Tôi gặp Nguyễn Thắng ngay góc phố trước nhà sách Sài Gòn (Q.1, TP.HCM) với dáng vẻ phong trần, tóc để dài, dáng vẻ nghệ sĩ. Ông vẫn ngồi ở góc phố ấy mấy chục năm với cái nghề khắc chữ. Nguyễn Thắng là nghệ nhân lề đường hiếm hoi còn gắn bó với nghề này.
Những năm trước chiếc bút máy vẫn còn là vật bất ly thân của nhiều người nên nghề khắc bút vẫn còn thịnh hành. Ngày nay, máy tính xách tay đang dần thay thế cây bút máy và sổ tay vì thế nhu cầu trang trí, khắc chữ lưu niệm trên cây bút máy chỉ còn ở những người hoài cổ. Nhu cầu của cuộc sống thay đổi nên ông cũng linh động, khắc cả nhẫn cưới, đồ trang sức, đồ sứ… thậm chí điện thoại, laptop.
Nguyễn Thắng đang khắc chữ trên vật dụng bằng kim loại
Chứng kiến ông khắc trên một chiếc hộp quẹt (bật lửa) bằng kim loại, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi từ bàn tay gầy guộc, chai dạn ấy có thể tạo ra những tác phẩm kiệt tác đến bất ngờ. Chỉ trong vòng hai phút ông đã tạo nên con rồng tuyệt đẹp uốn lượn quanh chiếc bật lửa.
Ông cho biết: “Trước đây, để khắc được hình con rồng như thế mất rất nhiều thời gian vì làm thủ công. Còn bây giờ tôi dùng máy khắc chữ nhanh hơn nhiều. Tuy nhiên nó cũng có nhược điểm: Nét khắc thô hơn và không được tinh tế như khắc bằng tay”.
Không biết rõ chính xác từ bao giờ ông đã yêu thích cái nghề khắc chữ này. Ông kể lại: “Ngày ấy, trong xóm có rất nhiều nhà làm nghề điêu khắc, mỗi lần nghe tiếng đục đẽo là tôi lại chạy qua xem. Từ một khúc gỗ chẳng ra hình thù gì chỉ vài nhát đục đẽo là đã có thể tạo nên hình ảnh độc đáo. Từ ấy, tôi cảm thấy yêu thích và rồi mê mẩn với nghề này”.
Trải qua 31 năm, ở góc phố ấy, người ta vẫn thấy ông Nguyễn Thắng miệt mài khắc chữ. Dù đã gần 60 nhưng nét chữ của ông vẫn rất đẹp, những đường khắc rất chuẩn xác và có hồn. Ông cho biết: “Muốn theo nghề khắc chữ là phải có lòng say mê thực thụ. Bên cạnh đó còn cần sự khéo léo, tỉ mỉ và chữ phải đẹp, đặc biệt là không được phép sai sót”.
Nguyễn Thắng sinh năm 1954 tại Hải Dương, từng làm trong lĩnh vực an ninh tại Hà Nội, nhưng lúc bấy giờ cả gia đình ông đã vào Nam. Năm 1980 Nguyễn Thắng chính thức vào Nam sum họp với gia đình. Những năm đầu sống tại vùng đất xa lạ, công việc hằng ngày của ông ở đây là vá xe, rồi làm nhân viên bốc vác ở cảng Sài Gòn. Một thời gian sau ông chuyển qua lĩnh vực sở trường của mình là vẽ tranh sơn dầu, rồi khắc tranh trên ngà, sừng...
Ông cho biết: Việc khắc tranh trên ngà là tuyệt vời nhất nhưng cũng khó nhất. Một miếng ngà chỉ chừng hơn 5x5cm, trên ấy được chạm khắc hình bức tranh thủy mặc rất tinh tế, giống y như thật. Việc khắc tranh trên ngà mất rất nhiều thời gian, phải tỉ mỉ, chi tiết, cẩn thận. Bởi kích thước của tranh ngà rất nhỏ, lại chạm khắc rất chi li nên ảnh hưởng nhiều đến mắt.
Nguyễn Thắng được nhiều người nhận xét là con người có máu nghệ sĩ thực thụ. Những năm còn khắc được tranh ngà, cuộc sống của ông khá sung túc bởi thu nhập rất cao. Lúc ấy nếu ông mở một phòng trưng bày tranh ngà và bán cho những người thích sưu tầm thì chắc bây giờ ông không còn phải ngồi nơi lề đường ấy nữa.
Ông cho biết: “Đúng là những năm ấy nếu mình làm tranh ngà vì mục đích kinh tế thì chắc chắn đã giàu. Thế nhưng mình lại không thích làm tranh theo kiểu áp đặt ấy, hễ ai đặt tranh nào thấy thích thì làm, không thích thì thôi. Mình làm vì niềm yêu thích chứ không nhằm mục đích kinh doanh.
Những người sống quanh khu vực đường Lê Lợi cũng không lạ gì cảnh “nghệ nhân đường phố” suốt ngày tất bật nhưng luôn mang phong thái ung dung thanh thản. Có người gọi ông là nhịp cầu nối những bờ vui. Vì ngần ấy năm trong nghề, ông đã khắc không biết bao nhiêu chiếc bút học trò, những món đồ quý giá với lời yêu thương hay kính trọng mà mọi người dành tặng nhau. Điều đó cũng khiến ông vui và gắn bó với cái nghề mà giờ đây chẳng mấy ai làm.
Nguyễn thắng cho biết, còn sức khỏe thì còn làm việc và hơn nữa góc phố này đã trở thành một phần cuộc sống trong ông, thiếu nó thì thấy buồn. Ra nơi góc phố này được gặp gỡ, nói chuyện và vui vẻ với mọi người cũng thoải mái và có nhiều thú vị.
Mai Phong