"Thằng Quềnh" vẫn sống trong lòng khán giả
Nhắc đến nhân vật trong bộ phim về đề tài nông thôn ăn khách "Đất và người", người ta nghĩ ngay đến thằng Quềnh do nghệ sĩ Hán Văn Tình thủ vai. Cái say say, điên điên, nửa khôn nửa dại của nhân vật với câu nói cửa miệng bất hủ "không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại" khiến khán giả khó quên.
Nghệ sĩ Hán Văn Tình .
Hiện tại, người nghệ sĩ này vừa đảm nhận công tác quản lý, là đoàn trưởng một đoàn biểu diễn của nhà hát Tuồng trung ương, lại theo học vào buổi tối ở Học viện Hành chính Quốc gia. Anh kể: "Ở tuổi tôi ai nghĩ đi học cũng ngại bởi việc gia đình, việc cơ quan khá bận và chiếm nhiều thời gian. Nhưng ngược lại, tôi thấy được đi học vỡ ra nhiều thứ, rất thú vị. Nếu chúng ta coi việc học hành là gánh nặng thì cuộc sống sẽ rất tẻ nhạt".
Trở lại câu chuyện về nhân vật Chu Văn Quềnh trong bộ phim "Đất và người", nghệ sĩ Hán Văn Tình không ngần ngại chia sẻ về những buồn vui xung quanh nhân vật này. Trước khi nhận vai diễn, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã cảnh báo anh rằng: "Phim mà thành công, cái tên của ông sẽ bị mất đấy.
Còn biên kịch Phạm Ngọc Tiến thì bảo: "Các vai khác có thể đổi chứ vai này kiểu gì ông cũng phải đóng". Anh cười khoái chí rồi gật đầu lia lịa. Để hoàn thành vai diễn của mình, anh đã tìm mua tiểu thuyết "Mảnh đất lắm thầy nhiều ma" về đọc thật kỹ để hiểu hơn về nhân vật trong tác phẩm. Đúng như đạo diễn phim dự đoán, sau vai diễn này và đặc biệt khi bộ phim lên sóng anh bị đổi tên thật. Mỗi khi gặp anh ở ngoài đời, khán giả chỉ quen gọi anh là Chu Văn Quềnh, có khi cả người thân, họ hàng cũng quen miệng gọi như thế nên quên mất cái tên Hán Văn Tình.
Nghệ sĩ Hán Văn Tình chia sẻ: "Thực ra, từ khi bộ phim lên sóng, tôi ra đường chỉ có niềm vui chứ chưa có điều gì khiến tôi cảm thấy phiền hà. Cái hạnh phúc lớn nhất của người diễn viên đó là ngoài đời được khán giả nhớ tên nhân vật và hết lòng quý mến. Gặp tôi ở bất cứ đâu mọi người đều nhìn bằng ánh mắt thân thiện và vui vẻ, điều đó khiến tôi vui lắm. Làm diễn viên còn điều gì tuyệt vời hơn thế. Nhiều khi đi ăn uống chủ quán nhất định không lấy tiền bảo quý anh Quềnh nên mời".
Những kỷ niệm khó quên đối với Nghệ sĩ Hán Văn Tình kể từ khi hóa thân vào nhân vật Quềnh trong phim "Đất và người" cũng nhiều câu chuyện cảm động và pha chút hài hước. Câu chuyện của môi đôi vợ chồng trẻ, vào một hôm trời đã nhá nhem tối và mưa phùn, họ chạy xe về nhà thật nhanh để kịp giờ xem phim bất ngờ xe bị lao xuống ruộng, bẩn và ướt hết.
Có lần anh đi công tác tại tỉnh Điện Biên, nhiều khán giả nghe tin có "thằng Quềnh" lên đã chờ sẵn chỉ để gặp anh bằng xương bằng thịt. Niềm vui đối với anh càng nhân lên trong các chuyến đi diễn tại các tỉnh xa Thủ đô. Nhiều khán giả chỉ cần nhìn tận mắt cho bằng được ngoài đời anh như thế nào, có khác trên phim nhiều không. Có người yêu mến còn gọi anh lại trách móc: "Chỉ vì cậu mà tớ gãy chân". Hóa ra khán giả ấy vì vội phóng xe về nhà cho kịp gặp Chu Văn Quềnh trong phim "Đất và người" nên đã bị ngã.
