Khéo tay thôi chưa đủ
Gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội, đã có nhiều đời làm đồ chơi Trung Thu truyền thống. Ngay từ những ngày đầu tháng Sáu âm lịch, mọi thành viên đã tất bật chuẩn bị nguyên liệu để làm hàng kịp giao cho khách đúng thời hạn.
Trò chuyện với PV, bà Tuyến cho biết, với những loại đồ chơi Trung Thu truyền thống thì không thể làm nhanh được. Nó phải trải qua nhiều công đoạn và công đoạn nào cũng không hề đơn giản, cũng cần thật tỉ mỉ, tinh tế, từ việc chọn nguyên liệu đến cắt, dán sao cho đẹp mắt.
Bà Tuyến kể: “Tôi biết làm đồ chơi Trung Thu từ nhỏ, vì đây là nghề truyền thống của gia đình. Tính đến nay tôi đã có hơn 40 năm nặng lòng với đèn ông sao, ông tiến sĩ... Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm được đâu. Với đồ chơi truyền thống này khéo tay thôi chưa đủ mà cần có sự tỉ mỉ, kiên nhẫn. Nhiều người cũng muốn học, nhưng thấy ngồi cả ngày cắt dán là họ nản.
Tôi làm từ năm lên 8 tuổi, ngày nhỏ khi mới học nghề, chuyện nứa cứa đứt tay là bình thường. Hoặc ngồi cả ngày để dán một ông tiến sĩ đến khi lưng đau cứng mới đứng dậy. Thậm chí, bẻ khung hỏng, dán không được đẹp mắt là phải bỏ đi ngay và làm lại từ đầu. Nên đến bây giờ, có nhắm mắt tôi cũng bẻ khuôn chuẩn xác và nhìn lướt qua là biết chiếc đèn ông sao có đứng vững được không”.
Để làm ra được một sản phẩm thì gia đình bà phải chuẩn bị nguyên liệu từ đầu tháng Sáu âm lịch. Nguyên liệu chủ yếu là cây nứa và giấy màu. Nứa phải được chọn lọc kỹ lưỡng, sau đó chặt thành nhiều đoạn rồi ngâm trong nước vôi để chống mọt. Đến khi nứa khô mới được chẻ ra và ép khuôn thật đẹp.
Rồi từ việc làm khung đến cắt giấy, hoàn thiện, tất cả các công đoạn đều được làm thủ công, đòi hỏi người nghệ nhân phải tỉ mỉ trong từng chi tiết. Giấy dán đèn ông sao, ông tiến sĩ cũng phải chọn lựa cẩn thận. Những nguyên liệu của gia đình bà Tuyến hoàn toàn lấy từ thiên nhiên, thậm chí hồ dán cũng được cô đặc từ cơm, gạo nếp... để không ảnh hưởng đến sức khỏe của các em nhỏ.
“Đặc sản” của gia đình bà Tuyến chính là những chiếc đèn Trung Thu hình con cá bắt mắt. Đây cũng chính là món đồ chơi Trung Thu được nhiều khách hàng ưa chuộng và đặt với số lượng lớn.
Cũng theo bà Tuyến, ông Khôi - chồng bà – là một “nghệ nhân” điêu luyện và có tay nghề lâu năm nhất trong lĩnh vực làm đồ chơi Trung Thu truyền thống. “Làm ông tiến sĩ phải trải qua hơn 20 công đoạn. Trung bình phải mất 2 giờ đồng hồ để làm xong một ông tiến sĩ. Trong đó, làm khung và mặt nạ là 2 công đoạn khó, không chỉ yêu cầu cao về chất lượng nguyên liệu mà để tạo nên được thần thái của ông tiến sĩ còn đòi hỏi nghệ nhân phải có kinh nghiệm lâu năm trong nghề.
Thêm vào đó là pha keo dính và dán giấy lên khung cây đã ghép hình cũng cần phải được làm khá tỉ mỉ. Nhiều khách hàng khó tính, họ quan sát kỹ từng chi tiết, nếu không ưng ý họ sẽ “khiếu nại” luôn, thậm chí, có người chỉ đến một lần và không quay lại nữa. Theo tôi, làm đồ chơi Trung Thu cần thường xuyên cập nhật xu hướng mới, thay đổi về mẫu mã, màu sắc như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của khách hàng”, ông Khôi cho biết.
