Cả chồng lẫn vợ đều đi cai nghiện
Trong căn buồng rộng chừng 20m2, bên dãy khu nhà A - khu học viên nữ, Hờ Thị Dờ ở chung với sau học viên khác. Sinh hoạt thường ngày cũng như công việc phải làm của chị cùng với các học viên nữ cũng không có gì nặng nhọc. Buổi sáng, khi tiếng kẻng của Trung tâm vang lên cũng chính là "đồng hồ báo thức" các học viên dậy, vệ sinh cá nhân, tập thể dục, sau đó ăn sáng và uống thuốc (thuốc đặc trị cai nghiện). Nghỉ ngơi chốc lát, các học viên nữ sẽ bắt tay vào công việc thường nhật của mình là chăm sóc cây cảnh, trồng cây, tỉa rau, chăn nuôi... Tất thảy các học viên đều phải tham gia trồng trọt, chăn nuôi để tự tạo ra nguồn thực phẩm phục vụ cho bữa ăn hàng ngày tại đây.
Khi chúng tôi đến, Hờ Thị Dờ và các học viên vừa kết thúc giờ lao động buổi sáng. Nhìn Dờ rất linh hoạt, khoẻ khoắn, phản ứng nhanh nhẹn, chẳng có biểu hiện là người của "nàng tiên nâu". Nước da bánh mật rắn rỏi, giọng nói sang sảng, khi trò chuyện với chúng tôi, Hờ Thị Dờ lúc nào cũng nở một nụ cười tươi tắn. Có lúc, Dờ còn tỏ vẻ thẹn thùng trước câu hỏi của chúng tôi.
Lý Thị Mỷ vẫn có cảm giác "nhớ thuốc" dù đã cắt cơn được hơn 1 năm.
Theo như hồ sơ mà các cán bộ quản lý của Trung tâm cung cấp Hờ Thị Dờ đã 40 tuổi, nhưng khi PV hỏi thì người phụ nữ này một mực nói không biết mình bao nhiêu tuổi. Chồng bao nhiêu tuổi, Dờ cũng chẳng bận tâm. Dờ bảo rằng: "Chồng mình vừa được về nhà (nó cũng đi cai nghiện), con ở nhà chẳng biết ai nuôi". Khi nghe ông Nguyễn Duy Thành - cán bộ phục trách khu A kể chuyện về tình cảnh của hai vợ chồng Hờ Thị Dờ, tôi cảm thấy xót thay cho những đứa trẻ phải tự sinh tồn, tự kiếm sống qua ngày, vì cả bố và mẹ đều nghiện. Những ngày vợ chồng Dờ cùng đi cai nghiện, những đứa con nhỏ ở nhà không biết cậy nhờ ai chăm sóc, nuôi nấng. Tôi ngạc nhiên hỏi: "Thế lấy tiền đâu nuôi con?". Ngẩn người ra một lát, gương mặt Dờ nom như mếu: "Chúng nó tự tìm ăn thôi. Nhà mình năm nào cũng đói ăn. Khi ở ngoài, hai vợ chồng đều đi làm thuê, làm mướn. Mỗi ngày, hai vợ chồng cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn. Tiền làm thuê "nướng" vào ma tuý. Nhiều hôm, cả nhà nhịn đói, đêm đến hai đứa trẻ đói quá cũng chỉ biết tu nước ừng ực cho qua cơn đói”.
Tôi hỏi Dờ, chồng chị được về nhà lâu chưa, chị lắc đầu: "Tri pâu à" (không biết đâu), rồi cười rất hồn nhiên. Người phụ nữ Mông này hầu như không có vẻ nhớ, thương con nhỏ đang ngóng đợi mẹ ở nhà".
