Video: Thái Phiên cho rằng các phiên đá có duyên với ảnh nude của mình
Thưa ông! Sau triển lãm ảnh khỏa thân nghệ thuật “Miền cổ tích” đầu tiên tại Sài Gòn, ông trở lại với triển lãm “Hồn đá” và mong muốn mang đến điều gì cho khán giả?
Mỗi tác phẩm trong 102 tác phẩm của Hồn đá là một tác phẩm thủ công nghệ thuật độc bản. Có những tác phẩm từng xuất hiện trong 2 cuốn sách ảnh khỏa thân nghệ thuật trước đó, như: Xuân thì, Trái cấm, Trăng non, Phiêu bồng…, nhưng cũng có những tác phẩm mới lần đầu tiên được công bố, như: Tinh khôi, Tự do, Biển gọi, Rừng chiều, Thảo nguyên…
Đặc biệt hơn, nhờ hình thức thể hiện trên chất liệu đá đen độc đáo mà ngôn ngữ của nhiếp ảnh nghệ thuật vốn đã được khai thác triệt để nay lại tinh tế, đặc sắc hơn.
102 tác phẩm mang ý nghĩa là có một - không - hai. Đó là những viên đá mang nét riêng, không viên nào giống viên nào. Bên cạnh đó, cũng hàm chứa một ý thiếu khiêm tốn, đó là cuộc triển lãm “vô tiền khoáng hậu”: ảnh phụ nữ in trên đá.
Tại sao lại kết hợp ảnh khỏa thân nghệ thuật và đá mà không phải là chất liệu nào khác, thưa ông?
Một người bạn đến nhà tôi chơi, thấy bức ảnh khỏa thân đẹp nên mang rượu đến đổi ảnh. Thời gian sau, tôi đến nhà bạn và thấy bức ảnh treo trong phòng khách. Tôi ra về và trăn trở rất nhiều. Tâm lý chung, mọi người đều nghĩ treo ảnh khỏa thân nghệ thuật trong phòng tắm cho tế nhị.
Sau đó, tôi quyết tâm giới thiệu thể loại ảnh khỏa thân bằng các hình thức khác nhau: in lịch, in sách và tổ chức triển lãm ảnh. Và bây giờ, tôi kết hợp ảnh khỏa thân nghệ thuật với đá. Đây cũng là một trong những hoạt động thuộc dự án Đưa ảnh khỏa thân nghệ thuật từ phòng ngủ ra phòng khách mà tôi đã dành gần nửa đời người để thực hiện.
Tôi muốn các thiên thần của tôi phải rạng rỡ ở nơi ai cũng có thể thấy. Tôi tin rằng, ảnh khỏa thân in trên đá sẽ được đặt trang trọng ở trên kệ, bàn làm việc, phòng khách…
Những đường nét mềm mại, uyển chuyển trên cơ thể người phụ nữ tương phản với sự xù xì, cứng nhắc, sần sùi của cục đá. Tôi coi việc kết hợp, hòa quyện nhuần nhuyễn 2 điều tưởng chừng như trái ngược này với nhau là sự thử thách.
Cá nhân tôi nghĩ rằng tôi đã hoàn thành thử thách thành công và tôi thấy sướng rồi. Nhưng thành công hay không là do công chúng đánh giá, con mắt của công chúng mới khách quan và chuẩn xác.
Từ hàng ngàn năm trước, tổ tiên loài người đã biết sử dụng đá để chữa các loại bệnh, họ tin rằng các viên đá ẩn chứa một năng lượng siêu nhiên, có khả năng truyền năng lượng tích cực cho cơ thể.
Chính vì thế, việc kết hợp giữa ảnh phụ nữ và đá còn mang thông điệp: Hãy tôn vinh và lưu giữ vẻ cơ thể thuần khiết được tạo hóa ban cho người phụ nữ trường tồn theo thời gian.
Ông cùng đội ngũ Nét Bút mất thời gian bao lâu để hoàn thành các tác phẩm?
