Tai bay vạ gió, “sứt đầu mẻ trán”như… chơi
Ở nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng cấy, mấy sào hoa màu, dù có chăm chỉ làm ăn thì cơ hội vươn lên khá giả, có “của ăn của để” cũng không cao. Với suy nghĩ “phi thương bất phú” nên chị Nguyễn Thị Minh (quê Khoái Châu, Hưng Yên) quyết định rời quê lên Hà Nội buôn bán.
Nhờ có người quen đã đi buôn bán được mấy năm giới thiệu nên vợ chồng chị Minh nhanh chóng kiếm được một chỗ ngồi tại một khu chợ vỉa hè mở vào buổi tối. Chồng chị bán giày dép các loại còn chị bán mấy loại hàng xén như tất, cặp tóc, khuyên tai, ví da…
(Ảnh minh họa)
Những ngày trời khô ráo thì không sao, hễ những hôm đang lúc đông khách, trời đổ mưa to là cả chợ hoảng loạn hết cả. Chị bảo: “Trước cơn mưa mà có mây đen, chúng tôi còn biết đường chạy hàng. Nhưng có nhiều hôm trời mưa bất chợt, chẳng chuẩn bị kịp, chợ vỉa hè không có mái che nên người ngợm rồi hàng hóa ướt nhoẹt hết cả”.
Một hôm trời đang nắng thì bất chợt đổ mưa khiến cả hai vợ chồng chị đều ướt nhẹp. Mặc dù rất mệt mỏi song vẫn phải cuống quýt đi tắm vội để vào hong hàng. Đám dây lưng, ví da mới nhập của chị cái thì đứt mác, chiếc thì dính bẩn. Số còn lại đều bị ngấm mưa ướt. Giày dép của chồng chị cũng chẳng khá hơn, những đôi giả da bị xước và bong tróc, lòng giày đều ẩm ướt, có đôi võng nước.
Đêm ấy, hai chiếc quạt điện được bật hết công suất để hong hàng, hai vợ chồng chị cũng thức nguyên đêm để lau chùi hậu quả sau trận mưa lớn. Chị bảo: “Những chuyện chạy mưa gió thế này còn lạ gì với người bán hàng vỉa hè như chúng tôi. Mỗi trận mưa có lẽ chỉ khác nhau ở mức độ thiệt hại”.
Tuy nhiên, ngoài những yếu tố thời tiết tác động, việc buôn bán vỉa hè còn mang đến nhiều hiểm họa “tai bay vạ gió” khác. Đôi khi, đó còn là tình huống mà người trong cuộc chẳng hiểu gì.
Chị Minh kể, có lần một cậu thanh niên bán hàng bên cạnh chị đột nhiên bị một khách trông bộ dạng khá ngông cuồng gây sự. Anh ta cứ nằng nặc nói rằng mới mua đôi giày ở hàng này nhưng mang về nhà thì phát hiện là đế đã bị bong. Anh ta mang đến để đổi. Cậu thanh niên bán hàng bảo rằng anh ta nhớ nhầm hàng vì cậu này không bán mặt hàng như vậy.
Lời qua tiếng lại, vị khách “đầu gấu” xông thẳng vào cậu thanh niên đấm đá túi bụi đe dọa: “Ông vẫn còn nhớ cái mặt mày mà còn dám cãi”. Cũng may mà có những người đi đường vào can thiệp kịp thời nên cậu thanh niên mới thoát nạn.
Cậu thanh niên bị đánh oan mà chẳng biết “đầu cua tai nheo” thế nào, mãi về sau, khi mọi người trong chợ xuống hỏi thăm mới vớ lẽ rằng đúng là vị khách kia mua giày ở chợ nhưng là một hàng ở phía trên, do nhận nhầm người nên mới để xảy ra xung đột.
Lại có hôm một đám thanh niên ngồi uống rượu gần hàng của chị xảy ra mâu thuẩn. Hai cậu thanh niên lao vào túm áo đấm nhau. Mọi chuyện sẽ chẳng liên quan đến chị Minh cho đến khi họ rượt đuổi nhau, trèo hết cả lên đống hàng xén của chị. Mấy người bạn đi cùng dần can thiệp được vụ đánh đấm, lôi được hai nhân vật chính về. Chị Minh ngồi nhìn đống cặp tóc nhựa đã gẫy già nửa mà xót lòng. Thế nhưng hung thủ đã chạy mất, những người còn sót lại tại “hiện trường” cũng yên vị, ai về chỗ nấy, chẳng ai để ý đến thiệt hại tài sản mà chị Minh phải chịu.