Ở Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục lao động xã hội tỉnh Yên Bái, chuyện cả hai vợ chồng đều phải đi cai nghiện bắt buộc là chuyện không hiếm gặp. Hiện tại, ở đây còn có cặp vợ chồng Lý Thị Sầu (sinh năm 1971) đang là học viên khu A và chồng tên Giàng A Páo đang điều trị cai nghiện ở khu B. Khi mới vào đây, Sầu luôn ủ rũ, bất hợp tác, mọi người trong Trung tâm còn bông đùa gọi là "Lý Mạc Sầu" (tên của một nhân vật trong phim võ thuật Kim Dung - Trung Quốc). Có lúc lên cơn "đói" thuốc, Sầu đòi tự tử. Lúc bắt đầu thực hiện cắt cơn nghiện, Sầu bị ảo giác, tinh thần không tự chủ được, Sầu thường "nổi loạn", khiến các cán bộ quản lý rất vất vả. Phải mất 10- 15 ngày vật lộn với những cơn vật vã ma tuý của Sầu, các cán bộ mới thở phào nhẹ nhõm vì đã cắt cơn thành công cho chị.
Ông Lê Công Huấn - phó giám đốc trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục lao động xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, tại các khu chức năng, học viên sau khi được tiếp nhận, phân loại, sẽ tiến hành điều trị cắt cơn và điều trị các bệnh phát sinh thông thường; sau đó chuyển đến các khu để giáo dục, lao động trị liệu, hướng nghiệp dạy nghề và tư vấn hội nhập cộng đồng trong thời gian từ 6 đến 24 tháng. Trong giai đoạn đầu tiếp nhận, các học viên sẽ được điều trị cắt cơn, được đội ngũ cán bộ y tế chăm sóc phục hồi sức khỏe, đồng thời còn được khám và điều trị các loại bệnh phát sinh.
Hờ Thị Dờ hồn nhiên nói: "sẽ hút nếu...thích".
Về nhà "thích"... lại hút
Trò chuyện với chúng tôi, lúc thì Dờ nói tiếng Kinh, có khi chị lại nói một tràng tiếng Mông khiến tôi cũng phát... hoảng. Hờ Thị Dờ cho biết, chị nghiện hút cũng được chục năm rồi, chồng "dính" nghiện trước chị một vài năm. Hai vợ chồng đều nghiện nên cảnh nhà đã nghèo lại càng nghèo thêm. Chồng chị bị bắt buộc đi cai nghiện sớm hơn hai năm nên được trở về tái hòa nhập cộng đồng trước. Dờ cúi mặt nói: "Trước đây thì hút thuốc đen, bây giờ (trước khi đi cai) thì hít thuốc trắng, mỗi ngày hít hai lần, hết 30.000 - 40.000 đồng đấy. Mình đến đây cai lần thứ hai rồi, đừng hỏi nữa, xấu hổ lắm". Tôi hỏi một vài người cùng phòng Dờ, sau khi cai nghiện tại đây về nhà có dùng ma tuý nữa không, mọi người đều lắc đầu: "Không biết đâu ạ, có khi hút lại, có khi không hút nữa...".
Nghe Dờ nói về cuộc sống bình yên tại trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục lao động xã hội tỉnh Yên Bái, tôi cứ ngỡ, chị không còn mảy may nghĩ đến mùi ngai ngái của khói thuốc và những cơn vật lộn với ma túy. Nhưng không, Dờ bảo rằng: "Không có thuốc phải chịu, thèm lắm nhưng chẳng biết làm thế nào. Về nhà là mình lại thấy "thích"... thuốc, mà "thích" thì lại hút". Tôi gặng hỏi Dờ: "Ở đây giữa "ốc đảo", có ai mang thuốc trắng (heroin) đến bán?". Dờ bảo: "Ấy chết, cán bộ không đồng ý đâu".
Theo lời kể của cán bộ Nguyễn Duy Thành, mấy ngày đầu đến Trung tâm không có thuốc, chân tay Dờ co quắp, người bải hoải đứng ngồi không yên, bỏ cơm mấy bữa. Dờ đã có ý định bỏ trốn, nhưng bị mọi người giữ lại. Bây giờ, chị không lên cơn nghiện nữa, uống thuốc cai nghiện nên sức khỏe cũng ổn định. Mỗi bữa, Dờ ăn được hai bát cơm.
