Nghệ sĩ ghi-ta Vũ Đức Hiển cho biết, ở Việt Nam, có nhiều người thích chơi đàn ghi-ta, thậm chí chơi rất chuyên nghiệp nhưng chưa có một sân chơi chung cho những người "mê" loại đàn này. Vì vậy, anh đã kết nối với NSƯT Chí Trung - Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ để cùng tổ chức "Liên hoan ghi-ta Quốc tế tại Hà Nội", chương trình sẽ diễn ra tại nhà hát Tuổi trẻ từ 27-29/10.
Nghệ sĩ Đức Hiển cho hay, về phần thi ghi-ta chuyên nghiệp, hiện tại đã có 26 thí sinh đến từ Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam tham gia. Theo nghệ sĩ Đức Hiển đây đều là những thí sinh có kinh nghiệm "săn giải thưởng ghi-ta trên thế giới". "Liên hoan ghi-ta Quốc tế tại Hà Nội" còn có sự góp mặt nhiều nghệ sĩ ghi-ta nổi tiếng như nghệ nhân Hee Hongkim (Hàn Quốc), nghệ sĩ Enrique Munoz Teruel (Tây Ban Nha), Nutavut (Thái Lan), Ekaterina Pushkarenko (Irkutsk), Lê Thu (Bahrain). Về phía Việt Nam, có nghệ sĩ Ngô Đăng Quang, Châu Đăng Khoa và Vũ Đức Hiền.
Đây là những nghệ sĩ vừa tham gia biểu diễn trong liên hoan vừa đóng vai trò là giám khảo của cuộc thi ghi-ta chuyên nghiệp trong khuôn khổ của "Liên hoan ghi-ta Quốc tế tại Hà Nội".
Chia sẻ với pv báo Người Đưa Tin, nghệ sĩ Đức Hiển cho biết: "Tôi mê đàn ghi-ta từ bé, hồi 5-6 tuổi tôi đã nhìn thấy chị gái mình học đàn, rồi cứ lân la xem chị đánh đàn. Hồi bé, tôi còn ước mình là một nghệ sĩ đàn ghi-ta nổi tiếng, biểu diễn trước hàng nghìn khán giả. Lớn hơn chút, bố mẹ tôi muốn tôi vào trường đại học Mỏ - Địa chất nhưng tôi không thích, và nhất quyết học đàn.
Năm 21 tuổi, tôi ra trường và đã từng lên miền núi Sơn La dạy học cùng con trai nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là Thiều Quang. Sau đó, gặp khó khăn nên tôi trở về Hà Nội làm giáo viên dạy nhạc cấp trung học cơ sở, sau chuyển qua kinh doanh trong nhiều lĩnh vực và bị vỡ nợ đến 3 lần trong 6 năm. Thất bại, chán nản, tôi quay lại Sơn La làm giáo viên dạy khiêu vũ thể thao.
Sau 1 năm tĩnh tâm, niềm đam mê với ghi-ta đã kéo tôi quay trở lại Hà Nội, tiếp tục niềm đam mê chơi đàn ghi-ta. Tôi cũng lập một trang web riêng và lớp học đàn ghi-ta để chia sẻ về những hiểu biết của bản thân về đàn để dành cho những ai thích loại đàn này".
Vũ Đức Hiển chia sẻ niềm yêu thích nhạc cổ điển qua những bản nhạc của Mozart, Chopin, sách lịch sử âm nhạc... Anh cảm nhận: "Âm nhạc cũng sâu sắc và kỳ diệu như những bài thơ, truyện ngắn của M. Gorky hay J.London. Nhạc cổ điển phong phú về giai điệu và hòa thanh, gợi những cảm xúc trong sáng của hiện tại, hướng con người ta nhìn vào tương lai để đi lên".
Đức Hiển kể, nhạc sĩ Phú Quang cũng là một trong nhưng người ảnh hưởng tới âm nhạc của anh. Trong đêm nhạc "Vũ khúc Phương Đông" mới diễn ra, anh đã chơi bài hát "Em ơi, Hà Nội phố" của Phú Quang trên sân khấu. "Nhạc sĩ Phú Quang đã khóc, ôm tôi và nói: Bản phối này khác với tất cả những bản trước đây nhưng lại lột tả được tinh thần của bài hát. Nó dữ dội, cào cầu đến tận sâu thẳm, và sự bình lặng ấy là tận cùng của nỗi đau..." - Nghệ sĩ Vũ Đức Hiển xúc động chia sẻ.