Dạt vòm "bay"... vào trại cai nghiện
Trong số những học viên mà PV báo Nguoiduatin.vn gặp gỡ tại trung tâm Chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội tỉnh Yên Bái, phần lớn họ là người dân tộc Mông, Thái. Câu chuyện mà những người phụ nữ này chia sẻ nhiều khi ngô nghê như trẻ con và rất nực cười. Tôi vẫn nhớ như in, khi hỏi học viên Hờ A Dờ: "Bây giờ còn thèm thuốc không?", chị liền đáp: "Thích chứ, thèm lắm!". Câu trả lời của người phụ nữ Mông này khiến chúng tôi khá ngạc nhiên, dẫu rằng chị đã vào trung tâm cai nghiện được hơn một năm rồi. Tâm trí Dờ vẫn bị ám ảnh bởi khói thuốc trắng và chưa dứt được suy nghĩ về nó.
Trò chuyện với các học viên nữ tại khu A, ấn tượng nhất đối với tôi có lẽ là một học viên có nước da bánh mật. Học viên này rất trẻ và có vẻ thu mình so với các học viên khác. Tất cả những học viên nữ khi nói chuyện với chúng tôi đều rất vui tính và cười nói hồn nhiên, duy nhất cô gái này là ngồi bó gối chẳng nói một câu. Ai hỏi gì cô gái cũng khẽ lắc đầu hoặc gật đầu. Đó là Hoàng Thị Kim Nhung (25 tuổi), nhà ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Cô là một trong số ít ỏi học viên người Kinh bắt buộc phải đi cai nghiện ở đây.
Hòa hy vọng khi cai nghiện thành công, cô sẽ làm lại cuộc đời bằng một nghề chân chính.
Ban đầu, khi hỏi chuyện, chúng tôi chỉ nhận được ở Nhung ánh mắt dò xét. Nhung chỉ cúi gằm mặt, nhưng sau "màn chào hỏi" vui vẻ của các học viên khác, của cán bộ Trung tâm, Nhung có vẻ cởi mở hơn. Nhung kể rằng, trước khi vào trung tâm cai nghiện, cô chưa có mảnh tình vắt vai. Cô thường xuyên dạt vòm với đám "bạn xã hội" nên sa ngã vào nghiện hút. Khi PV hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, mặt Nhung rầu rĩ. Cô kể rằng, nhà có hai chị em gái, bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi nấng hai chị em khôn lớn. Để có tiền cho hai chị em ăn học, mẹ Nhung phải chạy chợ bán hàng xén, kiếm ba cọc ba đồng mỗi ngày. Thế nhưng, Nhung đã phụ lòng mẹ, bỏ bê chuyện học hành, cô chỉ học hết lớp 7. Nhung thích tụ tập với đám bạn lêu lổng, nay đây mai đó. Cũng vì không làm chủ được bản thân, bị bạn bè rủ rê lôi kéo, Nhung đã nghiện hút. Nhung bảo rằng, cô đã nghiện được hơn ba năm rồi. Thế nhưng, theo các cán bộ quản lý học viên tại khu A, Nhung bị cuốn vào "nàng tiên nâu" trước đó khá lâu rồi. Trước khi vào trung tâm, Nhung đã là một con nghiện nặng. Nếu một ngày "đói" thuốc, cô có thể làm loạn nhà và làm cho mẹ, chị gái thất điên bát đảo vì những cơn "vật" do thuốc trắng hành hạ.
Theo lời kể của Nhung, chị gái cô học hết lớp 12, sau đó cũng đã kiếm được một công việc ổn định và lập gia đình. Nhung ngậm ngùi nói: "May mà có chị gái ở nhà an ủi, động viên mẹ, nếu không chỉ vì nghĩ đến người con hư hỏng như em, mẹ cũng chẳng thể nào gượng dậy nổi. Giờ em có hối hận cũng đã muộn, việc mình làm thì mình phải ráng chịu thôi".
Nhung chia sẻ, mỗi ngày trôi qua, cô chỉ mong mình sớm được trở về nhà với mẹ và làm lại từ đầu. Nhung rưng rưng nước mắt: "Đêm nào em cũng rất nhớ mẹ, nhớ nhà. Cứ hai tháng, mẹ lại vào thăm em một lần, những lúc như vậy, em thấy thương mẹ lắm, thân già mà vẫn phải tủi nhục vì con".
Trở lại câu chuyện lầm lỡ của mình, Nhung bảo rằng: "Trước khi vào trung tâm cai nghiện, hàng ngày cô theo đám bán ra ga Yên Bái để mua thuốc về hít. Mỗi ngày một tép, giá 100.000 đồng. Để có tiền mua thuốc, em thường viện ra đủ lý do để xin mẹ, chị gái, thậm chí vay nợ người quen. Có lần, không có tiền mua thuốc, em lên cơn "vật", mồm sủi bọt mép, giãy giụa đau đớn giữa nhà, mẹ em tưởng em bị ngộ độc. Sau này, khi biết em nghiện, mẹ đã khóc hết nước mắt, vận động em đi cai nghiện". Theo lời kể của Nhung, sau 15 ngày vào trung tâm, các thầy đã giúp cô cắt cơn thành công. Giờ thì cô không còn cảm giác thèm thuốc nữa. Hàng ngày, Nhung tham gia lao động, tăng gia sản xuất với các học viên nữ rất tích cực.
