Nghe nhạc online trả phí khó có đất sống tại Việt Nam

Nghe nhạc online trả phí khó có đất sống tại Việt Nam

Chủ nhật, 30/07/2017 19:04

50% doanh thu của nền âm nhạc Hoa Kỳ đến từ các dịch vụ nghe nhạc online trong năm 2016, trong khi đó tại thị trường Việt Nam lại lâm vào cảnh "chợ chiều"...

Ngược lại thì ở Việt Nam, doanh thu của các trang nhạc số chỉ đến từ… quảng cáo, gần như chẳng thu được đồng nào từ phía người nghe.

Âm nhạc thời chưa có… Internet

Cuộc sống số - Nghe nhạc online trả phí khó có đất sống tại Việt Nam

Nếu là một người sinh ra trong khoảng thời gian những năm 80 của thế kỉ trước, gần như chắc chắn bạn sẽ làm quen với âm nhạc thông qua một thứ tự các công cụ như sau: băng cassette, đĩa CD, kênh MTV, máy nghe nhạc MP3, điện thoại di động và cuối cùng là Internet.

Gần hơn một chút những năm 90, để tìm kiếm bài hát hay một album nhạc, bạn chẳng có lựa chọn nào ngoài việc lùng sục khắp các cửa hàng băng đĩa trong thành phố hay hỏi mượn bạn bè. Âm nhạc tuy lúc đó không phải là thứ quá xa xỉ nhưng thực sự không dễ kiếm, nhất là với những người muốn nghe nhạc theo gu có chọn lọc.

Trong “hoàn cảnh” khó khăn như thế, việc chia sẻ âm nhạc lúc bấy giờ gần như chỉ có thể thực hiện qua hình thức truyền miệng hoặc qua các chương trình giải trí “nghèo nàn” của nhà Đài. Đơn cử như trang nghe nhạc online phổ biến đầu tiên – Last.fm tới tận tháng 1 năm 2002 mới ra mắt.

Các nghệ sĩ thời bấy giờ hầu hết cũng chỉ có ba cách chủ yếu để đưa âm nhạc của mình đến gần với khán giả: một là đi diễn, hai là phát trên phương tiện thông tin đại chúng và cuối cùng ra mắt album. Tuy nhiên, việc ra album không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái” bởi chi phí in đĩa, làm bìa và phát hành khá cao. Điều này khiến cho một nghệ sĩ để có thể nổi tiếng trong làng nhạc sẽ phải trải qua một chặng đường đầy thử thách.

Nghe nhạc trực tuyến thay đổi nền âm nhạc

Cuộc sống số - Nghe nhạc online trả phí khó có đất sống tại Việt Nam (Hình 2).

Sự xuất hiện của các dịch vụ nghe nhạc online đã thay đổi hoàn toàn quan niệm cũng như cách tiếp cận với công chúng yêu âm nhạc nói chung. Thay vì phải đi tìm kiếm băng đĩa nhạc khắp nơi, nay người nghe chỉ cần ngồi một chỗ và tìm kiếm trên mạng là đã có thể nghe bất cứ bài hát nào. Miễn là trong tay người đó có một chiếc smartphone hay máy tính có kết nối Internet.

Tuy vẫn có những người đánh giá thấp chất lượng của nhạc online so với các công cụ nghe nhạc khác, chẳng hạn như đĩa CD. Tuy nhiên với số đông, thì nghe nhạc online đã giải quyết đúng và đủ cho nhu cầu của họ: đơn giản là được nghe nhạc thoải mái.

Không chỉ người dùng, mà các nghệ sĩ còn hưởng lợi to lớn từ nghe nhạc online. Kênh phát hành âm nhạc chính của họ là Internet, và nó đem lại lợi nhuận khổng lồ so với hình thức ra album trước đây. Thậm chí có những nghệ sĩ không tên tuổi, không có ngân sách ra album nhưng vẫn kiếm ra tiền nhờ đưa nhạc của mình lên Internet. Con đường “nổi tiếng” từ đó cũng đơn giản hơn rất nhiều.

Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp thu âm Mỹ (RIAA), 50% doanh thu của nền âm nhạc Hoa Kỳ đến từ các dịch vụ nghe nhạc online trong năm 2016. Doanh thu từ âm nhạc trực tuyến đã bù đắp cho doanh số bán đĩa vật lý, tải file nhạc kỹ thuật số, vốn đã có dấu hiệu đi xuống trong nhiều năm qua.