Ông Thành cho biết, số người phụ nữ Mông nghiện ngày càng nhiều. Những phụ nữ nghiện ma túy số phận đều nghiệt ngã. Trường hợp của Giàng Thị Mua cũng ở Mù Cang Chải thật thương tâm. Sau ba năm lấy chồng, Mua sinh được hai đứa con khỏe mạnh, hai vợ chồng sống hạnh phúc. Tuy nhiên, sau vài lần thử để biết ma túy như thế nào, Mua đã trở thành "đệ tử" của "cái chết trắng". Bị mọi người trong gia đình xa lánh, xua đuổi và cuối cùng là bị chồng bỏ, Mua không nơi nương tựa. Thời điểm còn sức khoẻ, ban ngày, Mua đi tìm việc làm thuê, phát nương, làm cỏ... để lấy tiền thỏa mãn nhu cầu ma túy, ban đêm cô tìm những lán nương bỏ hoang để ngủ. Sau vài năm sống vất vưởng, làm nô lệ của ma túy, trông Mua tiều tụy đến khó tưởng tượng. Sau đó, Mua bị đưa đi cai nghiện bắt buộc đến khi tái hòa nhập cộng đồng, không ai biết cô đã tha phương nơi nào.
Kế bên cạnh phòng của Dờ là phòng của Lý Thị Mỷ (cũng ở Mù Cang Chải). Phòng của Mỷ có tám người cùng vướng vào "nàng tiên nâu", thậm chí có người còn kiêm nghề buôn "cái chết trắng". Vừa trò chuyện với chúng tôi, Mỷ vừa đan khăn len. Mỷ bảo: "Mình đan khăn tặng chồng nếu nó vào thăm". Mỗi tháng, người nhà học viên được vào thăm hai lần. Thế nhưng, có những gia đình học viên nhà ở xa thì một năm đến thăm một lần, thậm chí là bỏ mặc người thân đến khi nào được về thì về. Mỷ tâm sự: "Đây là lần đầu tiên mình bị đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm. Dù đã vào đây được hơn một năm nhưng Mỷ nhớ thuốc lắm. Cai xong, nếu về mình vẫn hút lại. Nếu hút... lại vào cai".
Mỷ bảo rằng, cô 37 tuổi, đã có ba đứa con. Chị vào đây cai nghiện, con ở nhà với chồng, nhưng chồng cũng "dính" nghiện và không đi cai. Trước khi vào đây, hàng ngày Mỷ đi làm thuê lấy tiền hút thuốc (kiếm được khoảng 60.000 đồng/ngày). Mỷ còn thản nhiên nói rằng: "Thích ở đây hơn, có bạn, không phải lo tiền ăn, không lo đói nhưng... thèm thuốc lắm!".
Hầu hết đều tái nghiện Ông Nguyễn Duy Thành chia sẻ, phần lớn phụ nữ Mông khi rời khỏi Trung tâm đều tái nghiện. Phong tục tập quán của người Mông lạc hậu, nhiều người không vượt qua được sự cám dỗ của ma túy. Đặc biệt, ma túy ở nơi rẻo cao Yên Bái được các đầu nậu "tuồn" từ Lào vào trong nước qua Sơn La rồi trung chuyển ở Yên Bái. Đây cũng là cạm bẫy khiến họ dễ vập vào ma túy một cách khốc liệt hơn. Bởi vậy, dù theo phác đồ, Trung tâm có nhiệm vụ điều trị cai nghiện cho các đối tượng nghiện hút, chích ma túy, phục hồi sức khỏe sau cai, đồng thời tổ chức lao động trị liệu giúp các học viên vươn lên hòa nhập cộng đồng, nhưng khi tái hòa nhập cộng đồng lại phụ thuộc vào lý trí của họ có bước qua làn ranh… "cạm bẫy" ma túy hay không. |
Hương Lan
(Còn nữa)