Phim hài Tết “thả nổi”, làm theo ngẫu hứng
Mấy năm trở lại đây, cứ mỗi dịp cuối năm, thị trường hài Tết lại “mọc lên như nấm sau mưa”, nhưng nhiều khán giả phàn nàn “lượng thì nhiều nhưng chất chưa đảm bảo”. Đã có nhiều năm trong nghề, đạo diễn – nghệ sĩ hài Vượng Râu nhìn nhận thế nào?
Điều này là đương nhiên! Ngày xưa, phim hài Tết ít lắm. Đầu tiên có Hồ Gươm Audio, Trung tâm Nghe nhìn Hà Nội sản xuất. Về sau, có cố đạo diễn Phạm Đông Hồng và tôi làm hài tư nhân. Nhưng, bây giờ công nghệ phát triển, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, người ta cũng có thể làm ra một sản phẩm hài.
Có thể nói, phim hài Tết hiện nay đang đối mặt với tình trạng “thả nổi”. Nhiều người chạy theo xu thế, thích là làm, thậm chí không có chuyên môn hay không biết gì về hài cũng đua nhau ra sản phẩm hài. Thế nên, chất lượng không thể như mong muốn. Tuy nhiên, cứ làm theo kiểu ngẫu hứng, chạy theo số đông, thì sẽ khó có một sản phẩm hài tốt và có được cảm tình của khán giả.
Đáng nói, một số seri phim hài Tết như: Đại gia chân đất, Làng ế vợ,… chỉ “gây sốt” được phần đầu, càng những phần sau càng đuối. Phải chăng, do ý tưởng kịch bản ngày càng nghèo nàn?
Đúng! Tình trạng này xảy ra một phần cũng do sự nghèo nàn về ý tưởng kịch bản. Song, điều này cũng tồn tại từ xưa rồi, chứ không phải bây giờ mới nảy sinh. Nhiều người cũng thắc mắc, đáng nhẽ phim hài Tết “Cưới đi kẻo ế” của tôi qua 5 năm thì phải có 5 phần, nhưng tại sao đến năm nay mới sản xuất phần 3. Thật ra, khi lên kịch bản cũng đã dự tính nhiều phần, nhưng tôi muốn ngơi ra để quên cái cũ đi. Thường, một seri hài Tết muốn hay và hấp dẫn khán giả, tôi chỉ làm khoảng 5 phần, như: Cười cái sự đời, Bắc Nam cùng cười. Chứ không thể ăn theo và làm mãi. Năm tới, tôi mới sản xuất Chuyện thông gia phần 3, và Thầy ra phố phần 3, dù hai sản phẩm này đều cách đây đã 7-8 năm.
Làm nghệ thuật cũng như dùng chất xám, sử dụng mãi rồi cũng hết. Thế nên, nhà sản xuất phải biết cách điều tiết để những đòn, mảng miếng tung ra chia đều cho các phần, như vậy sản phẩm mới hay và hấp dẫn. Còn, nếu cứ dồn hết vào một phần, thì những phần sau càng nhạt.
Thực tế, nhiều bộ phim truyền hình dài tập, hay phim hài Tết không dự tính trước kịch bản, mà sản xuất theo ngẫu hứng. Thấy khán giả thích thì cứ làm, nên không có bài bản khiến phần đầu hay, nhưng phần sau nhạt. Vậy nên, người sản xuất phải tính toán và cân nhắc kỹ càng khi thực hiện phim dài tập.
Thời gian qua, có nhiều phim hài Tết tận dụng cảnh nóng, hở hang để thu hút khán giả. Anh có tự tin rằng, những sản phẩm hài của mình không bị sa đà theo hướng đó?
