Tạo ấn tượng từ nhược điểm "thon thon hình vại, thoai thoải hình chum"
NSƯT Minh Vượng tên thật là Minh Phượng, sinh năm 1958, là con thứ hai trong một gia đình có sáu anh chị em tại khu lao động nghèo ở Lương Yên, Hà Nội.
Năm 1973, Minh Vượng thi đỗ vào Đoàn chèo Hà Nội, nhưng gia đình không cho theo học. Tiếp đó, bà thi đỗ vào Đoàn kịch nói Tổng cục Hậu cần, nhưng lại không theo học vì sợ bị cắt hộ khẩu. Tháng 4 năm 1974, bà tiếp tục đỗ vào khoa Kịch nói, trường Nghệ thuật Hà Nội do được Nghệ sỹ Nhân dân Quỳnh Nga đánh giá cao trong phần đóng tiểu phẩm.
Không dừng lại ở đó, năm 1978, Minh Vượng tốt nghiệp trường Nghệ thuật Hà Nội. Sau đó, Minh Vượng về làm việc tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Bước chân vào nghệ thuật với bao đam mê, khao khát nhưng điểm yếu về ngoại hình khiến bà phải chờ tận 2 năm mới có vai diễn đầu tiên trong vở Hà Mi của tôi do NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn. Năm đó mới 22 tuổi nhưng Minh Vượng đã phải “sắm” vai mẹ Phương, một bà cụ nông dân 80 tuổi, trong khi Minh Vượng chỉ quen sống ở thành phố. Đó là khó khăn không nhỏ trên bước đường chập chững vào nghề của cô diễn viên trẻ.
Thế nhưng, với một diễn viên đã mòn mỏi đợi chờ suốt 2 năm trời để được lên sân khấu, đó là một niềm vui không gì sánh nổi. Minh Vượng lao vào nghiên cứu kịch bản, tập ngày, tập đêm, với tất cả khát khao được làm nghề, được thể hiện mình.. Bà đã không phụ lòng đạo diễn khi vở Hà Mi của tôi được đánh giá cao trong Hội diễn Sân khấu Kịch nói toàn quốc năm 1980.
Vai diễn mẹ Phương của Minh Vượng để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng và đồng nghiệp. Chính vì thế, 1 năm sau, NSND Doãn Hoàng Giang tiếp tục “chiêu mộ” Minh Vượng vào vai người đàn bà chửa trong Bản tình ca màu xanh. Trong vở này, cố nghệ sĩ Trần Kiếm và Minh Vượng vào vai đôi vợ chồng đi tiễn những người trên sân ga.
Vai phụ chỉ có 5 phút xuất hiện trên sân khấu, với hình ảnh người đàn bà chửa đứng tuổi nhõng nhẽo với chồng, Minh Vượng lại tiếp tục gây ấn tượng mạnh với khán giả. Đặc biệt, 5 phút ngắn ngủi ấy giúp bà lọt vào “mắt xanh” của đạo diễn – NSND Nguyễn Đình Nghi, một người vô cùng khó tính, để ngay sau đó được nhận vai diễn quan trọng trong vở kịch Cô gái đội mũ nồi xám (kịch bản Lưu Quang Vũ).
Sau những khởi đầu ấn tượng, cái tên Minh Vượng được khán giả biết đến nhiều hơn qua các vai hài như: Bà mối trong vở kịch Già kén, Kiều Nhung trong vở Vợ chồng dởm. Tại Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc năm 1991, 2 vai này đã giúp Minh Vượng lập “cú đúp” HCV trong vòng 1 ngày, gây tiếng vang lớn, là tiền đề cho nhiều thành công của danh hài sau này.
Minh Vượng đến với hài truyền hình cũng tự nhiên như khi bà ở trên sân khấu vậy. Chỉ khác là khi diễn hài, khả năng đó có trong bà một cách bẩm sinh vì bản thân bà ngoài đời cũng khá hài hước.
Và thế là bà chỉ việc mang nguyên cái chất ấy trong mình ra mà diễn. Cái nhược điểm "thon thon hình vại, thoai thoải hình chum" lại trở nên... có duyên cho những vai hài.
