Một đời duyên nợ
Căn nhà ấm cúng của nghệ nhân bị xâm chiếm bởi những cồng, chiêng, trống, đàn của các dân tộc khiến người xem ngợp trong không khí của một bảo tàng nhạc cụ dân tộc phong phú. Người xem cảm nhận được tại đây sự bao la, vắt vẻo, men say của phiên chợ tình của núi rừng Tây Bắc qua những sáo Mèo, đàn tính, đàn môi âm hưởng hùng tráng, ầm ào của núi rừng Tây Nguyên qua những chiêng, trống, tù và. Đó là thành quả một đời duyên nợ cùng nhạc cụ dân tộc và cũng chính là huyết mạch của nghệ sĩ Trần Trọng Dậu (Đức Dậu, ngụ TP.HCM).
Duyên nợ đến với con người sinh ra để hiến thân cho âm nhạc dân tộc ấy đến từ rất sớm. Khi mới 12, 13 tuổi, cậu bé Đức Dậu không trèo me, hái sấu như các trẻ khác mà lẻn ra rạp Đại Nam, sân Khấu của đoàn Chèo Hà Nội, nhà hát kịch Hà Nội. Cũng từ đây, giai điệu của những nhạc cụ dân tộc, giọng nỉ non, mượt mà của các đào nương đi vào hồn cậu bé tự bao giờ. Và như để nuôi dưỡng khát khao trên, năm 1975 ông thi vào trường Cao đẳng nghệ thuật Quân đội.
Nghệ sĩ Đức Dậu biểu diễn sáo vỗ
Ra trường, chàng thanh niên yêu nhạc thỏa chí ngụp lặn trong âm nhạc dân tộc khi được nhận vào công tác tại Đoàn ca múa Tổng cục chính trị, để rồi bay xa hơn, cao hơn tại Viện nghiên cứu âm nhạc. Cuối cùng, máu nghệ sĩ và sự học hỏi sau những ngày được tiếp xúc cùng những bậc thầy như: Cố GS, Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, GS. TS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, GS Tô Vũ…, Đức Dậu đã gắn đời mình với những nhạc cụ dân tộc. Cũng từ đây, ông bước những bước đầu trên hành trình tìm hồn thiêng dân tộc qua các nhạc cụ trong dân gian.
Chia sẻ về những tháng ngày lang bạt trong các buôn, làng, bản, nghệ nhân Đức Dậu cho biết: "Tôi có được cái duyên và sự may mắn mới có thể thỉnh những bảo vật này về đây. Đi tìm và sưu tầm những nhạc cụ của các dân tộc là cả một hành trình khó khăn không tưởng. Những nhạc cụ tôi may mắn thỉnh về đều được chủ nhân của nó xem như bảo vật, là phương tiện giao tiếp với thần linh. Thế nên nó thiêng liêng lắm. Không phải cứ có tiền là có được. Tôi không những mua nó bằng tiền mà thỉnh về bằng cả tấm lòng, nhiệt huyết và khao khát của một người yêu âm nhạc dân tộc cháy bỏng".
Trên con đường đi thỉnh nhạc cụ ấy, khách lãng du cũng phải trả những giá không phải một nghệ nhân nào cũng làm được. Để có được cái gật đầu đồng ý của chủ nhân nhạc cụ mình muốn, ông phải băng rừng, lội suối nhiều khi phải ăn gió nằm sương hàng năm trời. Không kể công vận chuyển từ những buôn, làng, bản xa xôi, ông còn phải lưu lại nơi ấy, sống như một người con của buôn, làng, bản. "Chủ nhân vật quý chỉ làm lễ trao vật báu chừng nào người nghệ sĩ sống được cách sống của họ, thấm nhuần được phong tục, hòa điệu được âm điệu của nhạc cụ. Nhiều khi để có một chiếc trống cổ, tôi đã phải lưu lại các làng, buôn nhiều ngày thậm chí nhiều năm để thuyết phục các già làng, già bản. Phải sống phải chứng tỏ được mình yêu nhạc cụ, nắm được linh hồn nhạc khí đó, thấm nhuần nó như một người con của bản, làng, buôn mới được làm lễ rước vật báu về", ông tâm sự.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của ông khi rong ruổi tầm nhạc cụ, nhạc khí dân tộc là lần mua lại chiếc trống cổ Hơ Gơ được xem như vật thiêng của một dân tộc trên Đắk Lắk. Sau nhiều tháng thuyết phục bằng cả tấm lòng và hứa sẽ chăm sóc nó như chăm sóc chính bản thân mình, chủ nhân mới đồng ý làm lễ cho ông rước về xuôi. Thế nhưng, sau khi vượt hơn 20km đường rừng thuê xe vào chở, chủ nhân trống quý lại hối tiếc, nằng nặc trả tiền, quyết đem trống về. Lần ấy, ông lại kiên trì ở rừng, quyết thuyết phục cho được chủ nhân trống thiêng. Cuối cùng, gần 3 tháng trời thuyết phục, họ mới đồng ý cho ông rước về xuôi.
