“Sống chung với lũ”
Nhạc sĩ Huy Tuấn là người tiên phong trong phong trào "Nghe có ý thức - Nói không với nghe và tải nhạc miễn phí". Mấy ngày gần đây, anh cũng là người tiên phong trong việc viết tâm thư kêu cứu giới truyền thông về việc bị xâm phạm bản quyền âm nhạc.
Hết lần này đến lần khác, nhạc sĩ Huy Tuấn kêu gọi sự hợp tác của các trang mạng và người nghe để "cảnh tỉnh về vấn nạn xâm phạm bản quyền âm nhạc". Nhưng kết quả vẫn ở vạch xuất phát, khi mới đây, một sản phẩm âm nhạc mới của ca sĩ Văn Mai Hương do chính anh sản xuất lại bị "tung" lên mạng trước ngày phát hành.
Chuyện là ngày 23/7 vừa qua, ca sĩ Văn Mai Hương tổ chức họp báo để giới thiệu album có tên "Mười tám +", một album do nhạc sĩ Huy Tuấn sản xuất. Album đầy hứa hẹn khi cô khẳng định: "Đây không phải là sự thay đổi hay lột xác, mà là quá trình phát triển của sự trưởng thành. Với "Mười tám +", tôi nghĩ mình đã đủ độ chín để thể hiện những ca khúc sâu sắc, những giai điệu nồng nàn và cần nhiều cảm xúc cũng như kỹ thuật. Tôi muốn hướng đến hình ảnh "hot lady" quyến rũ nhưng tươi mới và sẵn sàng bước chân vào cuộc đời".
Nhưng chỉ một ngày sau, album này đã được đăng tải đầy rẫy trên các diễn đàn âm nhạc. Nghĩa là album "Mười tám +" đã bị phát tán trước khi nghệ sĩ bán đĩa và thậm chí, trước cả khi có giấy phép của cơ quan chức năng. Công sức cả một ê-kip coi như "muối bỏ bể" khi đĩa chưa bán được thì khán giả đã được nghe "chùa". Tình trạng này xảy ra thường xuyên đến nỗi các nghệ sĩ chỉ biết "sống chung với lũ". Gần đây, quán quân Việt Nam idol Uyên Linh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Album "Giấc mơ tôi" của cô do nhạc sĩ Quốc Trung biên tập và sản xuất cũng bị phát tán mà không được sự đồng ý của cô.
Ca sĩ Văn Mai Hương và nhạc sĩ Huy Tuấn
Hiện tượng "dùng đồ chùa" đã trở thành thói quen của khán giả và dần dần, nó trở thành "chuyện bình thường ở huyện". Một khán giả đã khẳng khái nêu ý kiến: "Muốn kiếm tiền thì đi show, còn chuyện bản quyền ở Việt Nam là quá xa vời! Khi mà cuộc sống nhiều người còn đang khó khăn, kiếm tiền mua từng bó rau miếng thịt thì việc bỏ ra 1.000 đồng cho một bài hát là chuyện quá xa xỉ chưa nói đến vài chục nghìn cho một CD chất lượng!". Có lẽ vị khán giả này nghĩ rằng, chỉ người nghe mới cần phải mua rau và thịt, nghệ sĩ thì không!
Tức nước vỡ bờ
Một ngày sau khi album "Mười tám +" của Văn Mai Hương bị phát tán không phép, việc làm mà nhạc sĩ Huy Tuấn gọi là "ăn cắp", anh đã gửi tâm thư đến báo giới để kêu cứu. Trong "tâm thư", anh viết: "Đây là một sự vi phạm bản quyền trắng trợn, cho thấy một thói quen tiêu dùng thiếu văn hoá và thiếu sự tôn trọng sáng tạo của các nghệ sỹ. Giới sáng tạo vốn đã rất nản chí và bức xúc với vấn nạn này từ lâu, dẫn đến việc họ không dám đưa những sản phẩm, album âm nhạc đầy đủ của mình tới công chúng. Thay vào đó là những bài hát riêng lẻ phát hành tự do trên mạng, không cần đoái hoài đến việc mình có thu lại được gì. Một hành động như là một sự tuyệt vọng, "sống chung với lũ", rất có hại cho sự phát triển chung của thị trường âm nhạc và cho chính sự thưởng thức của khán thính giả".
