Trong ngành chăn nuôi gia cầm mà cụ thể là nuôi gà, tùy theo mục đích nuôi lấy trứng hay lấy thịt, mà các trang trại sẽ tách tỉ lệ trống/mái khác nhau. Từ đó, công việc xác định và phân loại giới tính gà con là một khâu được chú trọng.
"Căn cứ phân biệt đơn giản nhất là dựa vào lỗ huyệt gà (tĩ gà). Con trống sẽ có gai giao phối, đó là một cái nốt tròn, bóng, đỏ, còn gà mái thì không có", chị Nguyễn Thị Dung (33 tuổi, ở xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội), người gắn bó với nghề soi lỗ huyệt gà hơn 10 năm nay, tiết lộ bí quyết.
Chia sẻ với Vnexpress, chị cho biết sau khoảng 1 tiếng đã phân loại được khoảng 1.200 con. Nhẹ nhàng cầm một chú gà con lên tay phải, tay trái nặn phân và soi lỗ huyệt ở hậu môn dưới bóng đèn, chỉ mất 2 giây chị đã nhìn ra đây là con trống hay mái. Khi xác định chú gà trên tay là mái, chị thả sang giỏ bên phải mình. Đồng thời tay trái ngay lập tức thế chỗ dưới bóng đèn sợi đốt. Vẫn nặn phân, soi hậu môn, chú gà này được thả sang giỏ bên trái, nơi đặt gà trống. Toàn bộ quá trình nhanh như một cái chớp mắt.
Theo nghề này, chị Dung tách được trung bình 4.000 con mỗi buổi, tính ra thu nhập từ 60-100 triệu đồng mỗi tháng. Có những đợt gà nở nhiều, chị phải làm từ sáng sớm tới đêm. Đỉnh điểm có ngày chị đã tách tới 18.000 con, nhận về khoảng 5 triệu đồng tiền công.
Vào nghề năm 2009, lúc đó chị không nghĩ nó lại "hái ra tiền" như thế. "Ngày ấy vừa sinh xong hai con, chẳng có nghề ngỗng gì. Nhà có lò ấp, bố mẹ chồng bảo đi học thì đi, chứ có thích đâu", Dung bộc bạch.
Sau 3 tháng Dung đã nắm được kỹ thuật soi. Từ lúc ấy, ngoài làm cho nhà, chị còn được mời làm thêm cho các lò ấp khác. “Tôi học rất nhanh, chỉ vài ba tháng đã có thể phân biệt ra trống, mái. Trước kia, do nhu cầu thị trường còn ít và không phải ai cũng soi được nên khá lạ với nhiều người”, chị Dung cho hay.
Tuy nhiên giai đoạn đầu vì tay nghề chưa cao nên thi thoảng Dung vẫn làm gà chết và độ chính xác không cao. Sau đó cô quyết tâm tự học lại. Dung đi hỏi chuyện, quan sát cách làm của những người đi trước kết hợp xem và học thao tác qua các video của Hàn Quốc, Trung Quốc, từ đó tạo phương pháp của riêng mình.
"Trước đây cô giáo dạy tôi dùng 3 ngón tay để làm, tỉ lệ chính xác không cao, gây chết nhiều gà. Tôi sáng tạo ra dùng 2 ngón, nhanh hơn, thuận tiện thao tác", Dung nói.
Nhìn qua có thể nhiều người nghĩ công việc này nhẹ nhàng, lương cao, song thực tế không phải ai cũng theo được. Tiến sĩ Trần Ngọc Tiến, Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) cho biết, đối với gà một ngày tuổi, hiện có 2 phương pháp phân biệt giới tính.
Thứ nhất là phương pháp bấm lỗ huyệt, cho độ chính xác cao song khó thực hiện, yêu cầu người làm phải có chuyên môn. Bởi lẽ để bóp gà, giúp gà bài tiết mà không làm nó đau cần phải được đào tạo bài bản.
Thứ hai là phương pháp phân biệt giới tính bằng máy, thịnh hành ở các nước phương tây. "Bạn Dung nổi tiếng trong làng phân biệt giới tính gà nhiều năm nay. Tại Viện chúng tôi cũng chỉ có vài thầy cô biết phương pháp này", Tiến sĩ Tiến nói.
