Những năm gần đây, khái niệm food reviewer (người đi ăn và đánh giá các món ăn, giới thiệu cho người khác thông qua các kênh trên nền tảng mạng xã hội) đã không còn xa lạ với giới trẻ Việt. Đây là nghề rất phổ biến trên thế giới nhưng mới bắt đầu manh nha ở Việt Nam.
Với niềm đam mê ẩm thực và mong muốn giới thiệu quán ăn ngon tới mọi người, những food reviewer thường tìm đến các hàng quán ít người biết tới hoặc được đánh giá cao hay gây tranh cãi để kiểm chứng và đưa ra đánh giá. Nội dung thường là cảm nhận cá nhân về không gian quán xá, hương vị món ăn, giá thành, thái độ phục vụ và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khi cộng đồng đánh giá ẩm thực ngày càng mở rộng, các quán ăn, nhà hàng cũng dần quan tâm tới hình thức chia sẻ trải nghiệm ăn uống online. Họ mời những người có ảnh hưởng tới dùng bữa thử và trả tiền để viết bài đánh giá trên mạng xã hội.
"Làm food reviewer, tôi được thử rất nhiều đồ ăn, tiếp xúc với nhiều nền ẩm thực khác nhau từ Việt, Trung, Hàn rồi Âu. Việc review (đánh giá) này cũng đem lại cho tôi một nguồn thu nhập nhỏ từ những nhà hàng đã mời mình. Tôi sử dụng phần "thù lao" này để hỗ trợ những trải nghiệm ăn uống đường phố hay các quán mới mở hay hay mà mình muốn cập nhật cho các bạn", Vũ Mỹ Linh, một food reviewer ở Hà Nội, nói với Tuổi Trẻ Online.
Nhiều bạn trẻ còn coi nghề này như một công việc toàn thời gian, sẵn sàng dành cả ngày đi ăn uống, viết cảm nhận và chia sẻ lên mạng xã hội.
“Đã coi là công việc thì phải kiếm ra tiền. Khi sở hữu lượng người theo dõi ổn định, họ sẽ chỉ nhận các bài quảng cáo thay vì chủ động tìm kiếm quán, ăn thử và viết nhận xét”, Phương Anh (23 tuổi), một chuyên viên marketing ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) với nghề tay trái là food reviewer, chia sẻ với Zing.
Mức thù lao của food reviewer phụ thuộc vào hình thức đăng bài viết và lượng người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội, dao động từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng.
Theo khảo sát của Zing, một tài khoản chuyên về hàng quán ăn ở Tp.HCM, sở hữu hơn 30.300 người theo dõi, báo giá 1-3 triệu đồng cho tùy gói quảng cáo trên mạng xã hội. Một kênh khác viết về các quán cà phê ở Hà Nội và Tp.HCM có hơn 202.000 người theo dõi đưa ra mức giá 3 triệu đồng cho gói quảng cáo gồm một bài đăng kèm 2 video story trên Instagram. "Mức giá phổ biến mà mình nắm được trong ngành là 5-15 triệu đồng", Phương Anh cho hay.
Tuy nhiên khi food reviewer đã trở thành một nghề thì xuất hiện tình trạng những lời đánh giá ẩm thực không còn giữ được tính chất khách quan.
Thực tế, bên dưới nhiều bài đăng chia sẻ hàng quán trên mạng xã hội, không ít người để lại bình luận tố cáo việc nhận tiền quảng cáo để giới thiệu địa điểm ăn uống sai sự thật của các food reviewer.
Một food reviewer sở hữu hơn 10.000 người theo dõi từng chia sẻ bài viết khen nức nở một quán chè bưởi trên phố Bà Triệu (Hà Nội) trên một nhóm đánh giá đồ ăn. Trong khi bài viết đánh giá “lớp cốt dừa sệt sệt bùi bùi”, “đậu xanh khá mát”..., thì ở mục bình luận rất nhiều người lên tiếng phản đối nội dung bài đăng: “Ăn chán kinh lên được mà khen ngon. Bỏ bao tiền để lên bài vậy? Cốt dừa thì cho nhiều bột quá, ăn cứ dính dính như đờm. Khuấy lên thấy cốt dừa đi đằng cốt dừa, chè đi đằng chè”, “Vì review mà đến đây, nhưng mình ăn chẳng ngon gì cả”, “Chắc lại mới thuê viết bài, chứ quán này cô bán hàng vừa khó tính ăn vừa chán”...
Đăng chưa được bao lâu, người viết bài phải khóa vội mục bình luận do có quá nhiều lời chê bai. Đáng chú ý, bài viết với nội dung và hình ảnh tương tự vẫn được người này sao chép y nguyên và đăng ở nhiều hội nhóm review đồ ăn khác trên mạng xã hội. Vì thế không ít dân mạng quyết định quay lưng với những sao mạng này.
"Không dễ gì để gặp được một trang đánh giá đồ ăn chất lượng vì hiện tình trạng quảng cáo lố nhiều, thành ra người đọc cũng không còn tin nhiều nữa", food reviewer Phương Anh chia sẻ.
Số lượng người dấn thân vào nghề ngày càng tăng nhưng hiếm reviewer nào thực sự để lại ấn tượng và duy trì được quan điểm nhận xét như thời điểm ban đầu. Nhiều người nhận định thị trường influencer trong lĩnh vực ẩm thực đang dần “bão hòa”. Vì vậy muốn giữ được “sức nóng”, yêu cầu đặt ra đối với các food reviewer ngày càng cao.
“Giờ đây, mình phải chọn lựa từ ngữ, cách diễn đạt cẩn thận hơn. Điểm chưa vừa ý thì nói thế nào, ưu điểm thì cần nhấn mạnh ra sao để làm hài lòng đối tác và giữ tinh thần review trung thực ban đầu. Chẳng dễ chút nào!”, một nữ reviewer ẩn danh tiết lộ.
Vũ Trung Ninh , một food reviewer khá có tiếng, cũng chia sẻ nguồn thu nhập chính của nghề này là việc được các nhà hàng mời đến sử dụng bữa ăn và trả thù lao để nói lên cảm nhận. "Nhưng để được như vậy bạn phải trải qua một thời gian rất dài để có được vị trí nhất định, tạo được niềm tin với các bạn trẻ rồi mới có lời mời", Ninh cho biết.
Tuy nhiên, Ninh cho hay mình cũng không thể chỉ ngồi đợi các lời mời từ nhà hàng để kiếm tiền được mà phải tự lao ra đường tìm đến những địa chỉ ăn ngon để chia sẻ với mọi người.
"Đã là công việc chính thì phải có tính ổn định và mới mẻ, việc này đòi hỏi ngày nào bạn cũng phải cho ra sản phẩm mới. Nếu để nói về tỉ lệ nội dung thì trong suốt hơn một năm đầu, tỉ lệ tự bỏ tiền túi là 100%, hiện tại tỉ lệ này là khoảng 70-30 nghiêng về tiền túi của mình nhiều hơn", Ninh nói.
Minh Hoa (t/h)