Điều đặc biệt của sử thi
Sinh ra và lớn lên ở buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk – một trong những buôn làng cổ xưa của đồng bào Ê Đê, nhiều năm nay, nghệ nhân ưu tú Y Wang Hwing (72 tuổi) luôn là người đi tiên phong trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại.
Không chỉ vậy, ông còn có nhiều đóng góp trong việc sưu tầm, truyền dạy sử thi Ê Đê cho nhiều thế hệ trẻ.
Theo nghệ nhân Y Wang, sử thi (hay còn gọi là kể khan) là một trong những điều bí ẩn nhất của văn hóa Tây Nguyên.
Trước đây, đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và người Ê Đê nói riêng, nếu thiếu cồng chiêng, vắng những bài kể khan thì chẳng khác nào cuộc sống thiếu cơm, thiếu muối.
Kể khan là sinh hoạt văn hóa dân gian được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Đây cũng chính là nghi lễ của tình đoàn kết, giúp cho mọi người xích lại gần nhau.
Đặc biệt, những nghệ nhân kể khan thường có trí nhớ một cách đặc biệt, họ có thể nhớ nhiều sử thi, mỗi tác phẩm sử thi là một câu chuyện dài ba, bốn nghìn câu, cũng có tác phẩm dài đến hàng vạn câu. Nội dung cơ bản của sử thi chủ yếu ca ngợi, tôn vinh những người có công với cộng đồng buôn làng.
Đồng thời đề cao sự sáng tạo, sự mưu trí, tài giỏi, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn, đề cao chính nghĩa, phản kháng những điều trái với đạo lý, luật tục. Không chỉ vậy, sử thi còn ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, mong muốn chinh phục thiên nhiên để cuộc sống tốt đẹp hơn...
Không gian thiêng liêng để kể khan là bên bếp lửa bập bùng, ché rượu cần và người dân trong buôn quây quần bên nhau. Ông Y Wang cho biết, xưa kia hầu như buôn làng nào cũng có nghệ nhân kể khan, nhiều buôn có đến 2 – 3 người. Kể khan được thực hiện tại các lễ cưới, lễ mừng thọ, đám ma…
Trong các dịp này, chủ nhà mời bà con gần xa đến dự. Vào buổi tối, quây quần bên bếp lửa, ché rượu cần, chủ nhà mời nghệ nhân kể khan cho mọi người nghe.
“Trước đây, mỗi lần già kể khan thì người nghe đông lắm. Cứ chăm chú nghe cho đến khi con gà gọi ông mặt trời thức giấc, tận lúc trời sáng hẳn mới nghỉ. Thế nhưng, ngày nay, đời sống văn hóa xã hội có nhiều thay đổi làm cho không gian diễn xướng sử thi Tây Nguyên bị thu hẹp, thậm chí mất dần nên số lượng nghệ nhân biết kể sử thi cũng vơi đi nhiều. Không chỉ vậy, vì mãi chạy theo cuộc sống thị trường nên thế hệ trẻ ngày nay không mặn mà với sử thi”, ông Y Wang chia sẻ.
Khi được hỏi về cái duyên gắn bó với kể khan, nghệ nhân Y Wang cho biết, từ nhỏ, ông đã đi theo ông ngoại dự các lễ hội của buôn làng, nghe kể khan thâu đêm suốt sáng.
Sau một thời gian được nghe đi nghe lại các đêm hát kể khan, đến năm 15 tuổi, nghệ nhân Y Wang đã thuộc và nhớ 4 bài sử thi Ê Đê gồm: Y Dăm Bhu – Y Dăm Bha (chàng Dăm Bhu – Dăm Bha), Y Đăm Săn (chàng Đăm Săn), Dăm Di (chàng Dăm Di nổi tiếng tham gia chiến đấu, giỏi săn bắn) và Y Bong Hiu Knul (chàng Bong đi săn bắt).
