Kèn Tây làng Phạm Pháo
Hàng trăm năm trước, chiếc kèn đồng theo chân những người phương Tây du nhập vào Việt Nam, chủ yếu là để phục vụ những dịp lễ trọng, các nghi lễ sinh hoạt tôn giáo của đạo Thiên Chúa.
Ngoài việc phục vụ các nghi lễ tôn giáo, các đội kèn cũng tổ chức dàn dựng những buổi hòa âm những bản nhạc đương thời biểu diễn phục vụ nhân dân vào những ngày lễ tết, hiếu hỉ…
Theo thời gian, tiếng kèn đồng dần trở nên quen thuộc, như một thanh âm của cuộc sống không thể thiếu được của người dân làng Phạm Pháo. Cũng chính vì thế mà người dân nơi đây đã tự mày mò học hỏi vừa chơi được kèn lại vừa biết sửa chữa và chế tác ra những chiếc kèn “Tây” - Made in Việt Nam.
Bước chân vào căn phòng nhỏ trong làng Phạm Pháo thuộc xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, đứng trước mặt chúng tôi là nghệ nhân Nguyễn Văn Cường, 63 tuổi, truyền nhân thứ 2 trong gia đình làm nghề kèn đồng.
Vào những năm 1945, ông Nguyễn Văn Biên (bố ông Cường) đã mang luồng gió mới lạ về với Nam Định, khi người dân nơi đây vẫn chỉ biết đến nghề làm nông là chính.
Ông Cường nhớ lại người bố của mình: “Cũng lâu lắm rồi, từ những năm 1945, khi người Pháp sang mang theo các loại nhạc cụ trong đó có kèn Tây sang nước ta. Lạ lắm, độc đáo lắm, tuy nhiên sau một quá trình sử dụng, những chiếc kèn “đổ bệnh” không có ai sửa, có tiền thì cũng không mua được kèn mới, ấy thế bố tôi mày mò sửa chữa, sau đó tiến đến sản xuất, từ đấy đến nay tôi được theo bố từ năm 1970”.
Là gia đình sửa chữa, chế tác kèn đồng đầu tiên của xã, sau khi cụ Biên mất, cả 3 người con của cụ là ông Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Phương đều nối nghiệp cha làm kèn.
Cha truyền con nối, các thế hệ tiếp cũng đều biết cách chơi kèn Tây thành thạo, biết “bệnh” để chữa những chiếc kèn đồng.
Âm thanh dịu ngọt, mềm mại của tiếng kèn đồng không chỉ khiến người nghe bị mê hoặc mà còn khiến người nghệ sĩ chơi kèn rung lên những xúc cảm đặc biệt.
"Kèn Tây là tiếng vọng của cảm xúc. Cảm xúc là thứ mà chúng ta không thể cảm nhận bằng xúc giác mà phải dùng linh hồn và trái tim để chạm vào nó. Một khi yêu thích đủ để ta cảm nhận, ta sẽ nghe được tiếng vang vọng từ một cuộc sống đầy bí ẩn và khát khao đang gọi mời. Một khi đam mê là sẽ bất chấp”, ông Cường nhìn cây kèn Tây với những nốt nhạc ngân.
Một khi đam mê là sẽ bất chấp…
Nhắc đến kèn đồng, ông Cường không ngại ngần mà thổ lộ rằng chẳng có gì vui và hạnh phúc hơn khi con cái trong gia đình đều yêu thích và đam mê kèn Tây hơn hơi thở hàng ngày.
Mỗi chiếc của kèn Phạm Pháo là được làm thủ công. Chỉ những chiếc kèn to thì mới sử dụng đến máy móc. Việc làm kèn đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, chính xác trong từng công đoạn.
"Điểm riêng của nghề làm kèn đồng Phạm Pháo là hầu hết công đoạn đều được thực hiện theo phương pháp thủ công. Những ống đồng được cán phẳng, gò tay thành một chiếc kèn và chỉ sử dụng máy uốn tự chế, máy tiện cho các chi tiết và công đoạn khó", ông Cường tiếp lời.