Thật ra, hài của tôi từ xưa tới nay không bao giờ gắn với những yếu tố đó. Nếu trong kịch bản, nhân vật nào cần thiết thì tôi mới cho vào. Giờ đây, các sản phẩm hài là xu thế tất yếu của xã hội, đa màu sắc. Thế nên, những người làm hài như chúng tôi phải luôn luôn thay đổi, tuy nhiên, trong khuôn khổ có thể thực hiện được, chứ không phải chạy theo năm nay thế này, năm sau thế kia. Nhưng, có một điều chắc chắn là hài Tết của Vượng Râu không bao giờ lôi kéo khán giả bằng yếu tố khêu gợi, sexy, câu khách.
Giờ đây, mạng xã hội được xem là kênh chủ lực đưa các sản phẩm hài Tết đến gần hơn với khán giả. Nhưng, dường như, chính công cụ này đang khiến hài Tết trở nên dễ dãi và khó kiểm soát?
Thật ra, sự phát triển của mạng xã hội khiến việc sản xuất phim hài Tết trở nên dễ dãi hơn, tới độ ai cũng có thể làm được hài Tết. Nhưng, chính sự dễ dãi đó lại khiến chất lượng hài Tết ngày càng bão hòa, khập khễnh giữa các sản phẩm. Nhiều sản phẩm hay, chất lượng, được khen, nhưng không đồng nghĩa được xem nhiều. Ngược lại, những sản phẩm bị chỉ trích, gây tranh cãi lại thu hút lượt xem “khủng”.
Nhìn chung, thị hiếu của khán giả đối với các sản phẩm hài Tết trong giai đoạn này quả là một “bài toán” khó đối với người sản xuất. Nếu sản xuất theo kiểu truyền thống, và bài bản, chưa chắc đã được đông đảo khán giả đón nhận. Bởi, nhiều khán giả lớn tuổi rất thích xem, nhưng lại không thạo về công nghệ khiến lượng fan trung thành bị hạn chế. Trong khi đó, lượng khán giả xem hài nhiều nhất qua các kênh mạng chủ yếu là giới trẻ, từ học sinh đến khoảng 30 tuổi. Nhưng, với độ tuổi này, nếu nhà sản xuất cứ cố câu khách bằng yếu tố giật gân, sốc-sexy-sến thì làm mất đi cái gốc định hướng nhân văn.
Thiết nghĩ, mỗi tác phẩm hài phải chứa đựng thông điệp sâu sắc, ý nghĩa. Nhưng,vì lượt view, chạy theo xu thế, bất chấp sa đà vào việc câu khách, thì tự nhiên sẽ mất đi định hướng cốt lõi.
Xuất hiện ít nhưng chất lượng
Việc một nghệ sĩ cùng lúc xuất hiện trong nhiều bộ phim hài Tết không còn xa lạ với khán giả. Nhưng, sự “quen mặt” này đang dần khiến người xem cảm thấy nhàm chán, ngán ngẩm?
Những đơn vị khác thì tôi không biết, nhưng riêng với những sản phẩm hài Tết của Vượng Râu luôn có sự thay đổi liên tục về mặt diễn viên. Thay đổi ở đây không phải vì họ không hợp vai, hay diễn xuất không tốt, mà tôi muốn làm mới sản phẩm của mình. Tôi cũng hạn chế tối đa mời những nghệ sĩ đã quá quen mặt.
Ngay bản thân tôi, thời gian qua cũng từ chối hầu hết các lời mời diễn hài Tết. Bởi, dù hay, dù dở thì khán giả nhìn thấy mình ít vẫn chất lượng hơn. Đôi khi xuất hiện nhiều quá dễ khiến khán giả bị lẫn. Thậm chí, có khi đóng ở những phim rất hay, nhưng khán giả lại nhớ tới vai dở của mình ở phim khác.
Nhưng, không ít người suy nghĩ rằng, nghệ sĩ cũng chỉ có một thời nên phải tranh thủ chớp thời cơ. Bản thân anh thì sao?