Các dịch vụ như Apple Music, Deezer, Rhapsody, Rdio đều chỉ cho phép người dùng dùng thử trong khoảng 30 ngày và sau đó sẽ phải trả từ 3 USD cho đến 9 USD mỗi tháng để tiếp tục sử dụng dịch vụ.

Ở các nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, các site nhạc trực tuyến như Melon, Naver Music, Mnet… cũng đưa ra mô hình cho phép các tài khoản miễn phí chỉ được nghe khoảng 1 phút mỗi bài, để nghe đầy đủ cả bài hát người dùng sẽ phải đăng ký gói cước trả phí hàng tháng.

Qua đó có thể thấy, việc thu phí nhạc số đang là xu hướng tất yếu trên thế giới mà các website nhạc trực tuyến, các hãng sản xuất, nghệ sĩ sẽ phải hướng đến. Thế nhưng ở Việt Nam thì điều này hoàn toàn trái ngược.

Nhạc online tại Việt Nam lâm cảnh “chợ chiều’

Cuộc sống số - Nghe nhạc online trả phí khó có đất sống tại Việt Nam (Hình 3).

Sự phát triển của Internet tại Việt Nam trong khoảng một thập kỉ qua đã khiến rất nhiều website nghe nhạc trực tuyến ra đời. Có thể kể đến hàng loạt cái tên “đình đám” như: Nhacso.net, Nghenhac.info, Mp3.xalo.vn, Nhaccuatui.com, ZingMP3…

Tuy nhiên do cạnh tranh khốc liệt, nhất là vấn đề bản quyền âm nhạc vốn được nhà quản lý làm mạnh tay trong vài năm trở lại đây khiến số lượng lớn dịch vụ nghe nhạc trực tuyến rơi vào cảnh “chợ chiều”. Tiền mua bản quyền âm nhạc thì nhiều, nhưng tiền thu lại thì quá ít nếu không muốn nói gần như chẳng thu được đồng nào từ phía người nghe.

Một chuyên gia trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nhạc trực tuyến cho rằng: “Thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay vẫn còn thấp nên những nhu cầu thiết yếu với cuộc sống vẫn được ưu tiên hàng đầu. Do đó, việc bỏ tiền ra để nghe nhạc giải trí vẫn được coi là một điều gì đó xa xỉ, khác với các nước phát triển như Mỹ”.

Tuy mức giá mà các trang nghe nhạc trực tuyến đặt ra chỉ khoảng vài chục ngàn một tháng cho việc nghe nhạc chất lượng cao, không phải là con số to tát gì so với mặt bằng thu nhập của người Việt nhưng dường như số đông công chúng cũng chẳng mặn mà gì.

Đơn cử như Apple Music thậm chí còn đưa ra gói cước nghe nhạc gia đình với mức phí cho từng thành viên chỉ khoảng 15 ngàn đồng một tháng. Với mức phí này, lập luận rằng thu nhập thấp không có tiền để nghe nhạc thực sự là… hơi coi thường người Việt.

Cái lý mà vị chuyên gia này lập luận, chủ yếu có lẽ vẫn nằm ở thói quen tận hưởng mọi dịch vụ miễn phí hoặc ở mức giá rẻ nhất đã ăn quá sâu vào máu của người dân Việt Nam. Tình trạng nghe nhạc trực tuyến ngày hôm nay cũng giống như “hoàn cảnh” của băng đĩa ca nhạc xưa kia, khi kinh doanh băng đĩa lậu giá rẻ đã bóp chết giấc mơ thu được tiền từ phát hành album của biết bao ca sĩ.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) những năm qua đã làm rất tốt việc bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ khi thu phí bản quyền các trang nhạc số. Trong khi, người dùng vẫn điềm nhiên hưởng lợi bằng việc nghe nhạc miễn phí hàng ngày. Áp lực đang đè nặng lên các website cung cấp dịch vụ nghe nhạc trực tuyến, một ví dụ là việc FPT đã phải đóng cửa nhacSO.net vào năm ngoái.

Làm thế nào để thu phí nghe nhạc từ người dùng? Có lẽ mãi là câu hỏi ngỏ với các website nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam trong một thời gian rất dài nữa.

Ngọc Quang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.