Cộng hưởng cùng với đó là cái dáng tất bật, khuôn mặt có phần ngơ ngác và điệu cười đậm chất Bắc Bộ đã khiến khán giả không thể quên được. Những vai diễn ấy dường như có sức cuốn hút kì lạ, gần gũi như không thô thiển, quen thuộc nhưng không nhàm chán.
Không dừng lại ở việc diễn trong Gặp nhau cuối tuần, Gặp nhau cuối năm… hay các vở diễn của người lớn, Minh Vượng còn là một gương mặt quen thuộc trong các dịp quan trọng của trẻ nhỏ.
Chính sự gần gũi, giọng nói trầm và điệu bộ của bà khiến cho các em nhỏ có cảm giác đây đúng là một người bạn của mình chứ không phải một diễn viên đang đóng hài để chọc cười các em.
Chứng kiến người ta lên xe hoa là một vai khó diễn nhất
Khán giả luôn thấy hình ảnh một Minh Vượng hay cười nói, luôn yêu đời trên sân khấu. Thế nhưng, ẩn sau đó lại là sự cô độc ít ai biết trong cuộc sống.
Trong một thời gian dài, người ta ít thấy hình bóng Minh Vượng xuất hiện trên truyền hình, cũng không còn cả tiếng cười thân quen trên sân khấu. Ấy cũng là thời điểm bà phải đối mặt với những khó khăn của cuộc đời. Nhiều lúc những tưởng, bà đã không thể gắng gượng mà làm nghề được nữa.
Bà mang trong mình khá nhiều căn bệnh như tiểu đường, áp huyết cao, xương khớp và tim mạch và cũng trải qua nhiều lần đột quỵ, nguy kịch. Rồi lại bị nhiễm trùng máu tưởng không qua khỏi. Mỗi ngày, số thuốc mà danh hài đất Bắc phải uống còn nhiều hơn là được ăn cơm. Minh Vượng chia sẻ, mỗi tháng bà phải mất từ 25-35 triệu đồng cho tiền thuốc thang.
Thế nhưng vì yêu nghề, bà vẫn tiếp tục gắng gượng để được trở lại với khán giả của mình. Bà quan niệm rằng, phải sống cuộc đời nhiều tiếng cười để không cho phép mình buồn. Đấy cũng là lý do vì sao người ta luôn thấy một Minh Vượng tràn đầy sức sống mỗi khi xuất hiện.
Cuộc sống cứ trôi chảy như thế, tránh làm sao được những phút giây cô độc khi cứ đêm ngày lẻ bóng đi về.
Cũng bởi bệnh tật, Minh Vượng không đủ tự tin để mang tới cho ai đó một mái ấm gia đình trọn vẹn. Chính vì thế, người nghệ sĩ này đã quyết định không lấy chồng. Bà chia sẻ: "Thà mình hy sinh vì sự nghiệp còn hơn là yêu một người quá rồi không bỏ được nhau, họ sẽ thiệt thòi về đường con cái. Chính vì vậy, một cái khổ mình mình chịu, kiếp sau mình sẽ đẻ thật nhiều con để bù".
Nghệ sĩ Minh Vượng từng vui mà nói về chuyện yêu đương của mình. Theo đó, chị yêu từ năm hơn 17 tuổi, yêu sớm và cũng nhiều mối tình. Minh Vượng nói chị rất thích hai câu thơ "Lại nghe tình nhiều hơn số ngón tay. Hồn mi kia mắt nọ với môi này” của nhà thơ Xuân Diệu. Bản thân chị nhiều khi giơ tay đếm không phải là ngón tay mà là cả đốt ngón tay các cuộc tình của mình.
Nhưng do đặc trưng công việc, cũng do sức khỏe vừa bị thấp khớp vừa bị tiểu đường vừa bị tim mạch nên nghệ sĩ Minh Vượng luôn xác định ngay từ nhỏ việc yêu thì cứ yêu nhưng để đi đến hôn nhân thì rất khó.
“Với tuổi hơn 60, bệnh tật đầy người chắc tôi chỉ lấy niềm vui dạy dỗ các con em và vui với bạn bè. Trong cuộc sống có thể hi vọng được nhiều thứ, nhưng trong hôn nhân không thể đặt hoàn cảnh của mình như một ván bài, cho một canh bạc”- Minh Vượng tâm sự.
