Những ngày tháng hào hùng
Chiến tranh đã lùi xa, vào một chiều ngày hè, chúng tôi có dịp ghé thăm nhà bà Nguyễn Thị Thu, SN 1948, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.
Căn nhà xây cấp bốn đơn sơ của vợ chồng bà Thu nằm khép mình bên những rẫy cà phê bạt ngàn, tiếng chim hót líu lo, tiếng ve kêu râm ran mang đến một cảm giác bình yên, tự tại.
Ngồi đối diện với chúng tôi là bà Thu, một xạ thủ phòng không lừng lẫy một thời gây nên nỗi khiếp sợ trong lòng quân Mỹ.
O du kích nhỏ gan dạ, dũng cảm, ngày nào vào sinh ra tử ở nhiều mặt trận ác liệt nay tóc đã bạc trắng. Gương mặt phúc hậu, đôi mắt tinh anh, nở nụ cười viên mãn bà Thu cho biết, thời chiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc bà tham gia đánh giặc cứu nước.
Khi đất nước thống nhất, một lần nữa theo lời kêu gọi của Đảng, bà cùng gia đình nam tiến vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới. Năm tháng cứ thế trôi qua, cuộc sống của gia đình bà nơi vùng đất mới nay đã ổn định.
Dù vậy, bà không thể nào quên những ngày tháng hào hùng cùng đồng chí đồng đội đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Ngược về ký ức thời chiến tranh ác liệt bà Thu kể, bà sinh ra lớn lên tại xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1966, khi vừa tròn 18 tuổi, bà tham gia tổ thanh niên xung phong trực súng máy và đánh phòng không do xã đội Kỳ Phương thành lập.
Đến năm 1967, tổ chia tách thành tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương với 9 người và tổ nam đánh tàu khu trục gồm 4 người.
Thời điểm đó, Kỳ Phương là địa bàn quan trọng nên đế quốc Mỹ ra sức đánh phá hòng chiếm lĩnh.
Sau khi thành lập, tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương do tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên chỉ huy được biên chế một khẩu trung liên đã kiên cường chiến đấu với kẻ thù. Đến năm 1968, tiểu đội được biên chế 3 khẩu súng 12,7 mm để bắn máy bay địch.
“Lúc này, quân số của đơn vị tăng lên 12 người, chia thành 3 tổ súng máy đặt ở cùng trận địa. Tôi là xạ thủ số một. Trước khi ra trận địa chiến đấu, chúng tôi được bộ đội chính quy về hướng dẫn cách bắn súng. Họ phát cho 3 viên đạn vạch đường rồi thả dù bay lên để chúng tôi ngắm bắn. Sau nhiều lần bắn trúng đích, chúng tôi ra trận địa thực chiến”, bà Thu nhớ lại.
Bà Thu phấn khởi khoe: “Với chiến thuật “bắn chẻ đầu”, từ ngày 26/7 đến 21/8/1968, chúng tôi trực tiếp bắn rơi 3 máy bay Mỹ và phối hợp với các đơn vị khác bắn rơi 12 máy bay. Sau đợt này, chiến tích oai hùng đó tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
“Năm 1972, tiểu đội tiếp tục phối hợp với các đơn vị khác bắn rơi 7 máy bay AD6 và 1 trực thăng. Thời đó, chúng tôi chịu nhiều gian khổ. Có lần chuẩn bị trận địa trên đồi Cụp Bưởi thì mưa lớn, nước ngập hết hầm hào công sự, ướt hết áo quần. Tuy vậy, chúng tôi vẫn lót lá ngồi cho tới sáng để canh máy bay địch. Một lần khác ở đồi cát xóm Ngâm, trận địa bị lộ, máy bay địch bắn xối xả khiến nhiều người bị thương. Chúng tôi may mắn rút kịp thời nên không có hy sinh. Tôi cũng bị thương ở trận này”, bà nhớ lại.
Theo tiếng gọi của Tổ quốc
Lòng phấn khích, tự hào về một thời oanh liệt, bà Thu gọi điện thoại cho bà Tưởng Thị Diên để ôn lại những kỷ niệm một thời vào sinh ra tử.
Qua điện thoại, 2 cựu binh tự hào nhắc lại những phát súng lịch sử lần đầu tiên hạ đo ván máy bay địch trong niềm sung sướng hạnh phúc.
Sau ngày giải phóng, bà Thu khăn gói đi xây dựng kinh tế mới, bà Diên ở lại xây dựng quê hương.
Dù người ở ngoài Bắc, người ở trong Nam, địa lý cách trở nhưng hai cựu binh vẫn giữ mối liên lạc mật thiết với nhau qua điện thoại thỉnh thoảng lại cùng nhau trò chuyện nhắc về những lần cận kề với cửa tử, rồi cười vang trong niềm hân hoan hạnh phúc.
May mắn, qua cuộc điện thoại của bà Thu, chúng tôi có dịp được trò chuyện với một nhân chứng sống khác của lịch sử.
Bà Diên cho biết: “Tôi, chị Thu và 10 người nữa là thành viên tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 10/1971. Đầu năm 1969, tôi được cử ra Hà Nội để báo công với Bác về những thành tích của tiểu đội”.
Sau ngày giải phóng, tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương giải thể. Người ở lại góp sức xây dựng quê hương, người chuyển vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Năm 1984, gia đình bà Thu chuyển vào xã Ia Nhin làm công nhân Công ty Cà phê Ia Sao.
“Lúc mới vào, cuộc sống rất khó khăn. Chúng tôi phải gỡ bom mìn sót lại sau chiến tranh để khai hoang trồng cà phê, hoa màu. Những năm sau, cuộc sống gia đình dần ổn định hơn nhờ các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, chúng tôi có điều kiện nuôi các con ăn học tử tế”, ông Nguyễn Viết Hiển (chồng bà Thu) nhớ lại.
Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, vợ chồng bà Thu giờ đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”. Cả 6 người con của ông bà đều trưởng thành, có công việc ổn định.
Ông Nguyễn Trọng Phương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Nhin cho hay: “Vợ chồng bà Thu là hội viên Hội Cựu chiến binh xã. Trong quá trình sinh sống tại địa phương, gia đình bà luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Gia đình bà Thu có nhiều đóng góp cho địa phương, nơi cư trú và là tấm gương trong nuôi dạy con cháu”.