Nghe nhạc giao hưởng, gà đẻ “trứng vàng”

Nghe nhạc giao hưởng, gà đẻ “trứng vàng”

Chủ nhật, 24/03/2013 10:05

Trong lúc bạn bè cùng trang lứa đang chạy đôn chạy đáo nộp hồ sơ xin được công việc để có thu nhập để trang trải cuộc sống thì chàng thanh niên trẻ Nguyễn Duy Thiên Ân (23 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã sớm thành công bằng cách chăn nuôi gà.

Ý tưởng khác người

Nguyễn Duy Thiên Ân sinh ra và lớn lên trong một gia đình tiểu thương nhỏ, sớm phải chứng kiến cảnh ba mẹ thức khuya dậy sớm để bán hàng ngoài chợ nên Ân sớm ý thức được chuyện học hành là quan trọng. Từ thời điểm học tiểu học, Ân mê mẩn với những con vật, cây cối... xung quanh cuộc sống  mình. Ân tò mò hơn là quá  trình sinh sản của những con vật này. Chẳng bao lâu, khi học lên cao hơn, Ân thích học môn sinh học và sau đó học vượt trội hơn các bạn. Ước mơ lớn hơn sau này của cậu là nghiên cứu sinh học.

Xã hội - Nghe nhạc giao hưởng, gà đẻ “trứng vàng”

Thiên Ân đang làm việc với khách hàng

Học xong cấp ba, trong khi bạn bè lần lượt đua nhau nộp hồ sơ thi ngành kinh tế, Ân lại chọn cho mình ngành công nghệ  sinh học thuộc trường đại học Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM. Năm 2008, Ân đậu đại học, cậu và gia đình rất vui vì ước mơ ban đầu của mình đã được thực hiện.

Vừa học, vừa chăm chỉ nghiên cứu tài liệu về ngành học của mình, Ân còn chú tâm đến các chu trình sản xuất các loại thực phẩm chức năng, những sản phẩm có lợi cho sức khỏe của người dân. Đặc biệt, từ lúc ngồi trên giảng đường, chàng thanh niên 23 tuổi này đã luôn ấp ủ một ý tưởng độc đáo rằng, sau khi ra trường sẽ ứng dụng những gì mình đam mê và học từ nhỏ để làm giàu.

Mặc dù xác định muốn làm chủ bản thân, tự hoạch định kế hoạch cho mình để thực hiện nhưng khi học hết năm thứ ba đại học, Ân vẫn mường tượng rằng, không biết kế hoạch có thực hiện được hay không. Đến năm thứ tư, khi chuẩn bị đồ án tốt nghiệp sau sáu tháng nghiên cứu tìm hiểu, Ân đã mạnh dạn thực hiện ý tưởng của mình. Đề tài mà Ân nghiên cứu chính là công nghệ sản xuất trứng gà sạch theo tiêu chuẩn khoa học có tên là "trứng gà omega 3".

Đề tài của Ân  được nhà trường đánh giá rất cao. Thấy đề tài có tính thực  tiễn nên nhà trường đã mạnh dạn  giới thiệu với các nhà nghiên cứu để giúp Ân áp dụng vào thực tế. Sau khi đề xuất, đề tài của Ân đã được nhiều người trong giới khoa học quan tâm, nhất là các cán bộ tại viện Sinh học Nhiệt đới TP.HCM.

Vì còn là sinh viên, trong tay không có vốn nên việc triển khai đề tài ra thực tiễn hết sức khó khăn. Sau khi được các nhà khoa học, các thầy cô có chuyên môn cao tư vấn, Ân đã về bàn bạc với gia  đình xin ba mẹ đầu tư vốn để triển khai ý tưởng của mình. Chuyện đến tai ba mẹ Ân, gia đình cảm thấy rất "sốc" trước ý tưởng của con mình. Cho rằng con quá liều, gia đình Ân đã kịch liệt phản đối.

Ba mẹ Ân giải thích: "Ba mẹ làm còng lưng cả đời cũng chỉ đủ lo cho các con ăn học, nhiều lúc còn phải đi vạy mượn anh em nữa, lấy đâu hàng trăm triệu cho con. Bây giờ, hai em con đã lớn, chuyện học hành còn nhiều chi phí, ba mẹ không thể đồng ý cho con làm liều như thế. Con nên xin việc gì đó làm để có thu nhập, sau khi có vốn và kinh nghiệm, con muốn làm, ba mẹ sẵn lòng đi vay cho con".

Mặc cho ba mẹ ngăn cản, Ân vẫn hào hứng với ý tưởng của mình. Sau khi tính toán chi ly, Ân cho gia đình biết, nếu đề tài triển khai thành công, chi phí sẽ phải tốn đến khoảng hai tỷ đồng, bao gồm tiền mua giống, tiền thuê trang trại, các nguyên liệu thức ăn cho gà...