Ngượng chín mặt bởi thái độ của khách
Lên Hà Nội, bán đồ lót vỉa hè đã được ngót chục năm, chị Lê Thị Hương (Xuân Trường, Nam Định) đã gặp phải không ít tình huống dở khóc dở cười với mặt hàng nhạy cảm của mình.
Chị kể: “Có ông khách vào mua đồ lót, tôi bảo ông ấy mua loại gì, cỡ thế nào để chọn giúp. Ai dè ông này nói luôn: “Bình thường tôi chẳng mua bán cái này bao giờ, cô cứ nhìn cỡ của tôi mà chọn”.
Lúc đầu chị Hương tưởng gặp phải khách “lởm” nên bị trêu, chị vừa tức vừa ngại đến nóng bừng cả mặt. Điều chị không ngờ là vị khách này không phải trêu đùa mà sự thật đúng như những gì ông ta kể.
Bởi sau khi chị Hương đưa cho một chiếc quần, vị khách chẳng ngại ngần đứng thẳng người, căng căng chiếc quần lót ướm vào người. Bao nhiêu người mua hàng, người đi đường thấy cảnh tượng lạ lùng thì cứ “dán” mắt vào sạp hàng của chị khiến chị không biết nên giấu mặt vào đâu, mà nhắc nhở vị khách “vô tư” kia thì lại càng thêm ngại.
Cũng may là vị khách sau khi kéo co giãn, ướm thử chán thì buông một câu: “Lấy cho tôi 2 chiếc” sau đó lên xe đi mất hút. Mấy người bán hàng ở bên cạnh, thấy khách chị Hương đã đi thì chạy túa cả sang để trêu khiến chị vừa ngại vừa buồn cười.
Vì bán hàng vỉa hè buổi tối, ánh đèn đường không đủ sáng nên chuyện canh chừng để không bị mất cắp đồ không hề đơn giản, đặc biệt là khi đông khách và hàng hóa nhỏ bé, dễ giấu.
Chị Hương chia sẻ: “Có những lúc biết là nó ăn trộm đồ của mình nhưng cũng không thể làm quá căng được, khách đang đông, đứng mà cãi lộn thì bán được gì. Thôi thì xác định bỏ qua nên giữ lại chút sỹ diện cho nó, lần sau tự chừa tính ăn cắp vặt là được”.
Chuyện khách lợi dụng trời nhá nhem, đèn đường không đủ sáng, tranh thủ mua hàng lúc đông khách để trả tiền giả, tiền mất góc cũng không quá hiếm gặp với chị. Thế nhưng, những người bán hàng vỉa hè như chị sợ nhất là gặp phải bọn thôi miên.
Theo lời chị kể, trước ở chợ có một ông Tây ba lô đến mua hàng đã lừa hết gần 2.000.000 đồng của một chị bán quần áo. “Chẳng biết hắn dùng cách nào, chỉ biết là có bao nhiêu tiền trong ví, cô này cứ như bị “ma xui quỷ khiến” móc hết đưa cho hắn. Đến khi hắn đi được một đoạn xa thì mới chợt thấy điều gì không bình thường, kiểm tra lại ví thì chỉ còn mấy đồng tiền lẻ”, chị Hương kể về câu chuyện của một người trong chợ.
Trước, chị Hương cũng hay mang nhiều tiền để tiện trả lại tiền thừa cho khách nhưng sau vụ đó, chị rút kinh nghiệm, chỉ mang số tiền vừa phải để phòng tránh các vụ lừa đảo không đáng có.
Hàng ngày, những người lao động tỉnh lẻ vẫn lặng lẽ mưu sinh để kiếm thêm thu nhập gửi về cho gia đình ở quê, cho con cái ăn học. Và khi Hà Nội sáng ánh đèn đêm, vẫn có những con người cặm cụi bám lấy vỉa hè mưu sinh, kiếm sống.
Phương Linh