Từng hứng chịu sự hoài nghi về triển vọng của áo dài làm bằng lụa và thêu tay, Nghệ nhân Ưu tú Lan Hương đã mạnh mẽ vượt lên tất cả để chứng minh khả năng sáng tạo cùng với việc gìn giữ truyền thống Việt Nam trên các tác phẩm của mình. Mới đây, Nghệ nhân Ưu tú Lan Hương đã có cuộc trò chuyện với PV Người Đưa Tin để chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề chứa đựng tất cả tình yêu và đam mê của chị với tà áo dài Việt Nam.
Hành trình bước qua trở ngại và những hoài nghi
PV: Chào NTK Lan Hương! Cơ duyên nào đưa chị đến với niềm đam mê áo dài?
NTK Lan Hương: Niềm đam mê với áo dài của Lan Hương xuất phát từ năm 2000, khi tôi lần đầu tiên nhận lời may bộ áo dài cho một bạn thí sinh dự thi Hoa hậu. Đó là một cuộc thi Hoa hậu sinh viên, bạn ấy đã được vào vòng chung kết và giành giải Á hậu 2.
Khoảng thời gian ấy, tôi nhận ra được rằng vẻ đẹp của giá trị truyền thống sẽ sống mãi trong giới mộ điệu thời trang. Từ một chuyên gia trang điểm, một nhà thiết kế chuyên về trang phục dạ hội và váy cưới, Lan Hương đã chuyển hướng lựa chọn và nghiên cứu áo dài.
PV: Khi mới vào nghề NTK Lan Hương có gặp nhiều trở ngại, khó khăn không? Chị đã vượt qua giai đoạn đó bằng cách nào?
NTK Lan Hương: Thuở mới vào nghề, tôi gặp rất nhiều khó khăn vì vốn là một nhà thiết kế tay ngang, không được đào tạo chuyên nghiệp về thời trang cũng như không được đi học cắt, may một ngày nào. Cái khó khăn đầu tiên đối với tôi là khâu kỹ thuật để cắt, may và thiết kế áo dài.
Thời điểm đó, thị trường thời trang trong nước đang mở cửa, có rất nhiều chất liệu ngoại lai nhập vào Việt Nam, các NTK thường muốn làm những bộ áo dài phải thật khác biệt nên đã tạo ra rất nhiều kiểu dáng chất liệu để làm áo dài. Có thể nói khi đó, xu hướng thiết kế áo dài là phải thật thời trang và cải tiến. Tuy nhiên, tôi đặc biệt ấn tượng và nhìn thấy được tiềm năng rất lớn từ chiếc áo dài bằng chất liệu lụa và thêu tay. Trong khi những NTK khác và cả người tiêu dùng lại không mấy mặn mà với mẫu áo dài này. Nhưng, nghĩ là làm, tôi mong muốn sẽ thiết kế ra thật nhiều tấm áo dài trên lụa Việt và thêu tay thực sự đẹp, đẳng cấp. Tôi chính thức bước vào đam mê ấy từ năm 2003.
Cũng vì “ngược dòng” với xu hướng nên bước đầu tôi đối mặt với rất nhiều khó khăn. Khi đó, hầu hết khách hàng đều không đồng ý mặc khi được tôi giới thiệu về những thiết kế của mình. Họ e ngại áo dài làm bằng lụa và còn thêu tay thì không trẻ trung và không đẹp như mong muốn.
Trở ngại thứ hai tôi gặp phải là việc đi tìm những người thợ để lập xưởng thêu các tác phẩm áo dài của mình. Dường như các làng nghề giai đoạn đó đều bị mai một và người dân đã đi tìm những công việc khác. Cho đến khi nghe tôi trình bày về những ý tưởng của mình, họ đều rất ngạc nhiên và hoài nghi. Hầu như mọi người đều nói rằng: “Đồ thêu hiện giờ không ai còn sử dụng nữa, thêu ra liệu cô có bán được không? Nếu không bán được thì cô có tiền trả công cho chúng tôi không?”.
Giữa lúc tuyệt vọng nhất, tôi may mắn được gia đình Nghệ nhân Triệu Văn Mão hỗ trợ và dệt cho những thước lụa đầu tiên. Nhờ đó mà tôi có thể phô diễn những ý tưởng, câu chuyện mong muốn trên lụa và hoạ tiết thêu tay.
Theo thời gian, tôi cố gắng thuyết phục từng khách hàng bằng tất cả niềm đam mê, sự cống hiến và khát khao trên những chiếc áo dài lụa vừa trẻ trung, đẹp, hiện đại mà lại có giá trị rất cao về thẩm mỹ cũng như tinh thần.
PV: Theo chị, nét đặc trưng nào giúp cho áo dài Lan Hương nổi bật trên thị trường, sàn diễn cũng như thu hút sự yêu thích của khách hàng?
