Trong khi không ít người đổ tội hết cho hội đồng xét duyệt thì một câu hỏi đặt ra: Liệu các nghệ sĩ đã quá đề cao cái tôi của mình?
Nhạc sỹ Phú Quang
Chuyện văn mình, vợ người
Ngay sau khi một bài báo đăng tải những lời phát biểu, bình luận của nhạc sĩ Phú Quang về Giải thưởng Nhà nước, không ít người cho rằng vị nhạc sĩ này đã không giữ được sự bình tĩnh cần thiết. Nhạc sĩ Chu Minh cho rằng: "Phú Quang nên dè dặt hơn". Vị nhạc sĩ này cũng tỏ ra thông cảm cho tác giả "Mơ về nơi xa lắm". Ông cười xòa ra chiều hiểu biết về tính cách con người Phú Quang: "Tính Phú Quang tôi biết, ông ấy thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy. Nhưng trong trường hợp này, tôi nghĩ Phú Quang nên dè dặt hơn một chút. Vì nổi tiếng thì cũng đã nổi tiếng rồi. Được yêu mến thì cũng đã được yêu mến. Danh hiệu có thêm thì quý, không có thêm thì cũng thôi, chẳng ảnh hưởng gì đến mình".
Nhạc sĩ Chu Minh cho biết thêm: "Phú Quang không chỉ là một nhạc sĩ nổi tiếng, được đông đảo khán giả yêu mến, mà còn nhận được sự đồng thuận của 100% Hội đồng thẩm định cấp cơ sở. Tuy nhiên khi lên đến hội đồng cấp Bộ, vì lí do nào đó mà không đủ số phiếu để lên cấp Nhà nước (cấp quốc gia)".
Nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ: "Nghệ sĩ thường có cái tôi quá lớn. Văn mình, vợ người mà! Mỗi người đều có thế mạnh và sở trường khác nhau. Cho nên việc tranh cãi, người này đồng ý, người kia phản đối trong việc xét duyệt các danh hiệu là điều không thể tránh khỏi. Khó để nói rằng ai giỏi hơn ai bằng các danh hiệu. Sự yêu mến của công chúng, sức sống của những ca khúc mới là câu trả lời chính xác nhất".
Nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng: "Các nhạc sĩ Việt nam hiện nay đang thiếu đi tình đoàn kết và sự chia sẻ. Những ầm ĩ, tranh cãi cũng từ đó mà ra, vì không hiểu nhau, không hiểu âm nhạc của nhau thì lấy đâu ra sự thông cảm. Điều này một phần lỗi lớn là do Hội. Hội đã không đứng ra tổ chức để anh em có thời gian, điều kiện ngồi bên nhau, nghe nhạc của nhau, cùng bình luận, trao đổi cái hay lẫn cái chưa hay để rút kinh nghiệm. Có thể sẽ có những lời chê. Nhưng những lời chê ấy cũng khiến mình thỏa mãn và sung sướng biết bao. Vì nó thật lòng. Quan trọng nhất là chúng ta thật thà với nhau. Hội cũng nên thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót của mình".
Kiện cáo vì danh hiệu thì “đừng trách khán giả vô tình”
Trả lời cho những lùm xùm xung quanh xét duyệt Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu NSƯT, NSND, nhạc sỹ Doãn Nho cho biết: "Tôi quá buồn về chuyện kiện cáo của các nghệ sĩ. Tuy nhiên khó mà trách họ, vì sự kiện cáo đó hoàn toàn có cơ sở. Lỗi là do các cấp hội đồng chưa bao giờ công khai hóa mọi vấn đề về tác phẩm, tác giả được bình chọn ngay từ đầu. Mà phải đợi đến lúc xảy ra kiện cáo lại mới trình bày thì lúc đó mọi việc đã rùm beng lên rồi. Đính chính hay thay đổi cũng sẽ để lại những tì vết. Năm nay, hội đồng tiếp tục mắc phải nhiều thiếu sót.
Mặc dù những năm trước đã mắc rồi nhưng vẫn chưa rút được kinh nghiệm gì. Dân trí âm nhạc của chúng ta còn thấp. Mỗi một nhạc sĩ đều mong muốn góp mình để nâng tầm dân trí ấy. Hiện nay, âm nhạc Việt Nam đã có chỗ cho thính phòng. Chúng ta đã có một thứ ngôn ngữ âm nhạc thính phòng riêng mà không phải chịu ảnh hưởng bởi một ai cả. Đó là tín hiệu đáng mừng.
