Ông Hòa vừa là chủ cơ sở đàn Tân Văn (thôn Lại Thế, xã Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), vừa là người trực tiếp chế tác đàn, đôi tay cứ thoăn thoắt, tỉ mỉ trên từng chi tiết của những "đứa con" trước khi xuất xưởng. Đây là hiệu đàn ở Huế hiện nay làm chuẩn các loại đàn.
Sinh ra trong một gia đình nổi tiếng với nghề làm đàn cổ ở Huế, ngay từ nhỏ, ông Hòa đã được ông nội là cụ Trương Hữu Chiêm (người chuyên làm nhạc cụ cho đội Nhã nhạc cung đình Huế và được coi là vị tổ của nghề đàn miền Trung) và người cha là nghệ nhân Trương Hữu Ngọc truyền thụ kiến thức về âm nhạc và những kỹ thuật chế tác đàn.
Năm 20 tuổi, ông Hòa đã tự chế tác, phục chế hàng trăm cây đàn cổ như tỳ bà, nhị, tam... mang phong cách riêng. Hai năm sau, ông được bố giao lại hiệu đàn Tân Văn, trách nhiệm phát triển thương hiệu đàn gia truyền đặt nên đôi vai chàng trai trẻ.
Đến nay, sau 23 năm gắn bó với nghề, những cây đàn cổ do ông Hòa chế tác đã song hành cùng bước chân những nhạc công cuối cùng triều Nguyễn đi giao lưu, giới thiệu Nhã nhạc cung đình Huế với bạn bè quốc tế. Niềm vui với ông đơn giản chỉ là khi gặp những người đã từng làm đàn ở xưởng của mình ở ngoài đường, họ vui vẻ chào hỏi, ngồi nhâm nhi ly cà phê và cùng đàm đạo về đàn.
Ông Hòa cho biết, "ở Huế thường xuyên mưa lụt, nhưng từ ngày làm đàn đến giờ tôi chưa thấy có ai phàn nàn về chất lượng những cây đàn ở cửa hiệu của tôi dù ngâm trong nước lụt mấy ngày liền. ở cửa hiệu của tôi, đàn thường bảo hành 3 năm, còn đàn tốt tôi bảo hành suốt đời". Chính vì vậy những cây đàn do ông làm ra không chỉ bền mà đặc biệt là càng để lâu tiếng đàn càng "ngọt".
"Ngoài hình dáng, để tiếng đàn có âm thanh vang vọng, tôi đã phải mất nhiều công ngiên cứu, vận dụng những kinh nghiệm nghề và cuối cùng chọn loại dây đàn phù hợp để âm thanh - phần hồn của đàn - theo đúng với nguyên bản" - ông Hòa chia sẻ về kinh nghiệm làm đàn cổ.
Theo ông Hòa, người thợ làm đàn có khéo tay hay kỳ công từ khâu chọn vật liệu, đến chế tác, đục đẽo, lắp ráp... cũng chỉ làm được hình dáng của chiếc đàn đẹp mắt, quyết định là ở âm thanh.
"Điều này đòi hỏi trình độ thẩm âm của người thợ. Giá tiền cao hay thấp cho một cây đàn không phụ thuộc vào gỗ tốt hay xấu, gỗ ép hay gỗ ván mà phụ thuộc vào độ chuẩn, độ hay của âm. Vì thế, đối với người làm đàn, tai quan trọng hơn tay" - ông Hòa khẳng định.
Ở tuổi 45, ông Hòa cho biết vừa cưới vợ để có con cái nối dõi nghề đàn. "Nghề đàn cổ tôi không muốn truyền cho người ngoài vì e ngại chuyện làm đàn cổ theo kiểu công nghiệp hóa mà mất đi giá trị đích thực vốn có của nó" - ông tâm sự.
Hiệu đàn Tân Văn nức tiếng là vậy nhưng do thời buổi kinh doanh khó khăn, giá thuê mặt bằng ngày một tăng, ông Hòa đã phải 6 lần chuyển địa điểm. Thế nhưng tiếng lành đồn xa, những vị khách thực sự yêu mến tiếng đàn của cửa hiệu Tân Văn vẫn lặn lội đường xa tìm về. Và từ hiệu đàn của ông Hòa, nhiều cây đàn đã và đang cùng những người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước sử dụng và bảo tồn như một phần giá trị nhân bản mà Nhã nhạc cung đình Huế có được...
Cụ Lữ Hữu Thi - Nhạc công cuối cùng của dàn nhạc lễ cung đình triều Nguyễn - cho biết: "Gần 70 năm gắn bó với tất cả nhạc cụ Đại nhạc và Tiểu nhạc thuộc hệ thống Nhã nhạc cung đình Huế, tôi chưa thấy một ai chế tác những cây đàn cổ có âm thanh phù hợp với Nhã nhạc Việt Nam như những cây đàn do nghệ nhân Hòa làm ra".
Nguyễn Ngọc- Việt Vĩ