Nói thì vậy nhưng từ trong sâu thẳm Minh Vượng cũng mơ ước có chồng, có con nhưng là ở kiếp sau. “Trong Đạo Phật có nói: "Chồng vợ có nên duyên phải trải qua 500 kiếp luân hồi". Vậy thì chắc là kiếp trước tôi có chuyện gì lầm lỡ bởi đến 60 tuổi rồi vẫn chưa có một bờ vai. Kiếp này đành lỡ hẹn với tình duyên. Nhưng tôi mong kiếp sau sẽ lên xe hoa lấy được người như ý và có những đứa con thật ngoan, biết nghe lời cha mẹ”- Minh Vượng tâm sự.
Dù cô đơn trong cuộc sống nhưng Minh Vượng vẫn luôn muốn gắng hết sức để mang lại tiếng cười cho khán giả.
"Tôi rất ít đi đám cưới. Đến những chỗ đó tôi thấy mình thật vô duyên vì ai cũng có đôi có lứa, còn mình thì chỉ có một mình.
Đến lại phải chứng kiến người ta lên xe hoa... Đó là một vai khó diễn nhất trong cuộc đời tôi, mặc dù tôi đã rất nhiều lần mặc áo cưới cho nhân vật, nhưng mặc áo cưới của chính mình thì chưa", cô tâm sự.
Một Minh Vượng với những triết lý sống lạc quan tự ngẫm
Chính trong bệnh tật, trong cô đơn, cái chất riêng rất đặc biệt của bà lại càng khiến mọi người thêm ấn tượng và khâm phục. Bà rất thích làm thơ, cho nên chính nhờ bài thơ tự an ủi mình mà bà viết, đôi khi lại cũng trở thành nguồn động viên cho những người xung quanh.
Là một người sống hay diễn đều rất thật, trong những buổi phỏng vấn, Minh Vượng không ngại ngần chia sẻ những chuyện buồn và cách bản thân vượt qua nó. Bà cho rằng, mình đã đi qua được, thì mình cần chỉ cho người khác cách làm, để không một ai phải buồn cả.
Nói về nghề diễn, bà rất cảm ơn nó vì nhờ làm nghề, bà biết cách tiết chế cảm xúc cá nhân, để cuộc sống được nhìn dưới lăng kính trong trẻo, lạc quan.
Đối với Minh Vượng, hạnh phúc chỉ đơn giản là được đi diễn, giảng dạy mỗi ngày, là "luôn luôn sống vui, sống khoẻ, sống có ích". Bệnh tật hay gì cũng chẳng khiến bà trở nên ủ dột hay buồn bã. Minh Vượng trên sân khấu thế nào, thì ngoài đời cũng vậy. Minh Vượng phía sau ánh đèn sân khấu vẫn giữ được khiếu hài hước quen thuộc. Bà nhìn đời, nhìn sự việc bằng con mắt lạc quan đến khó tin. Trực tiếp trò chuyện với Minh Vượng mới thấy, sự lo lắng của công chúng có lẽ đã phần nào… thừa. Vì đúng là bà đang mang nhiều căn bệnh, nhưng không vì thế mà bà gục ngã. Trái lại, NSƯT còn khẳng định bản thân hoàn toàn "bằng lòng với cuộc sống và công việc của mình".
“Nếu còn sức khoẻ, tôi vẫn sẽ cống hiến cho nghệ thuật đến giây cuối cùng. Sau này, về già tôi có thể tìm đến các trại an dưỡng, những ngôi nhà dành cho người không nơi nương tựa để kể chuyện vui cho họ. Nghề của tôi, khiến 1 người vui cũng là niềm hạnh phúc.
Tôi bằng lòng với cuộc sống hiện tại, bằng lòng với công việc. Cảm ơn những gì cuộc đời đã mang đến cho tôi, cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được làm người nghệ sĩ. Ai rồi cũng có lúc về già, yếu đau, có thể tuổi già sẽ khép lại ước mơ. Mặc dù cuộc sống còn nhiều ham muốn, nhưng hãy biết bằng lòng, biết chấp nhận điều mình có, để sống vui vẻ, sống khoẻ”, NSƯT Minh Vượng trải lòng.
Ngọc Anh (tổng hợp)