Nghệ sĩ Đức Dậu và một loại nhạc cụ đặc biệt
Chơi nhạc bằng cả tâm linh
Lý giải cho việc một đời lãng du kiếm tìm, sưu tầm nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân Đức Dậu cho biết: "Âm nhạc sinh ra từ cuộc sống tinh thần, từ đời sống tâm linh. Trong thế giới xù xì gỗ đá của nhạc cụ dân tộc, linh hồn chính là âm thanh muôn điệu do nó phát ra. Đó là lời gửi gắm của tổ tiên mà chúng ta phải gìn giữ, giải mã và phát huy". Quan niệm trên đã thúc giục ông bước nhanh hơn, vững hơn trên nẻo đường vạn dặm tìm đến suối nguồn tâm linh con người, hồn thiêng sông núi qua các nhạc cụ. Nhưng, chỉ có nhạc cụ thôi chưa đủ, chỉ biết chơi thôi cũng vẫn là một khiếm khuyết. Với ông, phải sống đời sống thiêng liêng, phải thấm nhuần cái tinh túy, văn hóa, cội nguồn của các nhạc cụ.
Một vị khách ngoại quốc từng nhận xét ông chơi nhạc bằng cả tâm linh, ngẫm ra rất thấm và sâu sắc. Cái tâm linh ấy là cái tâm đầy nhiệt huyết, cái tâm muốn đi đến tận cùng con đường âm nhạc dân tộc bất tận. Thế nên, mỗi khi đặt chân đến với mục đích thỉnh nhạc cụ, ông lại quên đi mình từng là một nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu âm nhạc để lắng nghe, để sống cùng cuộc sống của các nhạc cụ.
Nhớ lại những tháng ngày đi tìm hình cho nhạc cụ dân tộc, ông cho biết: "Những nhạc cụ ấy được người dân, nhất là đồng bào các dân tộc xem như những bảo vật giao tiếp với thiên nhiên, với thánh thần. Những gì họ diễn tấu là văn hóa, là tinh thần, là tâm linh, là lịch sử nguồn cội của họ. Do đó, nếu có được bảo vật mà không thể hiện được những điều ấy thì chỉ là cái xác không hồn. Mỗi khi muốn thỉnh một nhạc cụ, tôi luôn tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử của nó. Mỗi nhạc cụ là cả một chuỗi những câu chuyện văn hóa, câu chuyện tâm linh".
Để được truyền thụ và diễn tấu được những nhạc cụ dân tộc của 54 dân tộc anh em, ông phải trả bằng năm, bằng tháng ăn dầm, nằm dề tại các buôn, bản làng. Đó là một công việc đòi hỏi cái tâm. Bởi trước tiên, ông phải đến với các dân tộc bằng cái tâm, cái bụng thật thà. Sau đó, ông phải đến với những báu vật bằng sự nhiệt huyết và cả tâm linh để nắm lấy, uống cạn phần hồn của những giai điệu, diễn tấu. Ông phải biến mình thành một nghệ nhân chơi đàn môi, khèn lá, anh người tày, người dao, thổi sáo mèo làm đắm lòng các cô mặc váy xòe. Ông phải đem lại cái man mác, bồng bềnh, huyền ảo, yên bình của Tây Bắc, phải trở thành anh trai làng đánh chiêng, cồng, đánh đàn tơ rưng, già làng thổi đinh puốt pa khơi dậy hùng khí núi rừng Tây Nguyên.
Theo ông, ở mỗi địa phương, đến bao giờ trở thành một nghệ nhân được chính người dân địa phương ấy sắc phong, cảm thụ, đánh giá thì ông mới cùng nhạc cụ từ giã ra về. Vậy nên, ông thường xuyên phải bỏ ra vài ba năm để xin nhạc cụ và dành thêm hàng chục năm để học, nghiên cứu trực tiếp các giai điệu tại nhiều địa phương. Tâm sự về một đời đuổi bắt hồn thiêng nơi nhạc dân tộc bằng cả tâm linh, ông nói: "Người nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc phải cho người xem, người nghe thấy được tinh thần, tình cảm, hồn thiêng trong những tác phẩm diễn tấu. Nói khác hơn là phải để người xem, người nghe nhìn thấy được sự bình yên, sự hào hùng của cuộc sống, ngửi được hương lúa, mùi hoa đồng nội, thấy được xác pháo đêm giao thừa. Muốn như vậy, người nghệ sĩ phải đi tìm trong thực tế các dân tộc. Phải sống, phải nhúng mình vào thực tế bằng cả linh hồn mình".
Cùng với bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc quý hiếm bằng cả tâm linh, nghệ nhân Đức Dậu đã đem hồn thiêng sông núi, dân tộc tự ngàn đời và cả hùng khí đương đại vượt ra khỏi biên giới đất mẹ vươn xa trên khắp thế giới. Và dù ở nơi đâu, sau giờ biểu diễn, khán giả luôn phải trầm trồ: "Đúng là báu vật tầm quý nhân".
Biên soạn các bài trống cho trường học Ở tuổi ngũ tuần, gia tài hơn nửa đời người của ông là bảo tàng nhạc cụ dân tộc đồ sộ được ông cất công sưu tầm từ muôn nẻo trên đất Việt, bao gồm: Hơn 200 loại nhạc cụ dân tộc với gần 2.000 hiện vật hợp thành được bày trí trang trọng tại nhà riêng. Hiện nay, với khát khao phát huy âm nhạc dân tộc, ngoài việc tham gia biểu diễn những chương trình lớn như Ngàn năm Thăng Long và đưa nó ra thế giới, nghệ sĩ Đức Dậu còn chú trọng biên soạn các bài trống cho các trường học. Được biết, đến nay, ông đã thành công trong bài trống Trống hội khai trường và được các học sinh trường Thực nghiệm Tây Ninh, trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist áp dụng biểu diễn sau lễ chào cờ. |
Hà Nuyễn-Ngọc Lài