Nghề làm đường thốt nốt ở miền Tây

Nghề làm đường thốt nốt ở miền Tây

Thứ 3, 13/08/2013 11:12

Để tạo ra những viên đường ngọt ngậy từ cây thốt nốt, những người thợ phải tỉ mẩn leo lên những ngọn cây cao chọc trời "hút" từng giọt nước mật từ hoa thốt nốt. Sau đó, nước mật được nung trên chảo lửa nóng hàng trăm độ C trong vòng bảy canh giờ...

Cố bám trụ vì yêu nghề

Nơi có hàng trăm hộ dân dựa vào nghề làm đường thốt nốt này thuộc ấp Phú Nhứt, xã An Phú (huyện Tịnh Biên, An Giang). Do đặc thù thổ nhưỡng, ở tỉnh An Giang, chỉ có hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên mới có nghề làm đường thốt nốt. Men theo những con đường cát bỏng rát ở miền biên ải, chúng tôi đến với những hộ gia đình đang miệt mài bên những bếp lửa hồng cô từng lít nước mật thành những viên đường vàng.

Hộ anh Nguyễn Văn Lợi (34 tuổi, ngụ ấp Phú Nhứt) vừa cô xong mẻ đường 5kg vẫn còn nóng hổi, liền đem sang cơ sở ngay gần nhà giao. Để có nước mật cho mẻ đường tiếp theo, anh Lợi đeo hơn 10 cái can và cây kẹp đi ra phía sau vườn, nhanh nhẹn ôm thân cây thốt nốt trèo thoăn thoắt lên.

Xã hội - Nghề làm đường thốt nốt ở miền Tây

 Cây thốt nốt trong quá trình lấy nước (Ảnh Huệ Trần)

Đứng ở dưới đất nhìn lên, thấy anh Lợi xoay người liên tục, chuyền từ cây này sang cây kia, kẹp từng buồng hoa thốt nốt, chúng tôi không khỏi hoa mắt lẫn thán phục. Anh Lợi bắt đầu kể về công việc mưu sinh của mình: "Mỗi ngày hai lần, tôi trèo lên trèo xuống vài chục cây thốt nốt trong vườn để kẹp nước mật. Bây giờ, thốt nốt bắt đầu ra hoa nên người dân ở đây bắt đầu rộ việc làm đường. Kể ra từ giai đoạn lấy nước mật đến khi cô thành đường, mỗi ngày một người làm giỏi lắm cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng thôi".

Ở ấp Phú Nhứt, nghề làm đường thốt nốt tồn tại hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể gắn bó với nghề truyền thống này, phải là những người yêu nghề và gan dạ mới bám trụ lại quê hương. Nói về điều này, anh Nguyễn Văn Hòa (29 tuổi, ngụ ấp Phú Nhứt) chia sẻ thêm: "Đối với người yếu tim và mắc bệnh khớp không thể trèo lên những cây thốt nốt để trút lấy nước mật. Đặc thù của việc trèo thốt nốt chỉ dành cho phái mạnh. Chúng tôi vẫn thường hay nói với nhau, đây là nghề "ăn dưới đất, làm trên trời" là vậy đó. Nói nghề này dễ sống cũng đúng, nguy hiểm cũng chấp nhận. Bởi dễ là vì có nguồn nguyên liệu sẵn có. Còn khó là phải bám trụ kiếm sống bằng nghề leo trèo, phó mặc sự sống, cho số mệnh may rủi".

Ông  Đoàn Văn Phóng (53 tuổi) cho biết: "Ban đầu, cây thốt nốt phải đủ tuổi 25 năm, mới bắt đầu trổ hoa (trổ mèo) cho nước. Để lấy được nước, người dân phải làm thang tre thủ công đóng vào thân cây thốt nốt để làm chỗ bám leo lên xuống. Sau đó, dùng kẹp tre ép hoa thốt nốt để tạo nước (ép hoa thốt nốt như ép thân mía lấy nước) và chờ từng giọt nước từ hoa tích tụ chảy xuống các ống, ca nhựa được hứng sẵn dưới các tàu hoa (mèo). Hàng ngày, người dân phải canh thời gian hoa cho nước thích hợp để trèo lên cây cất nước tránh tình trạng nước đầy ca và tràn ra ngoài lãng phí. Sau khi trút nước người thợ tiếp tục dùng dao cắt một khoanh tròn mới ở phần đầu hoa bỏ đi và tạo phần nốt cắt mới cho hoa để tích nước tiếp (như cạo mủ cao su)".