Ông Nguyễn Duy Thành - cán bộ phụ trách khu học viên nữ cho biết, so với thời điểm Nhung mới vào trung tâm cai nghiện, cô đã khá hơn rất nhiều. Trong giai đoạn đầu tiếp nhận, Nhung được điều trị cắt cơn và cán bộ y tế chăm sóc phục hồi sức khỏe hàng ngày cho cô, đồng thời còn được khám và điều trị các loại bệnh phát sinh. Cũng nhờ chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ, cộng với uống thuốc điều trị, sức khỏe của Nhung khá ổn định.
Trao đổi với PV, Nhung luôn quay mặt "né" ánh nhìn của người đối diện.
Bi kịch chán chồng tìm đến... ma túy
Trái ngược với sự kín tiếng của Nhung, học viên Nguyễn Thị Hòa (36 tuổi) ở huyện Văn Yên, Yên Bái lại khá cởi mở khi trò chuyện với PV. Giọng nói của Hòa nhỏ nhẹ, khuôn mặt khá ưa nhìn. Hòa là một cô gái Kinh nhưng "con đường nghiện hút" của chị cũng chẳng khác với những cô gái dân tộc Mông khác. Có lẽ, cũng bởi vùng đất Văn Yên nơi cô sinh sống cũng từng gắn bó với cây hoa anh túc nên cảnh bàn đèn thuốc phiện không có gì xa lạ với Hòa. Cũng vì thấy người ta hút, cô cũng thử. Tuy nhiên, "nàng tiên nâu" cũng chưa đến mức khiến Hòa dật dờ như bóng ma.
Hòa kể rằng, cô "vập" vào ma túy cũng chỉ vì cảnh đời hẩm hiu. Cô lấy chồng và sinh được một cô con gái. Nhưng vì cuộc sống vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn nên cô luôn phải sống trong tâm trạng dồn nén, ức chế. Giận chồng, bỏ bê con, Hòa lao vào con đường nghiện hút để giải khuây. Cô nghiện hút cũng được gần 4 năm. Vì chơi thuốc "nặng đô" nên Hòa phải chuyển sang chích. Hòa chia sẻ: "Dù đã chuyển sang giai đoạn chích, nhưng chỉ sau 10 ngày vào trung tâm, tôi đã cắt cơn được hoàn toàn. Tôi vào trung tâm được gần năm tháng rồi. Từ giai đoạn cắt cơn, sau đó chuyển sang giai đoạn rèn luyện, phục hồi sức khỏe từ 2-3 tháng. Giờ tôi chuẩn bị bước sang giai đoạn lao động trị liệu, học tập và đào tạo nghề".
Theo cán bộ quản lý của Trung tâm, trước khi vào đây, Hòa đã từng đi trại Quyết Tiến vì tội buôn bán ma túy. Do nghiện nặng, Hòa đã tính đến chuyện "tự cung, tự cấp" cho nhu cầu của mình bằng việc trở thành đầu mối bán thuốc lẻ ma tuý cho các con nghiện. Vì thế, con đường dẫn đến chích của Hòa cũng không có gì lạ lẫm. Từ ngày vào đây Hòa đã tăng hơn 10kg, sức khỏe ổn định, tinh thần phấn chấn. Hòa tâm sự, xa được ma túy, cô như được hồi sinh lần thứ hai, thế nhưng khi chúng tôi gặng hỏi: "Sau lần này, được trở về nhà, chị có quay lại tìm... thuốc không?". Hòa ngập ngừng hồi lâu rồi nói: "Cũng chưa dám chắc sẽ bỏ được".
Hòa chia sẻ, từ ngày vào đây, cô được các học viên dạy đan, thêu và tự tay cô đã đan xong một chiếc khăn xinh xắn với tâm niệm tặng cho cô con gái của mình. Tuy nhiên, mong mỏi được gặp con để quàng cho con chiếc khăn len với Hòa cũng rất xa vời. Vì hai vợ chồng đã bỏ nhau hơn chục năm, con do chồng nuôi nên Hòa chưa từng được gặp lại con. Nhắc đến con, mặt Hòa rầu rĩ: "Tôi nhớ nó lắm!". Từ ngày Hòa vào đây, gia đình cũng chưa ai đến thăm nên có lúc cô cũng thấy tủi, vì biết rằng con đường lầm lỗi do mình tự sa chân thì không thể oán trách ai.
Câu chuyện của Hòa đan xen nhiều cảm xúc. Hòa tự chuyển "đề tài", không nhắc đến chuyện chồng con. Cô nói nhiều hơn đến việc các học viên hòa thuận trong sinh hoạt và lao động tập thể. Hòa bảo rằng: "Với phương châm "cầm tay chỉ việc", người biết nghề trước truyền đạt lại kinh nghiệm cho các học viên đến sau, các học viên tham gia lao động theo các nhóm việc như: Chăm sóc và trồng rừng; chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau xanh, tự túc được thực phẩm phục vụ cho các bữa ăn hàng ngày. Các học viên nữ còn được học may, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nghề chế biến nông lâm sản... Hy vọng, những nghề mà chúng tôi đã học được ở đây, sau khi trở về tái hòa nhập cộng đồng sẽ là "cần câu cơm" chân chính và chúng tôi có quyền được tự hào về mình".
Nghe Hòa nói vậy, tôi chợt nghĩ, nẻo về của Hòa đang rất gần, nhưng liệu rằng cô có đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ cuộc đời, làm lại cuộc đời và thoát khỏi vĩnh viễn "cái chết trắng"?! Thầm mong...
Hương Lan