Riêng cá nhân tôi lại nghĩ khác! Tôi cho rằng, cuộc chiến về nghệ thuật, tồn tại và tìm được chỗ đứng trong lòng khán giả, không phải là chuyện một sớm một chiều, mà đến khi nào mình không còn đủ sức làm nghề nữa. Vậy nên, hãy để dành cho mình một góc bí mật, bí hiểm riêng.
Thực tế, có một số nghệ sĩ không bao giờ thay đổi được vai diễn của họ. Thậm chí, họ không đủ khả năng để thay đổi từ hóa trang đến diễn xuất, cùng lắm đeo thêm cái răng vẩu cho khác lạ. Đã là nghệ sĩ hài, khi hóa thân vào từng nhân vật, thì phải thay đổi hoàn toàn từ cách diễn đến con người. Chính sự đa sắc ấy mới níu kéo được khán giả, mà không bị nhàm chán. Đơn cử, đóng vai già cũng có rất nhiều dạng: già 40-50 tuổi khác, già 70-80 tuổi khác, hay già thành phố - nông thôn cũng khác nhau, hoặc từ vai già quay sang đóng vai thanh niên. Ở đây, nghệ sĩ làm cho khán giả điên đảo về tư duy, thì mới thấy được sự mới mẻ.
Nói thật, một số anh chị em nghệ sĩ “lười” lắm. Sự “lười” mà tôi muốn nói tới ở đây là không học hỏi, không trau chuốt, không sâu với nghề. Người xưa có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Cứ bước chậm và chắc với một nghề dần dần sẽ có được thành công, còn hơn vội vã thì “nổi cũng nhanh mà chìm cũng chóng”.
Thế nên, là nghệ sĩ, đầu tiên cần biết giữ hình ảnh của mình, kể cả kỹ thuật biểu diễn cũng phải rèn luyện thường xuyên, chứ không thể bỏ bê, chủ quan. Tôi tâm niệm, mình không chỉ học hỏi ở các bậc đàn anh, đàn chị, mà nên học hỏi cả cách diễn của các nghệ sĩ trẻ. Đó cũng là cách để bản thân người nghệ sĩ tôn trọng khán giả. Còn nếu ngủ quên trên chiến thắng, không rèn luyện, học hỏi thì tự đánh mất mình.
Nói thế này thì giờ đây việc lựa chọn diễn viên cho các bộ phim hài có vẻ rất nan giải?
Người làm được duy nhất ở Việt Nam đó chính là thầy tôi – NSND Khải Hưng. Mặc dù ông là đạo diễn phim, nhưng sang làm hài lại rất duyên. Quan điểm của ông rất rõ ràng, vai chính phải là diễn viên hài, còn những diễn viên không chuyên hài có thể vào vai phụ. Điều mà ông cần khi lựa chọn diễn viên là cái duyên. Tất nhiên, kỹ thuật cũng cần, nhưng cái duyên vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Bởi, đó mới là yếu tố quan trọng tạo nên sự mềm mại cho tác phẩm, không bị khiên cưỡng. Thế nên, khi bắt tay thực hiện các sản phẩm hài, tôi cũng theo tôn chỉ đó của thầy Khải Hưng.
Vậy, chắc hẳn đạo diễn Vượng Râu rất kỹ tính trong việc lựa chọn diễn viên cho các sản phẩm hài của mình?
Đầu tiên, tôi vẫn phải lựa chọn một số gương mặt nổi bật. Tất nhiên, trong xu thế này, chuyện bán vé không còn quan trọng, mà vấn đề đặt ra ở đây là phải hợp vai. Nên, khi tôi ngỏ lời, các nghệ sĩ rất thích, dù vai đó dài hay ngắn, nhưng họ được bộc lộ, thể hiện và được khen. Kèm theo đó, phải duyên dáng trong vai diễn. Bên cạnh đó, cũng chọn thêm những gương mặt dù không quá xuất sắc, nhưng họ sẽ làm phong phú màu sắc cho bộ phim hài đó.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!