Hiện nay, ông Y Wang là một trong những nghệ nhân kể sử thi hiếm hoi của người Ê Đê ở Đắk Lắk. Ông Y Wang được ví như “kho tàng văn hóa sống” của dân tộc Ê Đê.
Sẵn sàng truyền dạy cho người muốn học
Sau khi có được vốn sử thi, mỗi khi buôn làng có lễ hội, đám tang,... nghệ nhân Y Wang lại miệt mài hát kể sử thi cho người dân trong buôn làng nghe.
Ông Y Wang cho hay: “Kể khan có hấp dẫn, hồi hộp hay không thì đều phụ thuộc vào năng khiếu của người kể. Để thu hút sự theo dõi, lắng nghe của mọi người, người kể được khan phải tập luyện để giọng điệu đạt đến mức uyển chuyển, lúc oai hùng, lúc trầm lắng”.
Không chỉ vậy, đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nghệ nhân Y Wang không khỏi lo ngại trước việc những điệu khan của đồng bào đang dần mai một. Với mong muốn gìn giữ, bảo vệ giá trị văn hóa thiêng liêng, thời gian qua nghệ nhân Y Wang đã sưu tầm và lưu giữ nhiều bài khan của người Ê Đê.
Mặt khác, ông còn sẵn sàng truyền dạy cho những ai muốn tiếp nối, muốn học sử thi. “Đã ngoài 70 tuổi, tôi cũng chẳng thể sống được mãi với thời gian để kể khan cho mọi người nghe. Do đó, tôi sẵn sàng truyền dạy cho các thế hệ trẻ muốn và thích học sử thi. Để mai này, khi tôi có về với ông bà tổ tiên thì sử thi vẫn sống mãi với thời gian. Qua đó, góp phần gìn giữ nét văn hóa thiêng liêng”, ông Y Wang tâm sự.
Năm 2004, khi ngành văn hóa tỉnh Đắk Lắk triển khai công tác sưu tầm, truyền dạy sử thi Tây Nguyên, nghệ nhân Y Wang đã tham gia và có những đóng góp tích cực. Không chỉ vậy, khi ngành văn hóa tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi Ê Đê tại buôn Triă, nghệ nhân Y Wang đã trực tiếp dạy hát kể sử thi cho 12 học viên.
Đây là lớp học truyền dạy hát kể sử thi Ê Đê đầu tiên được tổ chức bài bản và có hiệu quả nhất ở tỉnh Đắk Lắk. Sau khóa học ngắn ngủi từ 3-6 tháng, cả 12 học viên đều đã nhớ và có thể hát kể nhiều tác phẩm sử thi Ê Đê, tiêu biểu như Y Đhin Niê, H’Nhé Niê (cùng trú tại xã Ea Tul).
Không chỉ nặng lòng với kể khan, nghệ nhân Y Wang còn là người say mê nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Thời gian qua, ông sưu tầm nhiều nhạc cụ của đồng bào Ê Đê như đing năm, đing tak tar, sáo, đàn goong…
Mỗi khi có khách xa đến chơi nhà, tìm hiểu văn hóa truyền thống của đồng bào, nghệ nhân Y Wang lại mang nhạc cụ ra vừa giới thiệu và diễn tấu cho mọi người cùng nghe. Ngoài ra, ông còn dạy đánh cồng chiêng cho nhiều khóa học sinh trên địa bàn.
Ông Y Mang, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư Mgar cho biết, trên địa bàn huyện còn rất ít người biết kể sử thi. Cả huyện Cư Mgar chỉ có 5-6 người biết kể sử thi nhưng chỉ có nghệ nhân Y Wang kể được nhiều bài sử thi nhất.
Đáng nói, ngoài việc gìn giữ, thời gian qua mỗi khi ngành văn hóa tổ chức lớp dạy hát kể sử thi tại xã Ea Tul thì nghệ nhân Y Wang đều nhiệt tình tham gia truyền dạy cho các thế hệ trẻ.
Khánh Ngọc