Vụ việc danh hài Thúy Nga và nhiều nghệ sĩ đã từng bị “khai tử” trên mạng xã hội khiến dư luận liên tục đặt ra câu hỏi: Vậy cần xử lý như thế nào để nghiêm trị và loại bỏ những “anh hùng bàn phím”, những kẻ bất chấp tất cả để “tuyên án tử” cho người đang sống nhằm mục đích bất chính, trục lợi hoặc gây nhiễu loạn thông tin? Trước vấn đề này, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với luật sư La Văn Thái (Đoàn luật sư TP.HN).
Theo các chuyên gia pháp lý, có thể có nghệ sĩ cũng chưa hiểu rõ luật, hoặc hiểu rõ nhưng họ e ngại, tốn thời gian, công sức nên không muốn làm tới cùng để lôi ra ánh sáng kẻ giấu mặt. Vô tình việc này lại tiếp tay cho những "trò hề" tái diễn.
Dưới góc độ pháp lý, những kẻ chuyên tung tin đồn thất thiệt trên mạng về việc nghệ sĩ qua đời sẽ bị xử lý như thế nào thưa luật sư?
Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay chuyện bịa đặt thông tin trên mạng xã hội khá phổ biến và rất nguy hiểm… Vì thế, không ít kẻ đã lợi dụng để đăng tải thông tin thất thiệt, nhất là việc nghệ sĩ qua đời như chúng ta đang bàn đến.
Nếu như thông tin đăng tải không gây ra ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, sẽ bị xử phạt hành chính, tùy theo mức độ xử phạt khi xem xét xâm phạm uy tín, danh dự như thế nào?
Quy định của Bộ luật dân sự cũng quy định khá rõ. Trong trường hợp đưa ra các thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến uy tín danh dự nhân phẩm thì phải bồi thường thiệt hại, phải cải chính hoặc sửa đổi các thông tin, xin lỗi công khai. Người bị tung tin có thể khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại, đăng tải thông tin công khai để xin lỗi.
Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo điều Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội vu khống. Khi không có sự thật nhưng việc vụ khống gây ra hậu quả nguy hiểm như người bị tung tin vì những áp lực dư luận dẫn đến hành vi khó kiểm soát, hoặc dẫn đến cái chết vì tự tử….
Từ trước đến nay đã có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng bị tung tin đồn họ đã qua đời trên mạng xã hội. Vậy trong trường hợp mới nhất của danh hài Thuý Nga, theo ông nạn nhân có nên làm đơn gửi cơ quan chức năng để truy tới cùng và giải quyết triệt để vấn đề này?
Tôi nghĩ việc này theo quan điểm của mỗi người, bản thân họ thấy sự ảnh hưởng đến mức độ nào thì làm tới đó. Tuy nhiên, điều chúng ta cần bàn tới là phải xử lý thật nghiêm những đối tượng tung tin thất thiệt lên mạng xã hội. Thứ nhất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được đơn yêu cầu xử lý những vụ việc trên bắt buộc phải giải quyết triệt để, chặt chẽ để răn đe những người khác. Thứ hai với người bị hại giống như danh hài Thúy Nga nên làm đơn yêu cầu xử lý, thậm chí khởi kiện ra toà để bảo vệ quyền lợi cho mình cũng như những người khác. Việc này góp phần tránh hậu họa không chỉ cho bản thân mà còn cho cả cộng đồng.. Pháp luật là để đảm bảo tính nghiêm minh và bảo vệ công dân trước những hành vi bị xâm hại, vi phạm. Chúng ta có quyền được yêu cầu bảo vệ và xử lý hành vi vi phạm. Nếu không xử lý nghiêm sẽ dung túng cho những kẻ thích bịa đặt, thích “tự do” trên mạng xã hội.
Đã có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng rơi hoàn cảnh “sống dở chết dở” do mạng xã hội gây ra, nhưng họ e ngại không muốn “làm tới cùng”. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân khiến kẻ xấu càng lộng hành và dễ dàng bịa đặt thông tin?
Tôi nghĩ là do họ không nắm được luật chứ không hề e ngại. Việc “khai tử” họ trên mạng xã hội chính là đang xâm phạm đến đời tư. Với những nghệ sĩ nổi tiếng càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để bảo vệ danh dự của mình, tránh những chuyện đó lặp lại lần sau đương nhiên phải dùng các công cụ pháp luật để bảo vệ bản thân. Tôi nghĩ các nghệ sĩ nên nhớ điều này. Chỉ một lần nghệ sĩ “vùng lên”, yêu cầu xử lý nghiêm thì ắt những “anh hùng bàn phím” sẽ sợ hãi, không dám đăng bừa bãi những thông tin bịa đặt như thời gian vừa qua.
Thực tế cho thấy, thời gian qua hiện tượng này lại xuất hiện tràn lan, khó kiểm soát. Ông có suy nghĩ gì và theo ông cần làm gì để “xóa sổ” hành vi này?
Theo quan điểm của tôi có nhiều nguyên nhân và do nhận thức của người dùng mạng xã hội. Đôi khi có những người không phải vì tư lợi của họ nhưng họ thích nổi tiếng, họ nghĩ bịa ra sẽ được nhiều người quan tâm, thu hút sự chú ý của mọi người để bán hàng online, hoặc có mục đích trục lợi… Hoặc có thể do tư thù cá nhân, tung lên để bôi nhọ, hạ gục đối thủ. Nhưng họ đâu biết, có những cái chết không phải chết bằng dao kiếm mà chết bằng chính những lời nói, do người ta không chịu được áp lực. Đây là hành vi quá hiểm độc cần phải nghiêm trị để làm trong sạch môi trường mạng, nếu không môi trường mạng sẽ ngày càng trở nên hỗn loạn. Chúng ta trừng phạt nghiêm thì không chỉ vấn nạn này mà còn nhiều thông tin "rác" khác cũng được dẹp bỏ.
Chuyên gia an ninh mạng lên tiếng về chiêu “ném đá giấu tay” trên mạng
Trước câu hỏi làm thế nào để truy nguồn gốc và ai là người đầu tiên đăng tải những thông tin thất thiệt lên mạng xã hôi, trả lời PV Người Đưa Tin Pháp Luật, Ông Vũ Ngọc Sơn - Phó chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc – Anti Malware của BKAV nhận định: “Việc truy lại nguồn gốc như vậy rất mất công vì người đăng tin đầu tiên có thể nặc danh, ẩn danh. Những Facebook ẩn danh như vậy thì thông tin sẽ không lan truyền được xa, ít người biết đến. Để tin lan truyền khắp mạng xã hội, phải thông qua những Facebook nổi tiếng.
Vì thế, những Facebook nổi tiếng khi dẫn lại tin phải kiểm chứng nguồn tin đó, đưa lại mà không có sự kiểm chứng thì theo luật họ phải chịu trách nhiệm. Những Group đông người theo dõi cần chắt lọc thông tin trước khi đăng tải. Đưa tin là phải có trách nhiệm xem tin đó ảnh hưởng đến bao nhiêu người. Hiện nay chúng ta đã có luật an ninh mạng nên hoàn toàn có thể xử lý được với những thông tin thất thiệt, ảnh hưởng đến đời tư của người khác”.