Dạo quanh một vòng sân khấu đến sóng truyền hình, đâu đâu cũng đầy rẫy những tiểu phẩm hài, gameshow hài cho khán giả lựa chọn.Tuy nhiên, số lượng đó lại không tỷ lệ thuận với chất lượng hài kịch mà khán giả mong đợi. Chưa nói đến việc khán giả “bội thực”, mà nội dung của không ít chương trình hài đang dần trở nên quá hời hợt, dễ dãi, thậm chí yếu tố dung tục, nhảm nhí bị lạm dụng quá nhiều.
Nhiều nghệ sĩ lạm dụng ngôn từ dung tục hay những hành động phản cảm vào các tiểu phẩm hài, các gameshow hài có thể lấy được tiếng cười của một bộ phận khán giả dễ dãi, nhưng đó chỉ là sự “mua vui” tức thời mà thôi. Việc không chọn lọc và không kiểm soát nội dung dẫn đến tình trạng hài bậy, hài nhảm đầy rẫy như hiện nay khiến khán giả không khỏi bức xúc, ức chế.
Người Việt chúng ta từ xưa nhận định giá trị tinh thần của tiếng cười qua câu nói “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” nhưng tiếng cười hiện nay lại quá “câu khách”, dễ dãi và hời hợt.
Có thể nói, thực trạng làng hài Việt Nam ngày càng “xuống dốc” trầm trọng bởi tác động của những tiểu phẩm, gameshow hài bậy thiếu chọn lọc. Trong khi đó, các nhà sản xuất, các bầu show vẫn miệt mài cho chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả dễ dãi chỉ nhằm kiếm được nhiều rating (tỉ suất người xem – PV) để thu hút quảng cáo từ các nhà tài trợ, từ đó những sản phẩm kém chất lượng liên tục ra đời và có “đất sống”.
Vẫn biết, dấn thân vào lĩnh vực hài đôi khi phải chấp nhận cả cái ranh giới mong manh giữa thanh và tục, nhưng đã là một nghệ sĩ chân chính thì phải biết cách giải quyết và dung hòa được điều đó. Đã là người của công chúng, khi đứng trên sân khấu người nghệ sĩ nên tiết chế trong lời ăn tiếng nói của mình để trở thành hình mẫu đẹp. Những tiểu phẩm hài, gameshow hài phải mang đến cho công chúng những nụ cười sảng khoái, thoải mái chứ không phải nụ cười đắng nghét, chua chát.
Song Ngư