Khi thưởng thức các phim nước ngoài, nhiều khán giả đã vô cùng ngạc nhiên vì diễn viên ngoại nói tiếng Việt quá sõi. Thực chất, đó là giọng của các diễn viên lồng tiếng Việt Nam.
Lời nói của họ trùng khớp với khuôn miệng nhân vật một cách hoàn hảo, lột tả được chính xác những biểu cảm tâm lý của vai diễn trong mọi hoàn cảnh. Nhưng ít ai biết, cái tài này cũng đi đôi với nhiều khổ luyện và bi hài.
Giọng nói có thần “họa nét” nhân vật
Chị Võ Huyền Chi (sinh năm 1984, TP HCM) đã gắn bó 13 năm với nghề lồng tiếng, cho rằng, những yếu tố quan trọng của nghề sẽ được xếp thứ tự là: Sự tập trung cao độ, trí nhớ và giọng nói truyền cảm. Những ngày đầu, thanh giọng của Huyền Chi còn mắc nhiều khuyết điểm, nhưng bù lại chị sở hữu hai yếu tố quan trọng đầu tiên. Nên khi vào thu, chỉ có chị, thoại và nhân vật, cứ thể mà “tự biên tự diễn”.
Huyền Chi đã theo nghề lồng tiếng được 13 năm.
Khái niệm “giọng nói truyền cảm” trong nghề lồng tiếng vô cùng trừu tượng, phù thuộc phần lớn vào cảm nhận của mỗi khán giả. Để truyền đạt đúng hoặc gần đúng nhất so với biểu cảm nhân vật, diễn viên lồng tiếng phải tìm hiểu kỹ về phim và vai diễn, đồng thời, sử dụng thành thạo các kỹ thuật diễn xuất bằng thanh điệu, âm lực.
“Nhưng bản thân mình cần thực sự có cảm xúc, khóc cười, vui buồn theo nhân vật thì mới thoại ra cái màu, cái chất của họ, không thì sẽ làm chưa tới.”- Huyền Chi bày tỏ.
Nghe Huyền Chi lồng tiếng, người ta thấy được mọi mặt cảm xúc của nhân vật nữ cô thể hiện. Từ giọng quát nạt the thé đến nhỏ nhẹ dịu dàng hay ôn tồn trầm tĩnh,.. đều được Chi “thả hồn vào diễn”, mặc dù trước mặt chỉ có độc nhất màn hình và chiếc micro.
Nếu theo Huyền Chi, việc nghiên cứu các trường đoạn tâm lí của nhân vật là công cuộc quan trọng để lồng tiếng thành công, thì quan điểm của diễn viên gạo cuội Bá Nghị lại có chút khác biệt.

Diễn viên lồng tiếng Bá Nghị đã gắn liền với các nhân vật trong phim TVB Hồng Kong.
Giọng nói Nam Bộ sang sảng, cương nghị của ông đã gắn liền với các vai trong phim TVB Hồng Kong, đặc biệt là nhân vật làm nên “thương hiệu Bá Nghị”- Tào Tháo trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” suốt hơn 20 năm lồng tiếng. Ông cho rằng: “Khi mình lành nghề, tốc độ mới là yếu tố chủ chốt”.
Bá Nghị quan sát những biểu cảm nhỏ nhất trên gương mặt nhân vật để thoại diễn theo họ ngay khi cất câu thoại đầu tiên. Một ngày ông có thể làm 20-30 tập phim, trung bình mỗi tập 45 phút, nhưng chỉ mất nửa thời gian đó để lồng tiếng. Tuy nhiên, diễn viên mới vào nghề chắc chắn sẽ phải thu đi thu lại cả chục lần vì đọc “rớt lời”, “mất lời”, Bá Nghị của năm xưa cũng không phải ngoại lệ.
Ở tuổi U60, ông đủ trải đời để nắm được tâm lý, tình cảm của hầu hết các nhân vật ở mọi lứa tuổi, từ vai thanh niên cho đến vai trung niên, lão niên.
“Nghề lồng tiếng không phải “nghề đọc thuê”mà là diễn xuất thực thụ, thậm chí gian nan hơn cả vì mình chỉ có âm thanh là công cụ truyền đạt duy nhất”- Bá Nghị nhận xét.