Đôi khi người "làm nghề trên trời" cũng không tránh khỏi tai nạn khôn lường, anh T. cho hay: "Khi gặp phải những  ngày thời tiết xấu, mưa gió thất thường người thợ leo phải vật lộn trên cây để tránh nước mưa rơi vào các ca nước thốt nốt. Cứ vài ngày, người thợ ngoài việc leo lên ngọn cây lấy nước cũng phải "làm cỏ" các tàu lá, bẹ cây để tránh bụi bẩn làm dơ  nước thốt nốt. Hơn nữa, công việc làm chủ yếu leo cây nên không tránh khỏi rủi ro. Trước kia, đã có người đang leo lưng chừng cây thì bị chiếc thang tre mục gãy ngang chừng làm té khiến bị thương nặng. Nghề này, cũng nhiều đắng cay và cực nhọc".

Xã hội - Nghề làm đường thốt nốt ở miền Tây (Hình 2).

Thành phẩm đường sau quá trình chế biến nước thốt nốt (Ảnh Huệ Trần)

Ngọt ngào đường thốt nốt

Sẽ mở rộng đầu tư

Trao đổi với PV về kế hoạch phát triển nghề khai thác cây thốt nốt, chủ tịch UBND xã An Phú, ông Huỳnh Hữu Phước cho biết: "Hiện nay, chính quyền xã đang bắt đầu kêu gọi các nhà đầu tư ngoại tỉnh và nước ngoài đầu tư vào địa bàn để phát triển làng nghề làm đường thốt nốt. Theo đó, sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà trưng bày sản phẩm và tăng cường giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Điều đó sẽ giúp cho những người làm nghề khai thác cây thốt nốt có được đời sống ổn định…".

Theo tìm hiểu của PV, về nghề lấy nước thốt nốt, tại xã An Phú có tới 500 người lao động sống bằng nghề hái nước thốt nốt và làm đường. Do có ưu điểm về đất nên cây thốt nốt mọc và được trồng rất nhiều. Cho nên, những năm gần đây, người dân đã tận dụng khai thác triệt để cây thốt nốt để phát triển kinh tế. Trải qua rất nhiều công đoạn khó khăn của nhiều công việc lấy nước, cuối cùng thành quả lao động được trả bằng những thanh đường, cục đường thốt nốt vàng ươm, thơm ngọt. Đường thốt nốt trở thành một sản phẩm đặc biệt và nổi tiếng ở vùng đất sông nước miền Tây.

Tại cơ sở chế biến đường thốt nốt Lan Nhi (ấp Phú Nhất), có gần 20 nhân công đang làm việc. Anh thợ chuyên nghề, Đinh Việt Minh (30 tuổi) cho biết: "Mức thu nhập hàng tháng của mỗi người thợ tại xưởng chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng, nhưng mức lương đồng đều đó đối với những người dân quê chúng tôi quả là tốt lắm rồi. Người thợ làm đường thốt nốt yêu nghề bởi trong quá trình làm việc họ đã cảm nhận được hương vị thơm ngon từ cây thốt nốt quen thuộc. Mùi vị ngọt ngào, dẻo kẹo nguyên chất của đường thốt nốt cũng giống tính cách và tâm hồn người miệt vườn".

Trải qua nhiều vất vả, khó nhọc của "nghề leo cây", những người lao động đã làm ra rất nhiều sản phẩm có giá trị về tinh thần. Chị Đoàn Thị Xuân Lan (35 tuổi), người thợ lành nghề chế biến đường thốt nốt tại xưởng Lan Nhi kể về công việc hàng ngày tại xưởng: Mỗi 1kg đường thốt nốt được lấy từ 7 lít nước hoa thốt nốt đun sôi hàng nghìn độ nóng mới cô lại được. Sau đó, cho các lít nước đường đã đun cô đặc lần thứ nhất có màu vàng bắt mắt, tiếp tục đổ vào chảo đun lần thứ hai khoảng 2 tiếng đồng hồ cho sánh đặc hơn.

Tới đến, người thợ lấy nước đường thốt lốt lượt hai ra ngoài, đổ vào các tấm lọc gạt bỏ bọt và cặn dơ. Sau đó, họ mới đưa đường lượt 2 vào máy quay theo tiêu chuẩn sao cho đường càng lúc càng dẻo sánh, màu vàng tươi, mùi thơm ngào ngạt. Cuối cùng nước đường được múc ra đổ vào các khuôn, khoảng 15 phút sau đường sẽ đông cứng và lấy ra khỏi khuôn, đóng vào bịch hoặc hộp.

Huê Trần - Quyên Triệu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.