Chị Dung cũng cho hay cả làng chị chỉ có khoảng vài ba người theo được nghề vì không phải ai cũng có khả năng “nhìn” được giới tính của gà. Để làm thành thạo và soi được giới tính gà với độ chính xác cao, nhiều người phải bỏ ra từ 3 – 6 tháng, thậm chí lâu hơn để đi học. Mức học phí dao động khoảng 30 – 40 triệu đồng/khóa, đòi hỏi học viên phải thực hành liên tục mới có thể soi được nhanh và chính xác.
"Cái gì cũng có cái giá của nó", một thợ soi giới tính gà tại Đông Anh, Hà Nội nói.
Người này tiết lộ đã bỏ ra gần 50 triệu đồng cho khóa học phân biệt gà trống/mái. Thay vì phải thuê người thời vụ và cao điểm thường "cháy" nhân công, anh đã tự học để vừa quản lý trang trại, vừa kiêm luôn công việc "khó nhằn" này.
Mặc dù vừa học vừa thực hành, khoảng 6 tháng có thể làm được nhưng để đạt đến độ chính xác cao thì cần kinh nghiệm 2-3 năm. Công việc không hề đơn giản, ngoài kinh nghiệm thì những kiến thức cơ bản về từng giống gà cũng cần nắm được thật kỹ.
"Có những thời điểm vàng để soi hậu môn gà. Ví dụ như sau khi gà nở 2-3 tiếng phải soi ngay, bởi nếu hậu môn của con gà đã khô thì các dấu hiệu phân biệt sẽ khó hơn, tốn nhiều thời gian và cần nhiều kinh nghiệm khác để phân biệt chúng. Học rồi mới thấy vì sao nghề này được trả công cao, nhưng khát người. Nhưng không phải ai học xong cũng có thể làm nghề thành thạo. Để có thể phân biệt được gà trống, gà mái thì phải có kinh nghiệm và độ nhạy bén của mỗi người. Có những người học xong rồi cũng bỏ nghề vì độ chính xác không cao trong việc soi giới tính gà", anh này chia sẻ.
Chưa kể, đặc thù của công việc là phải ngồi rất lâu cả chục tiếng đồng hồ, trong điều kiện lò ấp nóng bức, mùi hôi tanh của phân gà. Những ngày tháng 5, tháng 6, nhiệt độ trong lò ấp lên đến 40 độ, Nguyễn Thị Dung vẫn phải ngồi làm trong không gian đông đặc mùi hôi hám, mồ hôi chảy thành dòng. Hay như những ngày mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, chị vẫn phải vượt quãng đường vài chục km đến chỗ làm. "Khó khăn nhất của nghề này là người làm phải phụ thuộc vào con gà, mà con gà lại nở theo thời tiết", Dung kể.
Ngoài làm cho trại gia đình, Dung còn làm cho 3 trại gà khác ở Đông Anh, Bắc Từ Liêm và Bắc Ninh. Cứ 4 ngày một trại ra lò nên hầu như Dung không có ngày nghỉ. “Phải thực sự yêu thích và đam mê với nghề mới có thể gắn bó được. Công việc này tự do dù mang lại thu nhập cao nhưng các đại lý cần mình phải đi xa nên hầu như không có thời gian rảnh”, chị Dung chia sẻ với Thanh Niên.
Chị Phạm Thị Ngọc Ánh (25 tuổi, ở xã Đức Giang, huyện Hoài Đức) là học viên của chị Dung, cho biết, trước kia làm nghề spa nhưng thu nhập không ổn định nên chị quyết định đầu tư khóa học kéo dài 6 tháng để theo nghề soi giới tính của gà với mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn.
“Tôi học được hơn 4 tháng rồi, hằng ngày phải vừa học vừa làm để có kinh nghiệm và nhìn gà được nhanh hơn. Nghề này đòi hỏi độ chính xác cao nên phải thực hành thường xuyên, ngồi làm liên tục mới có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường”, chị Ngọc Ánh tâm sự.
Được biết không chỉ ở Việt Nam, tại nhiều quốc gia, đơn cử như Hàn Quốc, công việc soi giới tính gà con cũng cho thu nhập khá, với thgần 70 triệu KRW/năm (hơn 1,3 tỷ đồng). Những người làm nghề này có thể phân loại trung bình 10.000 gà con mỗi ngày. Trong 1 tiếng đồng hồ phải phân loại được trên 700 con gà nên yêu cầu rất cao về thể lực và khả năng tập trung. Ở một số quốc gia, người làm công việc này còn buộc phải hoàn thành chương trình đào tạo tại một tổ chức giáo dục tư nhân hoặc phòng nghiên cứu giống gà.
Minh Hoa (t/h)