Phát hiện tình cờ
Một tiệm tranh nằm nép mình bên góc chợ Thoại Sơn (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, An Giang) đã tồn tại hơn 10 năm nay. Người dân ở đây ai cũng biết chủ của phòng tranh đó là ông Võ Văn Tạng (66 tuổi), nhưng ít ai biết về lịch sử của phòng tranh ấy. Ông Võ Văn Tạng phát hiện ra chất liệu này trong một dịp hết sức tình cờ. Việc đưa lá thốt nốt thành chất liệu vẽ tranh là một quá trình lao động nghệ thuật hết sức nghiêm túc và hăng say. Tranh vẽ trên lá thốt nốt không dùng cọ hay màu để vẽ mà chỉ dùng "bút lửa" để tạo hình. Tranh chỉ có ba màu chủ đạo: Đen, nâu và vàng. Muốn có màu đen thì dùng bút lửa để cho lá cháy đậm, và cứ thể độ đậm nhạt của màu tùy thuộc vào độ nóng của bút lửa.
Chân dung người nghệ sĩ tài hoa
Xuất thân không phải là một họa sĩ chuyên nghiệp, nhưng ông Võ Văn Tạng có tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật. Sinh ra và lớn lên ở vùng núi Thất Sơn (An Giang) là nơi vốn có những truyền thống văn hóa lâu đời. Từ gốc gác đó, ông Tạng luôn nung nấu trong mình những dự định lớn lao. Trước khi lao vào vẽ tranh trên lá thốt nốt, ông Tạng là Giám đốc ngân hàng Nông nghiệp huyện Thoại Sơn. Trong lần đến các xã nghèo để khảo sát việc xóa đói giảm nghèo, ông Tạng vô tình ghé đến một cơ sở làm quạt bằng lá thốt nốt. Nhìn thấy những tàu lá thốt nốt trắng tươi, đẹp đẽ, ông xuất hiện ý tưởng tạo nên nhiều tác phẩm từ những thanh lá thốt nốt này. Lấy một ít lá, về đến nhà, ông để nó vào một xó rồi bận bịu với công việc nên quên bẵng đi. Hai năm sau, trong một lần dọn dẹp nhà cửa, ông bất chợt nhìn thấy bó lá thốt nốt năm xưa vẫn giữ nguyên màu sắc, độ dẻo dai bền bỉ.
Ông Tạng cười khà khà nói: "Lúc đó, tôi thấy vui lạ lùng, tôi chợt nghĩ rằng mình sẽ làm nên những tác phẩm hội họa để đời từ những chiếc lá này". Và đó chính là những tiền đề đầu tiên cho những tác phẩm nghệ thuật từ lá thốt nốt ra đời. Ông Tạng cho biết, lá cây thốt nốt xưa này chỉ được bà con người Khmer phơi khô rồi dùng để nhóm bếp, chỉ một phần nhỏ là dùng để làm đồ thủ công mỹ nghệ. Để làm chất liệu vẽ tranh, lá cây thốt nốt phải từ tám năm tuổi trở lên mới đủ độ bền bỉ và dẻo dai; sử dụng phần lá non thì mới giữ nguyên được màu sắc của lá sau khi phơi khô. Trong lá thốt nốt có những sợi tơ mỏng, chính điều này giúp cho lá có độ dai và bền hơn hẳn so với những loại lá cùng loại khác như lá cây thiên tuế, lá dừa... Việc lựa chọn thời điểm để thu hoạch lá cũng rất quan trọng, phải chọn cắt lá vào mùa nắng, để thích hợp với công đoạn phơi khô.
Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, ông Tạng đã rút ra được những bài học vô cùng quý báu. Thời gian đầu, ông tự mình đi đến tận những vườn thốt nốt khắp hai huyện trồng loại cây này nhiều nhất là Tịnh Biên và Tri Tôn, tự mình chọn những ngọn lá đẹp nhất, rồi thuê người leo lên chặt xuống. Ông cho biết, lá thốt nốt rất dày và cứng, lại có cạnh sắt nhọn nên công đoạn chặt lá cũng lắm gian nan, nếu không cẩn thận có thể bị đứt tay như chơi. Sau một thời gian, những người dân đã tự biết cách chọn lá phù hợp với yêu cầu của ông, mỗi khi gần hết lá ông Tạng chỉ cần gọi điện là sẽ có người chở tới tận nơi.
