc phạm sai lầm.
Ví như Ad Fanpage của một nhóm nhạc Hàn Quốc đã bị chính các thành viên trang nhà “buộc thôi việc” khi cho đăng tải các comment của nhóm nhạc “đối thủ không đội trời chung”. Ad của một doanh nghiệp chuyên về hàng tiêu dùng nổi tiếng mới đây đã bị “ném đá” tới tấp vì một mình đôi co với cả trăm thành viên.
Trở thành một Ad, bạn cần…
Những yếu tố nào sẽ giúp bạn trở thành một Admin thạo nghề và đem lại những giá trị mới cho trang Fanpage mình quản lý? Lời nhắn gửi từ chính các bạn đang làm Admin hi vọng sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị thật tốt trước khi vào nghề:
- Bạn hãy suy nghĩ kỹ về hướng phát triển nội dung chủ đạo của “Fanpage” và đầu tư có trọng điểm vào một hướng mà thôi: Hướng giải trí, xã hội, nhân văn hay gì khác. Đừng biến Fanpage thành một nồi lẩu (tin ảnh gì cũng có bằng được) vì những kiểu như vậy đầy rẫy trên mạng rồi.
- Sau khi xác định hướng đi cho Fanpage, hãy xem bạn có đủ thời gian và kiến thức về mảng đấy không. Ad cũng có thể đăng tuyển để tìm thêm Ad để cùng chung tay công việc.
- Đối với các Fanpage doanh nghiệp, mức thù lao bạn nhận được để phát triển có hợp lý và có xứng đáng với những gì bạn phải bỏ ra không, liệu có đem lại nhiều cơ hội mới cho bạn không?
- Hãy xác định thế này: Vì công việc Admin khiến bạn phải “bỏ ra” rất nhiều nhưng những thứ “thu lại” cũng không thiếu. Thế nên nếu đang lăn tăn thì lời khuyên là “cứ làm đi”.
- Cuối cùng, đừng quên, thế giới mà bạn đang lao vào chỉ là một phần của cuộc sống thực ngoài kia.
Chúc bạn có một công việc với nhiều trải nghiệm thú vị!
Theo Vũ Anh - Tùng Anh (SVVN)