Kim (29 tuổi), là giáo viên dạy trường luyện thi, dự định kết hôn trong tháng 10. Hiện điều khiến Kim lo lắng là ngay cả khi tất cả bạn bè đều tham dự đám cưới, cô sợ rằng sẽ không có đủ phù dâu, khách nữ để khiến những bức ảnh cưới sinh động hơn.
Sau nhiều đêm trăn trở cuối cùng Kim quyết định đăng một quảng cáo trên website cô dâu để tìm kiếm khách nữ. Chỉ sau 2 ngày, hàng chục phụ nữ đã đăng ký bên dưới bài đăng. Hầu hết cũng sắp tổ chức hôn lễ và có chung nỗi lo giống Kim.
"Tôi định trả tiền thuê người lạ đóng giả làm bạn bè, nhưng sau khi gặp những phụ nữ sắp kết hôn, tôi có ý tưởng hay hơn. Chúng tôi có thể trao đổi thông tin, trò chuyện về những gì mình đang trải qua và giúp đỡ lẫn nhau", cô dâu 29 tuổi nói đồng thời cho biết đã chọn được 5 người trong số này.
"Tôi sẽ nói với chồng sắp cưới và gia đình anh ấy rằng 5 người này là bạn tôi quen khi đi làm thêm ở trường đại học", Kim cho biết thêm.
Thực tế tại Hàn Quốc dịch vụ cho thuê khách dự đám cưới đã xuất hiện từ đầu những năm 2000, tồn tại suốt nhiều năm qua và giờ đây đang quay lại khi cuộc sống "bình thường mới" bắt đầu.
Trên các trang web dành cho cô dâu, không khó để bắt gặp những bài đăng thuê khách mời, phù dâu, phù rể. Các đơn vị chuyên tổ chức tiệc đám cưới cũng mở thêm dịch vụ cung cấp khách mời. Đó là những người sẽ đóng giả thành bạn bè của cô dâu hay chú rể và đến đám cưới ăn tiệc. Những người đóng giả khách mời được yêu cầu ghi nhớ thông tin cá nhân của khách hàng (bao gồm tên, tuổi, nghề nghiệp và mối quan hệ trong gia đình).
Khi đến đám cưới, họ sẽ nói chuyện với cô dâu/chú rể như những người bạn bình thường song thường tránh chụp ảnh để không phải "xuất hiện mãi mãi" trong các khoảnh khắc tiệc cưới.
Như những khách mời "thật", người làm công việc ăn cưới thuê cũng sẽ trao phong bì cho cô dâu (chú rể). Những phong bì này được thường gia đình trao trước đó. Sau khi đám cưới kết thúc, nhân viên ăn cưới thuê sẽ tìm chỗ kín đáo nhận tiền rồi chào tạm biệt.
Ngoài việc thuê khách mời, giống như trường hợp của Kim, các nhóm cô dâu xa lạ thường kết nối với nhau qua mạng xã hội để tìm kiếm sự giúp đỡ qua lại. Thay vì trả tiền công, họ thay phiên tham dự đám cưới của nhau và đóng vai những người bạn cũ.
Những người này thường gặp gỡ vài lần trước hôn lễ để việc vào vai bạn thân trở nên suôn sẻ hơn. Xu hướng này đang phát triển bởi nhiều phụ nữ không tin tưởng khi thuê người lạ làm phù dâu, khách mời.
"Tôi không hoàn toàn lừa đối hay phải giả vờ quen biết cô dâu vì thực tế chúng tôi đã gặp nhau trước đám cưới và không sợ bị bại lộ", một phụ nữ 30 tuổi tình nguyện tham dự đám cưới của một phụ nữ khác cho biết.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đặt lòng tin vào những người mình mới quen chỉ được vài ngày. Để tránh bị đột ngột “hủy kèo”, nhiều cô dâu, chú rể đã yêu cầu "khách mời" đặt cọc 100.000-300.000 won. Số tiền này sẽ được hoàn lại sau buổi lễ.