Giữ hồn văn hóa dân gian
Chỉ từ những cây nứa, tờ giấy màu, nhưng nhờ sự khéo tay cùng óc sáng tạo của các nghệ nhân đã biến thành những món đồ chơi Trung Thu được rất nhiều em nhỏ ưa thích.
Để làm ra được một sản phẩm đồ chơi Trung Thu truyền thống, những người làm phải ngồi hàng giờ để cắt, dán, thậm chí thức đến tận 12h đêm, 2h sáng. “Có hôm vừa làm vừa ngủ gật nhưng vẫn phải cố gắng, vì một năm mới có một lần, trẻ con còn háo hức huống hồ những người làm đồ chơi Trung Thu như chúng tôi.
Vất vả là thế nhưng giá thành mỗi sản phẩm đều ở mức khiêm tốn so với công sức người sản xuất, vào khoảng 30.000 - 50.000 đồng/ sản phẩm với loại kích cỡ phổ thông. Chúng tôi lấy công làm lãi thôi. Vì làm đồ chơi Trung Thu chỉ mang tính thời vụ, thu nhập chẳng được bao.
Cứ đến gần ngày này, khách mới đặt hàng nên rất khó để chúng tôi đáp ứng. Có khách hàng còn đặt cả chiếc đèn ông sao khổng lồ. Như vậy là đã mất một ngày mới cho hoàn thành được chiếc đèn ông sao khổng lồ ấy", ông Khôi chia sẻ.
Vừa nói chuyện với chúng tôi, ông Khôi vừa nhanh tay cắt hình mẫu những ông tiến sĩ giấy để hai cô con gái kịp dán giao hàng cho khách. Còn bà Tuyến ngồi ngoài sân bẻ khung, vót nứa. Nhiều người thắc mắc vì sao gia đình bà không thuê người làm thì bà Tuyến cười: “Làm thời vụ, giá rẻ nên ít người đến xin làm lắm.
Với lại, làm nghề này cũng phải có duyên, chữ tâm đặt lên hàng đầu, không phải ai đến, nhìn, học là có thể làm được ngay đâu. Nghề truyền thống nên chủ yếu là gia đình tôi làm thôi, lấy công làm lãi mà. Những ngày tháng nông nhàn, để trang trải cuộc sống, tôi vẫn bán hàng nước, còn chồng đi làm công nhân để kiếm thêm thu nhập và cũng là để có thêm nguồn lực giữ lửa với nghề. Ai muốn gắn bó với nghề thì hằng ngày vẫn phải đối mặt với những vấn đề cơm, áo, gạo, tiền”.
Theo bà Tuyến, những “đặc sản” của gia đình bà thường được chuyển lên phố Hàng Mã (Hà Nội) để bày bán, hoặc các tỉnh xa cũng về đặt hàng. Có người đã thành khách ruột của gia đình bà.
Tuy nhiên, vì là đồ hàng mã nên khi vận chuyển có đôi khi không cẩn thận là hàng hỏng, bẹp những lúc như vậy thì coi như không công. “Chúng tôi biết nghề này những người trẻ chẳng mấy mặn mà nữa, nhưng tôi vẫn muốn giữ lại những ký ức tuổi thơ cho trẻ em hiện đại. Đó là lý do vì sao bao đời nay, gia đình tôi vẫn làm nghề đèn lồng Trung thu và nếu như cứ đến dịp này không được tự tay làm ra các sản phẩm đèn lồng, đồ chơi Trung Thu là tôi lại cảm thấy thiêu thiếu”, bà Tuyến cười.
Vì thế, dù mỗi năm một lần được làm, dù hàng bán có rẻ, lời lãi không được bao nhưng gia đình bà Tuyến vẫn có một tình yêu đặc biệt dành cho chiếc đèn ông sao, ông tiến sĩ... Bởi, hiện nay, nghề làm đồ chơi Trung Thu truyền thống còn rất ít người làm. Điều bà băn khoăn nhất chính là người tiếp theo thay bà giữ hồn cho nghề làm đồ chơi Trung Thu truyền thống. Nhưng bây giờ, còn sức khỏe, bà vẫn làm và truyền nghề để những giá trị văn hóa dân gian sẽ mãi được lưu giữ, để đồ chơi Trung Thu truyền thống được khởi sắc, để đèn ông sao được lấp lánh.