Những sản phẩm gốm sứ mang tên Bát Tràng được nhiều người biết đến không chỉ bởi màu sắc, mẫu mã đẹp, đa dạng về chủng loại, kích thước mà còn bởi chính chất lượng tốt, có độ bóng và độ bền cao. Đây là những sản phẩm tinh túy nhất do chính những nghệ nhân Bát Tràng sản xuất.
Những người tổ chức chợ gốm mong muốn thông qua hoạt động này, thương hiệu gốm Bát Tràng tiếp tục khẳng định uy tín và mở rộng chỗ đứng ở thị trường trong và ngoài nước, góp phần làm giàu cho một làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam.
Mục đích là thế, nhưng hiện nay trong chợ đang bày bán khá nhiều hàng gốm sứ của Trung Quốc, Hàn Quốc,...
Các mặt hàng gốm sứ trong chợ rất đa dạng, phong phú nhưng điều lạ là không phải tất cả các mặt hàng bày bán ở đây đều được dán tem Bát Tràng.
Theo quan sát của phóng viên, mặt hàng không có tem Bát Tràng tại các gian hàng trong chợ gốm chủ yếu là cốc chén, bộ bát đĩa và đồ lưu niệm làm bằng gốm. Các mặt hàng có nguồn gốc nước ngoài này thường có hoa văn đẹp mắt, tinh xảo mà giá lại rẻ hơn đồ bằng gốm Bát Tràng nên được nhiều người chọn mua.
Đặc biệt có nhiều chủ cửa hàng còn cố tình nhập những sản phẩm của Trung Quốc rồi bán ra với thương hiệu Bát Tràng. Khách tham quan và mua sắm tại Bát Tràng rất khó có thể phân biệt đâu là gốm Bát Tràng và các sản phẩm ngoại nhập. Chỉ có những người sành chơi đồ gốm và những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề mới có thể nhận biết được.
Bên cạnh các sản phẩm có in chữ "Made in Bát Trang" dưới đáy, còn rất nhiều sản phẩm in chữ Trung Quốc, hoặc tiếng Anh,... và không có tem của Bát Tràng đi kèm. Giải thích về vấn đề này, chị Hường - chủ gian hàng T.T lấy lí do “khách hàng thích những kiểu chữ đó nên in cho dễ bán”.
Thậm chí không ít người đã mua phải hàng giả, hàng nhái. Chị N.T. P. (Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc vì “mua nhầm” đồ Trung Quốc ngay trong chính làng nghề cổ truyền thống.
“Cuối tuần trước tôi có đưa con trai đến Bát Tràng chơi, nhân tiện mua một bộ ấm Bát Tràng chính hiệu để tặng cho ông bà. Thế nhưng qua thời gian ngắn, dưới đấy chén đã xuất hiện những vết cặn đen, lúc đó mới biết mình đã mua nhầm hàng”, chị P. chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Loan (chủ một cửa hàng gốm trong chợ) thẳng thắn cho biết : “Hiện nay, người mua không quan tâm mấy đến chất lượng, họ chủ yếu quan tâm đến mẫu mã, họa tiết và giá cả sản phẩm. Khách hàng cần gì, thích gì thì chúng tôi bán cái đó thôi. Nếu chúng tôi không nhập thêm hàng ngoài về bán thì chắc không đủ khả năng để duy trì cửa hàng”.
Ông Nguyễn Công Hoan, nghệ nhân gốm Bát Tràng bày tỏ thái độ bức xúc: “Gốm Bát Tràng mang bản sắc riêng, đặc trưng riêng không thể trộn lẫn với bất cứ loại gốm ngoại lai nào. Vì thế những cửa hàng nhập hàng Trung Quốc về bán và đóng mác Bát Tràng thì chẳng khác nào đang tự tay “giết chết” nghề gốm truyền thống ở nơi đây”.
Tiếp nhận thông tin phản ánh, ông Phạm Văn May – Chủ tịch UBND xã Bát Tràng thừa nhận tình trạng hàng Trung Quốc trong làng gốm Bát Tràng là có thật.
"Tình trạng giập nhãn mác, nhập hàng Trung Quốc trong làng gốm Bát Tràng là có, nhưng không nhiều. Chúng tôi vẫn luôn khuyến cáo người dân ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, tránh trường hợp “treo đầu dê bán thịt chó”. Tuy nhiên cũng gặp phải nhiều khó khăn vì nhiều hộ sản xuất ở các địa phương lân cận vẫn dùng hàng Trung Quốc gắn mác Bát Tràng. Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi vẫn đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân gìn giữ cũng như phát triển thị trường sản phẩm truyền thống. Ngoài ra, chúng tôi đang đào tạo một số làng nghề phát triển làng nghề theo hướng du lịch, nhằm bảo tồn làng nghề gốm cổ truyền Bát Tràng”, ông May chia sẻ.
Đến bao giờ thì khách đến với chợ gốm sứ Bát Tràng mới có thể yên tâm để mua những mặt hàng được gắn thương hiệu rõ ràng? Không ít du khách đến với làng gốm truyền thống Bát Tràng không khỏi chua xót khi đặt dấu hỏi: "Vì sao những người làm gốm ở Bát Tràng lại để gốm sứ ngoại lai "xâm chiếm" và “lấn át” thương hiệu gốm sứ truyền thống đã được gìn giữ bao năm nay?"
Phương Ly