NTK Lan Hương: Điều khiến cho khách hàng nhớ nhất về tôi có lẽ là mỗi tấm áo dài Lan Hương đều là một tác phẩm nghệ thuật. Đó là tất cả tâm huyết, tinh thần, tình yêu và đam mê của tôi cho từng chiếc áo dài.
Trên chất liệu lụa và những đường nét phô diễn bằng thêu tay vô cùng tỉ mỉ, tinh tế, tôi tạo nên những dòng sản phẩm đặc biệt, khiến nhiều người nhớ và nhận dạng Lan Hương ngay trên tác phẩm của mình.
Lựa chọn tiên phong để tạo ra xu hướng
PV: Vậy NTK Lan Hương đánh giá thế nào về xu hướng áo dài hiện nay? Những thiết kế của chị có thường đi theo xu hướng không?
NTK Lan Hương: Tôi là người không chấp nhận đi theo xu hướng mà lựa chọn tiên phong để tạo ra xu hướng. Trong bối cảnh áo dài được phát triển thịnh vượng như hiện nay, điều tôi mong muốn ở các NTK trẻ là hãy tìm ra cho mình một con đường đi riêng, nét khác biệt để gìn giữ và tôn vinh giá trị của áo dài.
Chúng ta không nên chạy theo xu hướng của ai đó đi trước, như vậy sẽ thiếu sự sáng tạo cũng như bản ngã của chính mình. Nếu như mỗi NTK đều có sáng tạo riêng, áo dài Việt Nam sẽ được phát triển bền vững và tốt hơn nữa.
PV: NTK Lan Hương từng nêu ý kiến cho rằng áo dài cách tân không phải trang phục truyền thống, tuy nhiên ngày nay, rất nhiều bạn trẻ vẫn chuộng loại trang phục này và cho rằng nó mang nét đặc trưng giống như áo dài truyền thống Việt Nam? Chị thấy sao về việc này?
NTK Lan Hương: Nhắc đến thời trang, mọi người thường nói đến sự sáng tạo và nền tảng để thúc đẩy cho sự sáng tạo. Do đó, áo dài cách tân cũng là một trong những khuynh huớng được các NTK đưa ra thị trường để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, làm sao cho tiện lợi, thoải mái và gần gũi hơn với cuộc sống.
Tuy nhiên, tôi luôn bảo vệ quan điểm rằng các bạn có thể gọi tất cả những sáng tạo, thiết kế cách tân đó là gì cũng được, nhưng không nên gọi nó là trang phục truyền thống, bởi trang phục truyền thống phải có những quy chuẩn riêng. Sự lẫn lộn thường gây ra hiểu lầm, nhất là với du khách quốc tế khi đến với Việt Nam. Nếu trình diễn áo dài cách tân và các NTK giới thiệu đó là trang phục truyền thống, rõ ràng điều đó sẽ mang đến hệ luỵ với giới mộ điệu thời trang. Họ sẽ không biết đâu mới chính thức là trang phục truyền thống của Việt Nam. Vì vậy, tôi luôn cho rằng các NTK có quyền cách tân, cải tiến hoặc sáng tạo áo dài nhưng khi đưa ra giới thiệu trước công chúng hoặc quảng bá ra thế giới thì cần cẩn trọng hơn trong việc đặt tên gọi cho những bộ sưu tập của mình.
PV: Công việc của chị liên quan đến nghệ thuật và chắc hẳn sẽ không có thời gian làm việc cố định. Điều này có ảnh hưởng đến quỹ thời gian mà chị dành cho gia đình không? Chị làm thế nào để gìn giữ hạnh phúc của riêng mình?
NTK Lan Hương: Tôi là điển hình của tuýp người phụ nữ truyền thống, sống hướng nội. Thực ra tôi rất may mắn khi có một người đồng hành từ khi còn thanh xuân, ông xã của tôi đã luôn ở cạnh và ủng hộ tất cả ước mơ cũng như niềm đam mê trong công việc của tôi.
Vợ chồng tôi đã trải qua 30 năm bên nhau, hiện tôi đã lên chức bà nội. Những người con của tôi cũng đã trưởng thành. Chính vì vậy, tôi nhận được rất nhiều tình yêu, sự quan tâm và ưu ái của tất cả các thành viên trong gia đình. Nhờ đó mà công việc của tôi cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Đó là điều tôi cảm thấy rất may mắn.
Tôi luôn ý thức rằng phải mang lại nhiều niềm hạnh phúc và nguồn năng lượng tốt lành cho những người thân yêu của mình. Tôi là mẫu phụ nữ sống thuận tự nhiên, an nhiên, không chịu áp lực về công việc và không bao giờ đặt ra mục tiêu cho danh tiếng, sự nghiệp. Tất cả những việc tôi làm xuất phát từ trái tim, niềm đam mê cháy bỏng và chỉ có khát khao làm sao công việc của mình phát triển tốt nhất.
Bạch Thảo