Một bức tranh được làm bằng lá thốt nốt
Những tác phẩm để đời
Ông Tạng cho biết, những cuốn kinh được người Khmer viết trên lá buông, có nguồn gốc từ Campuchia với tuổi thọ từ 200 năm trở lên, và ông tin chắc rằng, những bức tranh lá thốt nốt của ông cũng phải được chừng ấy tuổi. Trong cơ sở sản xuất tranh lá thốt nốt của ông, hàng chục người lớn nhỏ đang tập trung từng công đoạn để cho ra đời những tác phẩm. Hàng loạt bức tranh với đủ chủ đề được trưng bày khắp gian phòng nhỏ, nào là sông, bến đò, cây đa, mái đình... đến phong cảnh làng quê, tranh về thờ cúng, phúc lộc thọ, chùa, đình..., bức nào cũng có những vẻ đẹp riêng và làm say lòng người. Giữa cơ sở sản xuất của mình, ông Tạng vui vẻ trò chuyện và giới thiệu nhiều công đoạn để từ một chiếc lá thô sơ trở thành một bức tranh độc đáo.
Lá thốt nốt sau khi được cắt xuống phải phơi khô trong vòng một tuần, sau đó ngâm phèn chua một lần nữa, rồi tiếp tục phơi thêm một nắng nữa. Sau đó, lá được cắt thành từng thanh nhỏ với bề rộng khoảng 2,5cm, như vậy là công đoạn xử lý lá đã được hoàn tất. Công đoạn sau đó là lựa chọn khổ tranh thích hợp rồi dán những thanh lá thốt nốt này lên một tấm giấy cứng và vẽ phác họa hình ảnh lên khung giấy này. Đường nét của bức tranh không được tạo nên từ màu hay cọ vẽ, mà phải sử dụng bằng một mỏ hàn nhỏ mà ông tạm gọi là "bút lửa". Đây là công đoạn quan trọng, mà người vẽ không chỉ có tài năng hội họa mà còn có kinh nghiệm và sự am hiểu về loại lá thốt nốt này. Nếu để nhiệt độ của mũi hàn quá nóng, lá bị cháy thì coi như bức tranh sẽ bỏ luôn.
Những người thợ của ông hiện tại nếu có khả năng cũng phải mất nửa năm mới học được từ ông bí kíp tạo màu cho tranh. Trong phòng tranh của ông, những bức tranh có giá thấp nhất là 300 ngàn đồng và đắt nhất là lên tới hàng chục triệu đồng, phụ thuộc vào từng khổ của bức tranh. Để hoàn thành một bức tranh khổ 30 x 40, một người thợ lành nghề cũng phải mất đến ba ngày. Hiện nay, những bức tranh của ông đã đi khắp mọi miền đất nước và có mặt tại một số nước trên thế giới.
Với tình yêu hội họa từ khi còn đi học, ông Tạng dù không phải là họa sĩ chuyên nghiệp nhưng với niềm say mê của mình, ông đã tạo ra những tác phẩm để đời. Với ông, tâm nguyện lớn nhất bây giờ là mong cho những bức tranh của mình ngày càng được biết đến trong nước và trên thế giới, vì đó vừa là giá trị mỹ thuật vừa là thủ công mỹ nghệ như một nét văn hóa của vùng đất linh thiêng Thất Sơn.
Kỷ lục gia vẽ tranh trên lá thốt nốt Bắt đầu vẽ tranh bằng lá thốt nốt từ năm 1999, đến năm 2003, ông Tạng mở phòng tranh và sản xuất nhiều hơn. Năm 2010, ông vinh dự được trung tâm sách kỉ lục Việt Nam công nhận là người vẽ tranh trên lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam. Tác phẩm để đời của ông là bản Di chúc của Bác Hồ, kích thước 2,05m x 1,2m. Bức tranh có hai mặt lồng kính, gồm: Ảnh lớn chân dung Bác Hồ và bốn ảnh nhỏ: Quê Bác, cảnh bến Nhà Rồng, cảnh Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và Lăng Bác. Mặt còn lại là toàn văn Bản di chúc gồm 56 dòng với trên 1.000 chữ được ông Tạng cùng bảy thợ lành nghề làm suốt trong một tháng. Hiện, bức tranh này được trưng bày tại Khu du lịch Hồ Ông Thoại tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang). |
Nguyên Việt