Nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống

Nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống

Thứ 5, 27/12/2012 23:51

Hiện nay chỉ còn một truyền nhân duy nhất còn lưu lại dòng tranh này nhưng ông cũng đã bước sang tuổi xế chiều.

Người Hà Nội từng một thời tự hào về một dòng tranh quý phái: Tranh Hàng Trống. Nhưng những năm trở lại đây, dòng tranh ấy không còn nhiều người chơi như trước. Hiện nay chỉ còn một truyền nhân duy nhất là ông Lê Đình Nghiên tại phố Cửa Đông (Hà Nội) còn lưu lại dòng tranh này, nhưng ông cũng đã bước sang tuổi xế chiều.

Sự kiện - Nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên

Vang bóng một dòng tranh quý

Tôi gặp nghệ nhân Lê Đình Nghiên tại căn nhà nhỏ số 22 nằm sâu hun hút trên phố Cửa Đông (Hà Nội). Ông phân tích cho chúng tôi tỉ mỉ những đặc trưng của dòng tranh Hà thành cùng nhiều chuyện lí thú về “nghề ăn chơi” (cách gọi riêng của ông về nghề vẽ tranh Hàng Trống).

Nghệ nhân Lê Đình Nghiêm cho biết: Trong ba dòng tranh dân gian tiêu biểu được làm theo phương pháp thủ công là tranh điệp Đông Hồ (Bắc Ninh); tranh đỏ Kim Hoàng (Hà Tây cũ), tranh Hàng Trống thì trang Hàng Trống được cho là dòng tranh có phong cách, quan niệm và phương pháp khác hẳn.

Xuất hiện ở nước ta từ thế kỉ 16, 17 và phát triển rực rỡ vào cuối thế kỉ 19, tranh Hàng Trống là kết quả giao thoa giữa tư tưởng phật giáo và nho giáo. Nó là sự kết hợp giữa những loại hình tượng ở đình, chùa với những nét đẹp trong sinh hoạt thường ngày.

Đề tài tranh Hàng Trống được chia thành hai loại: Tranh thờ, tranh chơi Tết. Những loại tranh này thường treo trong đền phủ như tranh thờ Đạo Mẫu (Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Giầy, Nam Định), Mẫu Thoải, tranh Ngũ hổ… Ban đầu đó chỉ là một thú vui bình dân, nhưng sau càng được phổ biến rộng rãi thành thú chơi tao nhã trên đất kinh kì.

Theo nghệ nhân Nghiên, trong số bản khắc tranh Hàng Trống còn giữ lại được, có mấy tấm đặc biệt giá trị, lưu tại Bảo tàng Lịch sử Hà Nội bằng gỗ thị, khắc cả hai mặt... Đặc biệt bản khắc này còn kèm cả tuổi tranh (năm 1823 dương lịch).

Nói về quy trình làm tranh, ông Nghiên chậm rãi chỉ cho chúng tôi từng khâu tỉ mỉ. Khi đã vẽ tranh, nghệ nhân không còn tính đến thời gian, công sức, bởi vậy mới có chuyện đầu tư cho tranh mười, nhưng thù lao mang lại từ nó chỉ đáng 2, 3. Nghề này có tháng đói dài nhưng cũng có tháng làm không hết việc.

Loại tranh này thường được các nghệ nhân chạm bằng vàng, bạc thật dát mỏng. Với loại bình dân thì cũng được in khuôn hình và tô màu bằng tay rất cầu kỳ. Tuy nhiên, chiến tranh khắc nghiệt và sự biến động liên tục của lịch sử khiến dòng tranh Hàng Trống mai một và suy tàn. Hiện nay, hầu như các nhà làm tranh đều bỏ nghề.

Theo ông Nghiên, nhiều nhà còn đốt hết những dụng cụ làm tranh như ván, bản khắc. Sở dĩ người dân làm vậy là do thú chơi tranh của người Hà Nội đã đổi khác khiến thu nhập từ nghề làm tranh không cao. Vì thế những người Hà Nội sống trong phố cổ ngày nay cũng không hề biết Hà Nội 36 phố phường có dòng tranh Hàng Trống.

Sự kiện - Nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống (Hình 2).

Một tác phẩm của ông

Cuộc hành trình đơn độc

Hiện nay, nghệ nhân Nghiên là người nắm rõ nhất phong cách, quan niệm và phương pháp tranh Hàng Trống. Ông cũng là nghệ nhân hiếm hoi còn trụ lại với nghề. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm tranh ở làng làm tranh truyền thống Bình Vọng (huyện Thường Tín, Hà Tây cũ), nhưng từ nhỏ ông đã theo gia đình lên phố Hàng Trống để làm tranh.

Cụ Lê Xuân Quế, ông nội ông Nghiêm là nghệ nhân nức tiếng kinh kì bấy giờ về dòng tranh này, tiếp sau là bố ông. Đến đời ông Nghiên, nhà có bảy anh chị em, chỉ có mình ông theo được nghề. Càng buồn hơn, khi chỉ một trong hai anh con trai của ông chịu nhen lửa nghề. “Thế nhưng, “nhen” thì “nhen” rồi đấy, nhưng liệu chúng có đủ lửa mà tiếp sức cho dòng tranh này thì cũng còn gian nan lắm", ông Nghiên nói.

Không chịu đứng yên nhìn tranh cổ lụi tàn, ông còn “cõng tranh” đi đây đó, tham gia các triển lãm nhằm gợi về một nét văn hóa truyền thống của Hà Nội xưa với công chúng.

Với thâm niên gần 60 năm gắn bó với nghề làm tranh Hàng Trống, nghệ nhân Lê Đình Nghiên không chỉ khẳng định ông là người khéo tay mà còn thể hiện tố chất của một nghệ sĩ đích thực với sự hội tụ của cả Tài-Tâm và Tầm. Ông là người có lòng chung thủy với nghề. Khi nghệ thuật đương đại đang lên ngôi thì ông vẫn nhất nhất sống với nghề.

Quyết tâm với nghề là thế nhưng ông vẫn buồn bã: “Giá như nghề tranh này có thêm vài người thợ nữa thì tốt biết mấy. Nếu phải đánh đổi bằng danh hiệu tôi có, chắc tôi cũng vui vẻ gật đầu...”.

Hơn nửa đời gắn sống vì nghề, nghệ nhân Lê Đình Nghiên được nhiều tổ chức trong và ngoài nước công nhận và trao tặng nhiều phần thưởng, bằng khen. Đó là: Giải thưởng Bàn tay vàng do Hội đồng Trung ương liên minh các Hợp tác xã Việt Nam trao tặng (1999), bằng khen nhiều năm liền của Bộ VHTT&DL cùng nhiều bằng khen của UBND, Hội làng nghề Thành phố Hà Nội trao tặng...

Nguyễn Lộc


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.