Tại phòng thu lồng tiếng, diễn viên chỉ "tự biên tự diễn" với micro.
Nói về bí quyết để diễn tròn vai, cả thế hệ “cây đa cây đề” và thế hệ trẻ đều chung một câu trả lời: “Khổ luyện”. Dù sở hữu chất giọng hay sẵn có, nhưng Bá Nghị vẫn cho rằng, thành công của ông là nhờ luyện tập bộ môn “Tiếng nói” trong trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM và “bái sư học đạo” thầy Minh Khánh khi mới “chân ướt chân ráo” vào nghề. Ông gìn giữ giọng của mình rất kỹ cẩn bằng việc nói “không” với chất cồn, thuốc lá và hạn chế nói nhiều.
Còn với Huyền Chi- một nhân tố trẻ của làng nghề, cô lựa chọn cách thức luyện tập khác. Đó là luyện phát âm, để mỗi âm tiết phát ra đều tròn vành rõ chữ, ngay cả khi biểu lộ cảm xúc thái quá, âm thanh cũng không bị bóp méo. Huyền Chi cho rằng, “Diễn viên lồng tiếng còn cần có kho tàng từ vựng Tiếng Việt phong phú, nên Chi đọc nhiều sách để trau dồi thêm”.
Nghề này không mai một và không bạc
Ngày nay, thị trường điện ảnh đã thay đổi, kéo theo thị hiếu của khán giả cũng khác trước. Họ có xu hướng ưa chuộng phim ngoại thu âm trực tiếp hoặc phụ đề hơn. L
ý giải về điều này, Võ Huyền Chi cho biết : “Tiếng gốc của nhân vật bắt rễ trực tiếp từ cảm xúc của họ, lời thoại cũng được hình thành bởi biên kịch, đạo diễn- những con người nắm rõ cái hồn cốt của phim nhất. Khán giả có gu thưởng thức tinh tế, nên họ ưa thích sự chân thật này hơn cũng là điều dễ hiểu”.

Chú Bá Nghị luôn say mê với nghề và "chỉ nghỉ hưu nếu không còn giọng".
Tuy nhiên, phim lồng tiếng vẫn có số lượng đông đảo khán giả trung thành và sở hữu nhiều lợi thế nhất định, đủ để khiến nó không bị “tẩy chay” hoặc mai một. Trẻ em (chưa đọc được phụ đề), phụ nữ trung tuổi và người già là đối tượng luôn dành tình cảm đặc biệt cho phim lồng tiếng. Họ cho rằng rào cản ngôn ngữ và văn hóa của các nhân vật nước ngoài khiến người xem khó cảm nhận, nhưng giọng lồng tiếng đã “cứu cánh” cho vấn đề này.
Thời kỳ hoàng kim của các phim thuộc đài TVB và võ thuật cổ trang đã qua, giai đoạn Bá Nghị cùng các diễn viên đồng trang lứa có nhiều “đất diễn” cũng trôi đi. Nhưng, ông vẫn trung thủy với nghề mình lựa chọn, phần vì hợp, phần vì “nghề này không bạc”.
Đối với diễn viên Bá Nghị, đặc trưng của nghề lồng tiếng là những tố chất tài năng hội tụ, sự tĩnh tâm trước áp lực và sóng gió dư luận. Ông hợp và yêu vô cùng những giá trị này, vậy nên“ Tôi sẽ lồng tiếng cho đến khi già lẫn, mất giọng thì mới thôi”.
Ngoài ra, tuổi thọ của nghề lồng tiếng khá dài, thu nhập tuy không quá cao nhưng cũng đủ an yên sống với gia đình, đó là điều mà những diễn viên lồng tiếng hiểu và trân trọng.