Chí Trung
Là một diễn viên nổi tiếng trên sân khấu hài kịch, song Chí Trung từng trải qua những tháng ngày vất vả mưu sinh bằng việc buôn bán đủ thứ hàng hóa từ thuốc lá, café đến hồ tiêu. Không chỉ thế, đến thời kỳ khó khăn nhất, anh phải tranh thủ ép săm lốp vào buối tối để sáng sớm kịp mang đi giao cho các đại lý ở Hà Đông. Sau khi giao hàng xong xuôi, anh mới lại đạp xe vòng về Hà Nội bắt đầu một ngày làm việc mới.
Đặng Thu Thảo
Năm 2009, vì gia đình gặp nhiều khó khăn nên vừa tốt nghiệp phổ thông Thu Thảo đã quyết định lên Cần Thơ đi làm thêm. Để kiếm tiền ăn học và phụ giúp gia đình, cô đã phải làm nhiều nghề từ nhân viên pha chế đến bán hàng trong shop thời trang.
Phi Nhung
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Phi Nhung chỉ được học đến hết lớp 6 rồi đi học nghề may. Từ đó cô ca sĩ nổi tiếng ở dòng nhạc dân ca này đã trở thành thợ may nuôi cả gia đình. Cuộc đời của cô chỉ rẽ sang một trang khác khi cô quyết định sang Mỹ vào năm 1989.
Tự Long
Trước khi trở thành sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh, Tự Long đã tốt nghiệp trung cấp Xây dựng Bắc Ninh, khoa Mộc dân dụng. Sau khi tốt nghiệp, anh phải bôn ba đi làm thuê cho nhiều chủ mộc ở Bắc Ninh. Thậm chí, vì lương tháng không đủ ăn, anh còn làm thêm cả lơ xe để mưu sinh.
Bình Minh
Trước đây, bố Bình Minh là lái xe chạy tuyến nội tỉnh, còn mẹ anh làm việc ở trung tâm y tế. Vì cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn nên ngay từ bé, anh và em trai đã phải giúp mẹ bán hàng. Đến năm 15 tuổi, do sức khỏe của bố không tốt nên anh đã đi theo bố làm lơ xe để phụ giúp ông.
Châu Nhuận Phát
Thuở nhỏ, hoàn cảnh gia đình của Châu Nhuận Phát vô cùng khó khăn nên đến nghỉ hè là anh lại xin làm thêm ở một xưởng điện tử. Sau khi tốt nghiệp trung học, anh cũng không tiếp tục học lên cao mà quyết định đi làm để phụ giúp gia đình. Nam diễn viên gạo cội Trung Quốc từng kinh qua rất nhiều nghề như nhân viên phục vụ quán rượu, người đưa thư, nhân viên bán máy ảnh…
Trương Mạn Ngọc
Năm 16 tuổi, Trương Mạn Ngọc từng làm nhân viên cho một tiệm sách ở nước Anh. Hồi đó, cô hy vọng khi lớn lên mình sẽ trở thành một nữ tiếp viên hàng không. Tuy nhiên, sau này, khi giành ngôi vị cao nhất của cuộc thi Hoa hậu Hong Kong, cô đã gia nhập làm giải trí và thay đổi cuộc đời mình từ đó.
Quách Phú Thành
Vì muốn con trai giúp mình quản lý cửa hàng của gia đính nên cha của Quách Phú Thành luôn hy vọng nam tài tử sẽ trở thành một thợ kim hoàn giỏi. Sau khi tốt nghiệp trung học, anh đã được cha đưa đến làm việc ở một tiệm kim hoàn. Tuy nhiên, vì tính cách mải chơi, lại thường xuyên xin nghỉ làm nên anh đã bị đuổi việc.
Châu Tấn
Sau khi thi đỗ vào khoa Múa của trường nghệ thuật Triết Giang, Châu Tấn từng làm người mẫu lịch treo trường để trang trải tiền học phí. Lúc đó, tiền công chụp hình của nữ diễn viên chỉ là 20 NDT (gần 70.000 đồng) mỗi tấm, song chính công việc này đã giúp cô được đạo diễn Tạ Thiết Bằng phát hiện. Sau này, cô đã trở thành một trong những Hoa đán của làng giải trí Hoa Ngữ.
Trương Nghệ Mưu
Trương Nghệ Mưu từng làm việc ở nhà máy dệt thành phố Hàm Dương sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Mới đầu, ông làm công nhân chạy máy dệt, nhưng sau đó được điều động làm nhân viên văn hóa của nhà máy. Hồi đó, mỗi tháng ông chỉ nhận được hơn 30 NDT (hơn 100.000 đồng) tiền lương.
Theo Trí thức trẻ