Ngoài ra, họ cũng thường được dạy thêu thùa và chơi đàn. Những kỹ nữ tài danh nhất là những người biết đủ cầm, kì, thi, họa. Trong lịch sử Trung Quốc có thập đại kỹ nữ. Tìm hiểu về cuộc đời các nàng, ta nhận thấy một đặc điểm chung là “hồng nhan bạc mệnh”, “chữ tai đi với chữ tai một vần”...
Vương Thôi Xảo (Wang Cuiqiao), kỹ nữ sống dưới thời nhà Minh, nổi tiếng vì cuộc đời lắm chuân chuyên. Nàng bị cha mẹ bán vào lầu xanh từ nhỏ, khi lớn lại bị tú bà bán cho một thương nhân già nua, nhưng may mắn nàng trốn thoát và trở thành thiếp của một người đàn ông trẻ tuổi, con trai một gia đình giàu có. Nhưng chồng nàng đào ngũ ngoài chiến trường khiến nàng ở nhà bị đem bắt giam vào ngục. Người ta dọa sẽ đem nàng làm cống phẩm tặng cho bọn giặc khiến Vương Thị phải tự vẫn.
Lập Thi Thi (Li Shishi) là một kỹ nữ nổi tiếng ở thời nhà Tống. Nàng là con gái của một gia đình làm nghề nhuộm vải. Lập Thị được gửi tới chùa từ khi ba tuổi. Bốn tuổi, cha nàng phạm tội bị bắt giam vào ngục và qua đời trong lao tù. Nàng được những người hàng xóm nuôi lớn. Một tú bà sau đó tìm tới nhận nuôi nàng và rèn rũa để Thi Thi trở thành một kỹ nữ nổi tiếng ở Kinh thành. Hoàng đế Tống Huy Tông (1082-1135) vì say mê tài sắc của nàng mà thường dời cung đi vi hành.
Khi nhà Tống thất thế, Hoàng đế Huy Tông bị quân Kim tống giam vào ngục, Lập Thị bị quân Kim săn lùng ráo riết nhưng chúng không bao giờ tìm được nàng. Nhân gian truyền rằng nàng đã xuống tóc đi tu.
Đỗ Thi Nương (Du Shiniang) là kỹ nữ dưới triều nhà Minh. Nàng vốn là con gái nhà giàu nhưng sau khi cha phạm tội, bị tống giam vào ngục, Thi Nương bị bán cho một mụ tú bà ở Kinh thành. Vốn là con nhà khá giả, nàng biết đủ cầm, kì, thi, họa và nhanh chóng trở thành kỹ nữ tài danh chốn Kinh thành.
Đỗ Thị sau đó đem lòng yêu một chàng trai họ Lý. Hai người hứa hẹn thề nguyền, chàng công tử lấy tiền chuộc nàng ra, nhưng gã Sở Khanh sau đó lại bán nàng cho một người đàn ông giàu có khác với giá hời hơn bởi anh ta thừa biết gia đình mình không bao giờ chấp nhận một cô gái từng là kỹ nữ về làm con dâu. Cuối cùng, khi biết mình đã bị lừa dối, Đỗ Thi Nương đã nhảy xuống sông tự vẫn.
Nghề kỹ nữ thời Tần Hán
Nghề kỹ nữ thời Tần Hán trên cơ sở thời Xuân thu Chiến quốc lại tiến thêm một bước. Đặc điểm của nó là Cung kỹ vô cùng phát triển, Gia kỹ bắt đầu thịnh hành, chế độ Doanh kỹ chính thức xác lập, Thị kỹ từ từ phát triển.
Năm 221 trước Công nguyên Tần Thủy Hoàng không những thống nhất Trung Quốc, mà còn phát triển Cung kỹ tới mức cao độ. Theo sử sách, Tần Thủy Hoàng là một ông vua tàn bạo hoang dâm, ham mê tửu sắc, lấy gái đẹp làm đồ chơi. Đương thời có "Ly cung ở Quan Trung ba trăm sở, Quan ngoại bốn trăm sở, đều có chuông khánh, màn trướng, nữ nhạc ca kỹ", tổng cộng tới "hàng vạn người, chuông trống đàn sáo không dứt.
Những người "trẻ tuổi xinh đẹp" "làm kỹ nữ ca hát" không những hàng ngày đàn hát ca múa phục vụ Tần Thủy Hoàng mà thỉnh thoảng còn phải cung đốn tình dục cho y.