Nghe vậy, gia đình Ân nhất định không cho cậu làm. Và lúc này, Ân hoàn toàn không có ý kiến gì với gia đình, cậu nghĩ rằng có lẽ mình sẽ nghĩ cách tự lập. Từ sự cố vấn của các thầy cô, Ân đem dự án của mình đến các nhà đầu tư, những cơ sở sản xuất trứng gà để kêu gọi hỗ trợ. Chỉ sau mấy tháng, dự án của Ân được nhiều người chú ý nên quyết định góp vốn đầu tư. Tháng 6/2012, khi các bạn đang bận rộn với chuyện tốt nghiệp thì Ân bắt đầu triển khai đề tài của mình ra thực tế.

Xã hội - Nghe nhạc giao hưởng, gà đẻ “trứng vàng” (Hình 2).

Trại gà  của Thiên Ân

Thành công nhờ nhạc giao hưởng

Theo Ân, tiêu chuẩn trứng gà của dự án do mình nghiên cứu rất khác biệt với trứng ngoài thị  trường. Bởi đề tài khoa học mà Ân làm đã được các nhà khoa học đánh giá cao và có ý tưởng khác người, cho nên khi đi vào sản xuất, đưa khoa học ứng dụng thực tế, chắc chắn sẽ có phần khả thi.

Theo Ân, trứng gà của mình sản xuất sẽ có đầy đủ chất dinh dưỡng hơn trứng ngoài thị trường. Vì Ân nuôi gà cho ăn những khẩu phần theo tỷ lệ pha trộn đầy đủ các chất. Nguyên liệu thức ăn được nhập từ nước ngoài về như tảo biển, dầu cá, đậu nành... sau đó xay nhỏ và trộn thức ăn theo công thức mà Ân đã nghiên cứu trong đề án tốt nghiệp của mình.

Việc áp dụng nguyên tắc trên cho kết quả là số lượng trứng có chất lượng rất đều. Ân kể: "Sau khi gà đẻ, tôi phải đưa trứng đến trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng để xác định chất lượng sản phẩm của mình có đáp ứng được với tiêu chuẩn như đã đề ra trong nghiên cứu chưa. Sau đó, mới có tính toán đến các phương án khác".

Sáng tạo nhất trong việc nuôi gà cho ra chất lượng trứng đảm bảo chính là việc Ân cho gà nghe nhạc giao hưởng. Đây là điều Ân làm cho nhiều người hết sức tò mò. Thậm chí, có những người hàng xóm gần đó còn cho cậu là gàn dở. Vì từ sáng đến tối, họ nghe những bản nhạc giao hưởng khác nhau rất êm ái, được thoát ra từ... trại gà của Ận.

Ân giải thích: "Cho gà nghe nhạc giao hưởng rất tốt. Không phải ngẫu nhiên mà tôi làm chuyện đó. Ở nước ngoài, người ta cũng từng cho bò nghe nhạc để có lượng sữa tốt. Và gần gũi nhất đó là khi những bà mẹ mang bầu, các bác sĩ cũng khuyên những bà bầu rằng, nghe nhạc sẽ giúp đứa trẻ trong bụng khi sinh ra sẽ thông minh hơn, phát triển hơn. Chỉ bấy nhiêu đó, tôi quyết định đã áp dụng cho đàn gà của mình để chúng cũng sinh đẻ tốt".

Sau khi áp dụng phương pháp cho gà nghe nhạc, Ân cho biết số lượng trứng đã tăng đột biến, tới 5% so với trước đó. Ân chia sẻ: "Tôi cứ làm những việc người ta cho là dở hơi, nhưng họ chưa hiểu đó là cách tạo ra lợi nhuận tốt nhất cho cả nhà sản xuất và cả người tiêu dùng. Khi gà nghe nhạc, chúng sẽ tập trung hơn, chuyện đẻ trứng của nó sẽ ổn định hơn.

Từ đó, việc tiêu thụ và chuyển hóa chất trong cơ thể gà cũng tốt hơn. Và hơn hết, nó không bị phân tán bởi những tiếng ồn khác. Dĩ nhiên, nó sẽ đẻ trứng đủ chất dinh dưỡng. Để không nhàm chán, tôi còn thường xuyên thay đổi các bản nhạc cho gà nghe. Mỗi ngày, tôi mở nhạc từ 5h sáng đến 5h chiều. Cho gà nghỉ một lúc, đến 9h tối, tôi mới tắt đèn cho gà ngủ".

"Ngoài ra, để đáp ứng sức khỏe cho gà, tôi dùng vi sinh học để xử lý phân gà. Vì thế, người nào khi vào trại gà sẽ không phát hiện có mùi hôi. Điều đặc biệt, khi có người lạ đến thăm trại gà, tôi sẽ mời họ mặc áo blouse được chuẩn bị sẵn để phòng bụi bẩn và các bệnh truyền nhiễm từ bên ngoài...

Nói chung, đàn gà chính là "đứa con tinh thần" của mình nên tôi phải chăm chút cặn kẽ. Cũng vì chúng, tôi đã từ bỏ một suất học bổng trị giá hàng trăm triệu đồng sang Pháp du học năm vừa rồi. Tôi sẽ hết lòng vì nó để trải nghiệm những ý tưởng mình đã dày công nghiên cứu thời gian qua", Ân tâm sự.

Lành Nguyễn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.