Có thể nói kể từ khi thằng Quềnh bước lên phim, nghệ sĩ Hán Văn Tình mỗi khi ra khỏi nhà cũng phải để ý nhiều hơn đến cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói để không mất hình ảnh trong lòng khán giả. "Kể từ khi là người của công chúng, mỗi khi ra đường mình cũng phải để ý đến ăn mặc, lời nói, sao cho tươm tất một chút. Trước đó thì tôi thoải mái lắm, chẳng ai để ý cả", anh cười và chia sẻ.
Ngoài ra anh cũng vui mừng bởi sau khi bộ phim được công chiếu, tiểu thuyết "Mảnh đất lắm thầy nhiều ma" đã được tái bản và có lời bình ở phần cuối tiểu thuyết có nhắc đến tiểu thuyết đã được đài truyền hình Việt Nam dựng thành phim "Đất và người". Trong đó có nhắc đến nhân vật Quềnh do anh đóng và việc chọn nhân vật này rất hay và chính xác, khó có ai thay thế được. Không ai khác phải là Hán Văn Tình đóng Chu Văn Quềnh mới hay.
Tuồng đã ngấm vào máu nghệ sĩ Hán Văn Tình.
Tuồng - một phần không thể thiếu
Giống như bao nghệ sĩ khác, Hán Văn Tình cũng phải "chạy sô" để có thêm thu nhập, bởi đồng lương ít ỏi tại nhà hát Tuồng Trung ương - nơi anh công tác khó mà nuôi được gia đình. Dù tham gia đóng phim hay diễn hài thì với nghệ sĩ Hán Văn Tình, tuồng vẫn là máu thịt của anh.
Sinh ra tại "mảnh đất cười" Văn Lang, Phú Thọ, ngay từ nhỏ máu nghệ sĩ như đã ngấm vào Hán Văn Tình. Vừa học xong lớp 7, tình cờ một lần cậu bé Tình nộp đơn thi vào trường sân khấu Việt Nam. Ngoại hình khiêm tốn của Hán Văn Tình khiến ban giám khảo lúc đấy là NSND Quang Tốn và Bạch Trà lưỡng lự định đánh trượt, nhưng nhận thấy năng khiếu của một diễn viên cá tính nên đã bảo lãnh để anh vào học. Kể từ đó anh đaã̈ "bén duyên" và dấn thân với nghệ thuật tuồng, dù thời đó và ngay cả bây giờ nhiều người vẫn "chê" và không mấy mặn mà với tuồng.
Nghệ sĩ Hán Văn Tình chia sẻ: "Tôi rất tâm đắc câu nói của thầy, NSND Lê Tiến Thọ đã ví những diễn viên tuồng như "con sáo đã chót ăn mặn". Nghĩa là ai đã dính vào tuồng, yêu tuồng thì khó mà bỏ được. Bạn thấy đấy, những diễn viên tuồng đã có ai chịu bỏ nghề đâu. Có thể nói, tình yêu tuồng là tình yêu đặc biệt. Với các ngành nghệ thuật khác như điện ảnh chiều thứ bảy, ca sĩ, người mẫu, sự nổi tiếng không quá khó khăn, nhưng đối với nghệ thuật truyền thống thì không phải dễ, điều đó cũng có nghĩa là "không tiếng thì không miếng".
"Làm nghệ thuật truyền thống chỉ có tiếng trong nghề, được đồng nghiệp biết đến, còn tiếng tăm lẫy lừng thì chắc chẳng mơ tới. Để trở về cái thời điểm như NSND Đàm Liên là thực sự khó và cũng không phải ai làm tuồng cũng được biết đến rộng rãi. Sự tỏa sáng và được biết đến trong lĩnh vực này cần có thời điểm và may mắn nữa", nghệ sĩ Hán Văn Tình chia sẻ.
Thiên Vũ