Nam nhạc sĩ bày tỏ sự bức xúc của mình và tuyên bố cứng rắn: "Từ hôm nay, bất cứ một đường link chia sẻ bất hợp pháp nào trên mạng về các bài hát trong album "Mười tám +" của ca sĩ Văn Mai Hương đều là bất hợp pháp và vi phạm luật Sở hữu trí tuệ. Bởi album này chúng tôi sẽ chỉ hợp tác và phân phối với những nhà mạng có ý thức phát hành qua việc nghe và download có bản quyền".
Anh cũng cho biết, anh cùng ê-kíp của mình đang chuẩn bị các tài liệu pháp lý để khởi kiện các trang mạng, nếu những trang này không dừng hành vi vi phạm bản quyền.
Việc khán giả ủng hộ nghệ sĩ bằng cách đón nhận các sản phẩm âm nhạc là một điều đáng quý, nhưng chỉ quý thôi có lẽ chưa đủ. Ca sĩ Mỹ Linh tỏ ra buồn rầu khi chia sẻ: "Thế này lại cứ bảo sao ca sĩ không ra album, làm được cái album bao nhiêu tâm huyết, chưa kể phải bỏ tiền túi cả vài trăm triệu đồng, thế mà chả thu lại được xu nào".
Có rất ít nghệ sĩ bán được đĩa sau khi album đã bị "tung" lên mạng. Nguyễn Thùy Hương, chuyên viên công ty Istart cho biết: "Một phần cũng do ảnh hưởng của người nghệ sĩ đối với công chúng. Như album vừa rồi của Lê Cát Trọng Lý dù đã được lan truyền rộng rãi trên Internet cũng như diễn trên sân khấu, nhưng cũng bán được khoảng 20.000 bản. Cái quan trọng ở đây là chính người nghệ sĩ đã cho người hâm mộ thấy rằng, việc mua đĩa gốc có ý nghĩa như thế nào.
Và, việc sử dụng đĩa gốc được cấp phép đã đem lại một giá trị về văn hóa ra sao đối với người dùng. Bây giờ, những người nghe nhạc chân chính, ví dụ như fan của Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Phú Quang cho đến các nhóm Kpop, đều đã cố mua đĩa gốc để dùng, điều đó thể hiện một sự nghiêm túc và chín chắn trong thưởng thức và tình cảm đối với người nghệ sĩ. Còn về việc của Văn Mai Hương, cô ấy vẫn còn là một nghệ sĩ rất trẻ, với chặng đường nghệ thuật dường như chỉ mới bắt đầu, bảo khán giả phải tôn trọng như đối với những nghệ sĩ lâu năm là rất khó. Phải làm sao để người ta cảm thấy nhạc của cô ấy không phải nhạc thị trường thì người ta mới bỏ tiền ra mua được. Cái văn hóa “xài đồ chùa” của người Việt mình không phải cứ lên báo than thở là bỏ được đâu".
Hành vi xâm phạm quyền tác giả Trao đổi với PV Người Đưa Tin, luật sư Lê Quang Vinh (giám đốc bộ phận Sở hữu trí tuệ, công ty luật hợp danh BROSS và cộng sự) cho biết: "Việt Nam đã tham gia vào Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, ở đó đã có những tiêu chuẩn rất rõ về nghĩa vụ bảo hộ quyền về nhân thân và quyền tài sản. Quyền tài sản, hiểu đơn giản là những thu nhập chủ sở hữu được hưởng từ tác phẩm của mình. Trong trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu của tác phẩm thì tác giả vừa có quyền nhân thân vừa có quyền tài sản, nghĩa là có toàn quyền trên tác phẩm của mình. Nếu người khác sử dụng tác phẩm mà không được sự đồng ý của tác giả thì mọi lợi ích vật chất thu được từ tác phẩm đều bị coi là bất hợp pháp". Điều 28 đã quy định rất rõ về hành vi xâm phạm như sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu, không trả thù lao và quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu tương ứng với Điều 28.10 của luật Sở hữu trí tuệ. Điều này quy định hành vi nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được sự cho phép của chủ sở hữu thì bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả. |
Thanh Xuân