Sáng 9/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan tiếp đoàn các nghệ nhân, thợ giỏi lĩnh vực ngành nghề, làng nghề nông thôn trong khuôn khổ Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023.
Tại sự kiện, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông Thôn cho biết, cả nước hiện có khoảng hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận theo tiêu chí của nhà nước, tăng gần 100 làng nghề so với năm 2020. Trong đó, có hơn 1.400 làng nghề và hơn 650 làng nghề truyền thống; 57 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống được ghi nhận.
Từ năm 2018, khi được Chính phủ giao quản lý nhà nước về ngành nghề, làng nghề truyền thống, Bộ NN&PTNT đã tập trung phát triển khu vực này. Đến nay, hơn 800.000 cơ sở nghề là các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nghề sản xuất đã tham gia, trong đó có hơn 13.000 doanh nghiệp, hơn 11.000 HTX và tổ hợp tác.
Tại sự kiện, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Tp.Hà Nội mong muốn cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục quan tâm, xây dựng cơ chế chính sách cho các nghệ nhân, đồng thời tích hợp thêm nhiều giá trị cho làng nghề như phát triển du lịch, trải nghiệm cho du khách.
Bên cạnh đó, ông Tĩnh đề xuất có chính sách hỗ trợ một số ngành nghề, làng nghề bị mai một thời gian qua.
"Nghệ nhân như chúng tôi luôn mong muốn được sống bằng nghề của cha ông để lại. Hy vọng Bộ NN&PTNT sẽ có nhiều chương trình khuyến khích đối tượng thanh, thiếu niên tham gia vào hoạt động của các làng nghề, đồng thời có phương án tổ chức nhân cấy nghề cho các vùng chưa có nghề", ông Tĩnh bày tỏ.
Là nghệ nhân lớn tuổi nhất được vinh danh, ông Hạ Bá Định, nghệ nhân gốm Chu Đậu, tỉnh Hải Dương chia sẻ: "Hơn 80 tuổi, tôi từng rất buồn khi thấy nhiều ngành nghề, làng nghề truyền thống bị lụi tàn. Nguyên nhân có lẽ nằm ở chỗ không có lớp thế hệ kế cận. Họ chưa thực sự tìm thấy mình ở nghề của ông cha".
Ông Định hy vọng, các cấp, các ngành có thêm nhiều chương trình đào tạo nghề truyền thống, với đối tượng mục tiêu là thế hệ trẻ. Ông tin rằng, những nghệ nhân lão thành như bản thân vẫn còn đủ sức đóng góp cho việc bồi dưỡng này.
Lắng nghe chia sẻ từ các nghệ nhân tham dự tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhắc đến câu nói "Người ta là hoa của đất" để nhắn nhủ, rằng những nghệ nhân từ làng nghề truyền thông thực sự là vốn quý của xã hội.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: "Hai từ nghệ nhân rất là đẹp. Nghề nào cũng là cao quý, nghề nào cũng là tinh hoa, không thể đặt lên bàn so sánh".
Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là trong cuộc sống hối hả hiện nay, đôi khi con người quên lãng đi một số giá trị từ đời khác để lại. Lấy ví dụ ở các nước phát triển, dù đi vào công nghiệp hóa nhưng vẫn giữ nguyên được nét đẹp của nghề truyền thống, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: “Nông thôn là nơi so sánh bản sắc của dân tộc. Bản sắc không mất đi nếu làng nghề không mất đi. Nghề không phụ người, chỉ người phụ nghề mà thôi".
Theo Bộ trưởng, giá trị làng nghề không chỉ ở những thứ chúng ta nhìn thấy mà còn ở những thứ không nhìn thấy, cốt nhìn thấy nhưng còn hồn để chúng ta cảm nhận được tinh hoa. Không chỉ giá trị vật thể mà còn cả giá trị phi vật thể.
Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các nghệ nhân đừng nghĩ làm sản phẩm ra chỉ để bán, mà còn làm ra để tự hào với những giá trị ông cha ta để lại. Một sản phẩm làng nghề được làm ra không chỉ để phát triển kinh tế mà còn là sứ mệnh, trách nhiệm với tổ tiên, tổ nghề, duy trì cho các thế hệ sau cũng như thế hệ chúng ta.
Hiểu được nhiều khó khăn trong khâu tìm đầu ra sản phẩm, Bộ trưởng hy vọng nghệ nhân làm ra sản phẩm tốt rồi thì nên tìm hiểu thêm tâm lý khách hàng. Đồng thời kêu gọi người tiêu dùng phải hình thành tâm lý và thực sự yêu hàng Việt Nam, góp phần kích cầu thị trường.
Về trách nhiệm bảo tồn, phát triển làng nghề, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng vào sự thay đổi lớn của các lãnh đạo địa phương, để làng nghề Việt Nam luôn là niềm tự hào. Các làng nghề không chỉ là nơi bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, mà còn là nơi góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần ổn định của người dân, là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ làng nghề.
Trên phương hướng này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết sẽ phối hợp cùng các làng nghề trên cả nước tạo ra thị trường, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ cho những sản phẩm làng nghề. Mục đích cuối cùng là phải bán những sản phẩm cho bà con, người dân.