Sinh hoạt của giai cấp thống trị thời Hán còn hoang dâm vô sỉ hơn. Hán thư, Cống Võ truyện chép "Thời Vũ đế lại lấy thêm phụ nữ vài ngàn người đưa vào hậu cung. Đến khi bỏ thiên hạ, Chiêu đế còn nhỏ, Hoắc Quang chuyên quyền không biết lễ chính, cứ vơ vét tiền bạc, của cải, chim thú tôm cá, trâu ngựa, hổ báo, chim sống, mười phần lấy chín, đều cất giữ riêng. Lại đem hết mỹ nữ trong hậu cung ra ở viên lăng, là việc rất thất lễ, trái lòng trời, chưa chắc đã là ý của Vũ đế. Chiêu đế yến giá, quan lại làm như thế.
Đến thời Hiếu Tuyên hoàng hậu, bệ hạ (Nguyên đế) ghét lời bà, quần thần cũng theo chuyện cũ, rất là đáng buồn! Cho nên khiến thiên hạ học theo người trên, đều cưới vợ quá mức, chư hầu có khi có tới vài trăm thê thiếp, nhà giàu và quan lại nuôi ca kỹ tới vài mươi người, vì thế ở trong có nhiều oán nữ, ở ngoài có nhiều khoáng phu... Lỗi ấy từ người trên sinh ra, đều là tội của các đại thần theo lệ cũ". Lại như Hậu Hán thư, Hoàng hậu kỹ nói "Từ sau đời Vũ đế Nguyên đế, mỗi đời mỗi chi phí vào việc hoang dâm nhiều hơn, đến nỗi Dịch đình có ba ngàn người, chia làm mười bốn bậc".
Sinh hoạt hoang dâm của Hán Vũ đế mang tính chất tiêu biểu nhất trong các vua nhà Hán. "Trong niên hiệu Nguyên Sóc, nhà vua dựng cung Quang Minh, đem hai ngàn gái đẹp Yên Triệu vào đó, đều từ mười lăm đến hai mươi tuổi, đến ba mươi tuổi thì cho xuất giá. Theo sổ sách trong Dịch đình, các cung có tất cả 18.000 gái đẹp. Ba cung Kiến Chương, Vị Ương, Trường An đều có đường xe kiệu đi. Những bề tôi đươc thương yêu thì chia phụ nữ cho, hoặc lấy làm Bộc xạ, quan lớn thì lãnh bốn năm trăm, quan nhỏ thì lãnh một hai trăm người. Những người thường được hầu vua thì ghi vào sổ, được nâng bậc, hưởng lương sáu trăm thạch.
Cung nhân đã rất nhiều, người được hầu vua mấy năm mới đến phiên một lần. Những phụ nữ giỏi mỵ thuật rất đông. Chọn hai trăm người thường theo vua ra ngoài, chở ở xe sau. Những người ngồi cùng xe với vua có mười sáu người, thường đủ số, đều xinh đẹp tự nhiên, không cần son phấn, được hưởng quần áo xe ngựa như nhà vua. Thường tự nói: Có thể ba ngày không ăn cơm, chứ không thể một ngày thiếu đàn bà. Rất giỏi thuật đạo dưỡng nên thân thể thường khỏe mạnh, ngủ với những người có thể có con, thường ghi lại ngày giờ, thưởng vàng trăm cân. Người có thai thì phong làm Dung hoa, sung vào hàng thị nữ"). Rõ ràng trong 18.000 gái đẹp ấy có một bộ phận rất lớn thuộc loại Cung kỹ.
Ngoài Vũ đế, các vua nhà Hán cũng có hàng ngàn hàng vạn cung kỹ trong hậu cung, sinh hoạt hoang dâm đồi bại. Như Nguyên đế có thụy hiệu là Nhân nhu Cung kiệm mà phi tần thê thiếp trong cung phần nhiều "ít khi gặp mặt", đến nỗi chỉ còn cách "sai thợ vẽ vẽ tranh, theo đó gọi vào hầu. Thành đế lại càng hoang dâm "say mê tửu sắc", số người được yêu thương trong hậu cung còn vượt xa các vua trước, như Triệu Phi Yến mà ông ta sủng ái nhất là xuất thân từ ca kỹ.
Hoàn đế thời Đông Hán cũng là một hôn quân cả ngày chìm đắm vào thanh sắc, Lý Hiền chú thích Hậu Hán thư, Hiếu Hoàn đế kỷ nói "Hoàn đế nạp ba hoàng hậu, lại thu thêm năm sáu ngàn cung nữ, mà không có con". Mà Linh đế còn hoang dâm hiếu sắc hơn Hoàn đế. Theo Hậu Hán thư, Hoạn giả liệt truyện thì thời Hán Linh đế, "Thể nữ trong hậu cung có mấy ngàn người, quần áo vật dùng hàng ngày tốn mấy trăm lượng vàng”. Từ đó có thể thấy mức độ thịnh vượng của cung kỹ thời Hán.
Thoại Mỹ