Một trong những lý do chính khiến các cô dâu, chú rể chấp nhận chi tiền thuê khách mời là vì họ muốn mình trở nên nổi tiếng, nhiều bạn bè, có quan hệ rộng trong mắt người khác.
Lee Mi-young, đại diện công ty tổ chức đám cưới Hagaek Friends tiết lộ với The Korea Times : Lý do công việc ăn cưới thuê trở nên “hot” bởi cặp cô dâu/chú rể có quá ít bạn bè đến dự đám cưới. Khoảng 70% cô dâu tự ý thức rằng sẽ bị "lời ra tiếng vào" nếu bản thân không có nhiều bạn bè đến dự. Vậy nên họ phải thuê khách mời để thể hiện quyền lực, địa vị của gia đình cũng như tiếng tăm của bản thân.
"Mọi người không muốn trông như thể họ không có mối quan hệ thân thiết với bạn bè. Ngoài ra, cô dâu/chú rể tìm kiếm khách giả để cân bằng số lượng khách của hai bên gia đình. Vì số lượng khách thể hiện quyền lực, địa vị của gia đình nên không ai muốn yếu thế so với người kia", Lee nói.
Theo Korea Times, khách hàng sẽ được lựa chọn khách mời giả tham dự đám cưới song họ có xu hướng chọn trai xinh gái đẹp để xuất hiện trong ngày vui của mình. Phần lớn những người trẻ làm công việc ăn cưới thuê là sinh viên hoặc nhân viên văn phòng, độ tuổi từ 20 - 30. Tiền công thường rơi vào khoảng 20.000 - 50.000 won/đám cưới (khoảng 400.000 đồng cho đến 1 triệu đồng).
Trong công việc này, với những khách hàng dễ tính thì tất cả giao dịch chỉ cần thông qua người môi giới, hoặc trung tâm môi giới là xong. Công việc của “người đóng thế” chỉ là đến tiệc cưới để “điểm danh” rồi về là nhận được tiền. Nhưng ngược lại, với những khách hàng kỹ tính, họ xin số điện thoại của “người đóng thế” rồi dặn dò đủ thứ về đám cưới mà người này sẽ đến dự. Đến gần sát ngày đi đám cưới, khách hàng sẽ gọi điện “kiểm tra” lại một lần xem đã thuộc hết thông tin chưa. Nếu chưa thuộc người được thuê có thể bị huỷ hợp đồng, vì "không đạt yêu cầu".
Trên trang Oh My News, một người làm công việc ăn cưới thuê (giấu tên) còn tiết lộ: "Nếu khách là chú rể, bạn thường không cần phải làm gì. Bạn chỉ cần đóng giả người quen bình thường, thỉnh thoảng tiếp vài câu chuyện. Nhưng nếu khách hàng là cô dâu thì sẽ có nhiều điều kiện khắt khe hơn. Một số cô dâu còn yêu cầu bạn kiếm thêm người yêu để đóng giả thành cặp vợ chồng nhằm tăng tính chân thực”.
Ở Việt Nam, các bạn sinh viên thường sẽ làm công việc ăn cưới thuê này. Nhiệm vụ là đóng giả thành bạn của cô dâu/chú rể sau đó đến dự tiệc như những vị khách bình thường.
Trung bình, sau mỗi đám cưới, các nhân viên này sẽ đút túi từ 100.000 - 300.000 đồng. Gặp khách hào phóng còn có thể nhận được khoảng 500.000 đồng/đám cưới. Vào mùa cao điểm, việc chạy 2-3 đám cưới/ngày là bình thường. Nếu chăm chỉ, những bạn sinh viên hoàn toàn có thể kiếm được 1 triệu/ngày.
Tuy nhiên đây chỉ là công việc thời vụ, những người làm ăn cưới thuê cũng chỉ làm được vài tháng mùa cưới. Song nếu có thời gian, đây cũng có thể là công việc có thu nhập tạm thời và tốt cho giới trẻ.
Minh Hoa (t/h)