Nổi tiếng là người cẩn thận và kỹ tính, nghệ nhân Nguyễn Văn Cường đã tính toán tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ để làm kèn.
Trước kia, nguồn nguyên liệu khan hiếm, đồng được lấy từ vỏ đạn, mầm đồng. Ngày nay, nguyên liệu đã sẵn hơn, nhiều thợ thủ công trong làng dễ dàng làm các công việc như bảo dưỡng, chế tác bộ phận kèn.…Một năm sản xuất được 10-20 cái, ngày nay nguyên vật liệu làm kèn sẵn có nên không mất công và vất vả.
Công đoạn phức tạp nhất là làm kín để kèn đạt độ chính xác cao về âm, chất liệu làm kèn chủ yếu bằng đồng, mạ crom, vàng, bạc… tuỳ đơn đặt hàng.
Gò loa kèn phải dùng búa nhỏ (thường gọi búa cuốc) gõ đều từng nhát một. Khó khăn nhất là chế tác bộ pháo của kèn - trái tim của cây kèn. Khi chế tác quả pháo phải dùng các loại khoan nhỏ rất tinh vi đòi hỏi kỹ thuật siêu phàm cùng một đôi tai thẩm âm chuẩn.
Đây là điều kỳ lạ ở Phạm Pháo vì những người thợ gốc gác nông dân nơi đây đều không qua một trường lớp về âm nhạc hay sản xuất nhạc cụ nào.
Đến hiện tại gia đình công cường có thể sản xuất được gần như tất cả các loại kèn tây, trong đó nhưng những loại kèn thường xuyên được đặt hàng là: Clarinet, Saxophones, Trumpet, Alto Saxophones, Trombone, Baritone, Bass, Tubas…
Kèn Tây làng Phạm Pháo đi khắp nơi, đến cả thị trường phương Tay vốn khắt khe và khó tính.Thế nhưng, không khó để nhận ra trên gương mặt hân hoan khi nhắc đến kèn Tây của nghệ nhân Cường vẫn còn đọng lại dư vị của một nỗi buồn.
Trước kia, trong xưởng luôn có đến hàng chục chiếc kèn khách gửi sửa, bán cũng khá chạy. Giờ kèn nhập về nhiều, người chơi kèn kén chọn hơn, thích đồ ngoại.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường nổ ra, kèn Trung Quốc chất lượng thấp nhưng giá quá rẻ đang tấn công khiến những chiếc kèn Tây đúng nghĩa bị gạt khỏi sân chơi nó vốn làm chủ.
Cả nhà làm kèn, thu nhập ngày một kém, nhưng “quý nghề của cha ông, không muốn bỏ…” nên con cháu ông Cường vẫn quyết tâm theo nghề đến cùng.
Thừa hưởng truyền thống gia đình, các con, các cháu ông Cường cũng nối nghiệp ông cha, Nguyễn Trung Kiên (22 tuổi, con út ông Cường) tiếp xúc với nghề từ năm 10 tuổi, đến hiện tại đã thành thao các công đoạn sửa chữa cũng như sản xuất, Kiên cho biết: “Trong gia đình em, các thành viên đều có thể làm hoàn thiện một chiếc kèn, ai cũng được học nghề từ nhỏ nên làm thành thạo. Có thể, cái máu nghề đã được in sâu vào trong tâm trí nên ai cũng một long giữ nếp truyền thống gia đình”.
Đối với gia đình ông Cường và người làng Phạm Pháo, kèn Tây đã giúp họ tìm thấy sự tĩnh lặng những khi tâm hồn họ xáo động để rồi chẳng có ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng như những giai điệu kèn Tây từ chính người lao động tạo nên.
Thanh âm trầm bổng, du dương từ phía căn nhà nhỏ đập vào hư không. Cuộc sống của mỗi con người sẽ bớt căng thẳng hơn khi có âm nhạc. Và con người trở nên yêu đời hơn khi được hòa mình vào âm nhạc và tận hưởng thế giới âm nhạc của riêng mình.