Từ lúc ngồi lại với nhau đến hôm nay, chúng tôi mất 4 tháng để theo đuổi và hoàn thành các tác phẩm. Chúng tôi phải tìm kiếm, lựa chọn những viên đá có hình thù vô định hình từ tận các khe suối ở Lâm Đồng, Phú Yên… Từ hàng ngàn, hàng trăm viên đá trong tự nhiên, chúng tôi đã đi tìm và may mắn gặp được những viên đá có duyên với những bức ảnh; có những viên chiều cao đến 0,9m và trọng lượng từ 5-70kg/viên.
Sau đó, tùy theo từng thế/dáng đa dạng của đá để thiết kế phù hợp nhất với từng bức ảnh một. Nét nổi bật của những “bức ảnh đá” này là giữ lại được sự thô mộc của chất liệu, đồng thời kết hợp với kỹ thuật phức tạp để thể hiện trọn vẹn những bức ảnh lên bề mặt lồi lõm của đá.
Chúng tôi thấy, trên các tác phẩm có giá bán. Ông có thể chia sẻ thêm về mức giá của các tác phẩm?
Nghệ thuật thì không có giá, vô giá. Chúng tôi cũng rất trăn trở về mức giá và quyết định để mức tượng trưng đủ để trang trải chi phí. Tôi chỉ cố gắng quảng bá, đưa hình ảnh ảnh khỏa thân nghệ thuật đến gần với công chúng hơn cũng như lưu giữ hình ảnh đẹp của những người phụ nữ theo thời gian chứ không đặt nặng vấn đề kinh doanh.
Nếu muốn kinh doanh, tôi đã không lựa chọn nghệ thuật. Bạn có thể khảo sát giá của các viên đá chưa in ảnh như thế này ngoài thị trường, chắc chắn sẽ có giá cao gấp đôi so với các tác phẩm mà chúng tôi trưng bày tại triển lãm.
Thưa ông, vẻ đẹp của người phụ nữ cũng rất đa dạng ở độ tuổi, ngoại hình nhưng các tác phẩm của ông chỉ mới khắc họa những hình thể có thể nói là trẻ và đẹp. Vậy ông có tính thách thức mình trong những bộ ảnh mới?
Hoa khi héo úa vẫn có nét đẹp riêng. Bạn có thể thích chụp hoa héo, còn tôi thì thích chụp hoa nụ. Cũng có nhiều người hỏi tôi tại sao không chụp ảnh khỏa thân nam. Tôi chỉ muốn chọn cho mình một phần nhỏ trong mênh mông rộng lớn.
Video: Lạ mắt với ảnh Nude trên đá của Thái Phiên
Thời gian vừa qua, có rất nhiều người chụp ảnh khỏa thân, thậm chí cho rằng khỏa thân để bảo vệ môi trường. Theo ông, đâu là ranh giới giữa nghệ thuật và phản cảm?
Sẽ có những người xem mơ hồ không phân định được đâu là nghệ thuật bởi nhiếp ảnh khỏa thân là một thứ ngôn ngữ mà không phải ai cũng có thể cảm nhận được. Phải có một cái nhìn thẩm mĩ, tâm huyết, đam mê và có hiểu biết về ảnh khỏa thân nghệ thuật mới dám dấn thân vào thể loại này. Tôi chỉ muốn nói là hãy trồng hoa nhiều vào, cỏ dại sẽ từ từ bị lấn át đi, hãy đưa nghệ thuật chân chính đối trọng lại với phi nghệ thuật.
Vâng! Cảm ơn ông!
Thái Phiên sinh năm 1960 tại Huế. Ông bắt đầu chụp ảnh nghệ thuật từ năm 1992, khi còn là một kỹ sư nông lâm. NSNA Thái Phiên là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, đã được phong tước hiệu Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đặc biệt Xuất sắc E.VAPA/G. Ông cũng là hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế, đã được phong tước hiệu Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Xuất sắc E.FIAP. Ông đã đoạt 52 giải thưởng trong nước và quốc tế, ngoài ra còn có trên 300 tác phẩm khác được chọn triển lãm tại hơn 60 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.