Các nhạc sĩ, thay vì kiện cáo, bới móc, chê bai lẫn nhau thì hãy dành thời gian đó để mang âm nhạc giao hưởng thính phòng đến gần hơn với công chúng. Thính phòng là tinh hoa của mọi nền âm nhạc. Một tác phẩm âm nhạc thính phòng đến được với công chúng thì những danh hiệu còn lại cũng chẳng là gì. Nhưng nếu trong khi nó chưa đến được với công chúng mà các nhạc sĩ vẫn chạy đua theo các giải thưởng thì đừng trách khán giả vô tình hay thiển cận.
Giải thưởng Nhà nước thường niên không chỉ dành riêng cho lĩnh vực nghệ thuật. Bên cạnh đó còn có khoa học, kĩ thuật, giáo dục, văn học. Thế nhưng mảng nghệ thuật bao giờ cũng là nơi có nhiều ồn ào, nhiều tranh cãi nhất. Và dường như khán giả lẫn nghệ sĩ đều xem đó là một mặc định, không cần phải giải thích?!".
"...Để cái tôi chi phối sẽ rất nguy hiểm"
Không phủ nhận những thiếu sót trong quy chế xét duyệt danh hiệu, Giải thưởng Nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, như cách nói của nhạc sĩ Trọng Bằng thì, hội đồng xét duyệt cũng có cái khổ của họ. Giống như làm dâu trăm họ vậy, được lòng người này thì mất lòng người kia. NSND Trọng Bằng chia sẻ: "Việc các nhạc sĩ phản đối hội đồng xét duyệt hay lên báo nói thế nào là quyền của họ. Tôi chỉ muốn nói rằng, xứng đáng hay không xứng đáng thì thời gian và công chúng sẽ là câu trả lời. Tôi chỉ lấy làm tiếc là trong khi Nhà nước chưa kịp tôn vinh họ (mà cái này thì phải có thời gian) thì họ đã quay sang phát ngôn thiếu thiện chí, xúc phạm đến những người có trách nhiệm với họ”.
Ca sỹ Quang Lý
Một nhà biên kịch nổi tiếng cho rằng: "Nhiều người sống lâu lên lão làng thôi chứ thực ra các sáng tác của họ không phải là đã đạt đỉnh NSƯT hay NSND. Nghệ sĩ ai chẳng có cái tôi lớn. Nếu cái tôi đó được áp dụng trong sáng tạo thì sẽ rất tốt. Ngược lại với những cái ngoài sáng tạo nếu để cái tôi chi phối thì sẽ rất nguy hiểm.
Nhiều nghệ sĩ quen với việc được tung hô, xưng tụng nên họ khó mà chấp nhận được việc có ai đó sắp xếp họ đứng ở vị trí nào đó. Mà có xếp đi nữa thì cũng không bao giờ làm vừa lòng họ được. Nhưng hào quang hay ngôi sao nên chỉ là trên sân khấu. Phải biết mình là ai.
Thực ra tôi thấy Nhà nước đã rất ưu ái các nghệ sĩ. Cho tiền để tổ chức giải tức là để làm nghề, rồi cho tiền để vinh danh, tức là được ăn được nói, được gói mang về. Tuy nhiên, nhiều người thiếu coi trọng điều đó, họ xem giải thưởng với họ là điều tất nhiên phải được, nhưng danh hiệu một phần là do may mắn, ai cũng cho mình là nhất thì nhà nước lấy đâu ra giải thưởng mà trao, tất cả là dựa trên quy chế, tiêu chí. Cái gì cũng phải dựa trên nguyên tắc nếu không thì xã hội loạn hết à?
Còn một điều mà theo tôi nó góp một phần làm nên những tranh cãi, kiện tụng, ầm ĩ chưa từng có, đó là nghe nói tiền giải thưởng năm nay rất cao. Bạn thấy đấy, ra đường, chỉ có từng đó không gian nhưng chẳng ai nhường ai, ai cũng muốn vượt lên trước. Giải thưởng của các nghệ sĩ cũng vậy. Mạnh ai người ấy “chạy”. Không có sự nhường nhịn đâu. Có người còn hai lần đạt Giải thưởng nhà nước dù chỉ từng ấy thành tích (vì làm hồ sơ xét duyệt từ hai đơn vị nhà nước). Trong khi có những người rất xứng đáng nhưng vì thiếu may mắn nên vẫn chưa đạt được. Sự chèn ép, ganh tị cũng là điều không thể tránh khỏi. Nhiều người, trong khi bình chọn công khai thì ra chiều gật gù, đồng ý nhưng đến lúc bỏ phiếu lại gạt ra vì sự đố kị".
Bích Đào