Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Trần Tuấn nguyên là phóng viên Ban Ảnh - Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Ông được phân công làm phóng viên ảnh chuyên trách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1976.
Trong cuộc gặp gỡ với Người Đưa Tin nhân dịp Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, chia sẻ về quãng đời làm báo của mình, ông Tuấn không khỏi bồi hồi khi nhắc đến khoảng thời gian làm nhiệm vụ bên cạnh Đại tướng.
“Kho báu” quý giá trong cuộc đời làm báo
Người Đưa Tin (NĐT): Trải qua 35 năm gắn bó, ghi lại hàng vạn bức ảnh trong công việc và sinh hoạt, giao tiếp đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cơ duyên nào để ông có được vinh dự này?
NSNA Trần Tuấn: Tôi trở thành phóng viên TTXVN từ năm 1968. Đến năm 1973, tôi được cử sang Ban Thống nhất Trung ương và được điều động vào chiến trường Bình Trị Thiên làm phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng. Sau khi đất nước thống nhất, tôi được phân công xây dựng Phân xã TTXVN tại Huế.
Năm 1976, tôi được điều động đi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến đi thăm các tỉnh miền Nam sau giải phóng. Sau này, khi trở về Hà Nội, tôi được phân công trở thành phóng viên ảnh của TTXVN chuyên chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong những ngày đầu nhận nhiệm vụ chụp ảnh Đại tướng, tôi vừa mừng lại vừa lo. Tôi thấy vui, thấy bản thân may mắn khi được tham gia cùng chuyến công tác và chụp ảnh Đại tướng, người mà trước giờ tôi luôn kính trọng. Nhưng cũng không khỏi hồi hộp bởi không biết mình có hoàn thành tốt nhiệm vụ chụp ảnh vị tướng huyền thoại của dân tộc hay không. Dẫu vậy, cho đến giờ, tôi vẫn thấy nuối tiếc vì được gặp Đại tướng hơi muộn.
NĐT: Trong suốt khoảng thời gian dài được đồng hành, làm việc với một nhân cách lớn, người anh hùng của dân tộc, ông đã học được gì từ Đại tướng?
NSNA Trần Tuấn: Hơn 3 thập kỷ theo chân Đại tướng, tôi không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu con đường, đặt chân đến bao nhiêu địa danh. Cũng không thể nhớ hết được bản thân đã dùng bao nhiêu cuộn phim, thay bao nhiêu chiếc máy ảnh, chụp bao nhiêu bức ảnh của Đại tướng.
Thế nhưng, một trong những điều tôi học hỏi, đúc rút nhiều từ Đại tướng cũng lại là kỹ năng nhiếp ảnh. Đại tướng rất mê chụp ảnh và cũng rất am tường về ảnh. Nhiều tác phẩm tôi chụp đã được ông góp ý cả về ánh sáng, bố cục thậm chí là tinh thần trong bức ảnh.
NĐT: Trong quá trình chụp ảnh cho Đại tướng, chắc hẳn ông cũng tự đúc kết cho mình những kinh nghiệm riêng để có thể truyền tải được hết tinh thần của nhân vật trong ảnh và câu chuyện đằng sau nữa đúng không thưa ông?
NSNA Trần Tuấn: Đối với tôi, lựa chọn thời điểm bấm máy và bố cục bức ảnh là 2 điều rất quan trọng. Để có cho mình góc nhìn mới mà vẫn truyền tải được hết tinh thần, ý nghĩa của một bức ảnh, mỗi khi muốn ghi lại khoảnh khắc nào, tôi luôn phải suy nghĩ từ trước xem mình sẽ chụp bức ảnh đó thế nào.
Tiền cảnh thế nào, hậu cảnh ra sao, làm thế nào để khắc hoạ hình ảnh Đại tướng một cách rõ ràng nhất, từ trang phục, cử chỉ, nét mặt đến cách giao tiếp với đồng chí đồng bào… Mỗi khoảnh khắc đã qua đi rồi sẽ không lấy lại được. Chính vì vậy, quan trọng nhất vẫn là tư duy nhiếp ảnh nhanh nhạy, cần biết nắm bắt thời điểm.
35 năm theo chân Đại tướng, có thể nói, “kho báu” quý giá nhất đối với tôi không gì khác ngoài những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc từ công việc đến đời thường, khắc họa chân dung của Đại tướng, người anh hùng dân tộc đã khắc sâu vào lịch sử Việt Nam.
Sự giản dị làm nên điều vĩ đại
NĐT: Được biết, ông đã từng tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “101 khoảnh khắc về vị tướng huyền thoại”. Đâu là động lực để ông tổ chức cuộc triển lãm trên?
NSNA Trần Tuấn: Tôi đã từng ngỏ ý với Đại tướng rất nhiều lần về việc tổ chức triển lãm nhưng chưa được đồng ý. Chỉ đến khi ông tròn 101 tuổi, tôi mới nhận được một cái mỉm cười thay cho lời chấp nhận từ ông.
Và thế là, tôi quyết định chọn 101 bức ảnh đời thường của Đại tướng làm triển lãm để thông qua đó tỏ lòng thành cũng là mừng Đại tướng 101 tuổi.
Tính đến ngày hôm nay, tôi đã 6 cuộc triển lãm ở 5 tỉnh thành: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Bình, Điện Biên. Để tổ chức triển lãm, tôi đã thuê 1 toa tàu hỏa từ Hà Nội vào Tp.Hồ Chí Minh, sau đó lại chở cuộc triển lãm ra Tp.Đà Nẵng, về quê hương Quảng Bình của Đại tướng rồi lại về Hà Nội, chuyển qua ô tô lớn lên Điện Biên.
Bản thân tôi luôn mong muốn được đưa hình ảnh của Đại tướng, người anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam đến với đông đảo mọi người.
NĐT: Thời gian trước, ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho cụm 8 tác phẩm “Sự giản dị của Đại tướng”. Xin ông chia sẻ những cảm xúc của bản thân khi nhận được giải thưởng danh giá này?
NSNA Trần Tuấn: Trước tiên, tôi cảm thấy vinh dự khi nhận được giải thưởng này. Có thể nói, đây là một sự đánh giá rất lớn lao từ phía Nhà nước đối với công việc mà tôi đã làm. Cho đến thời hiện tại, tôi vẫn cảm thấy rất trân trọng, xúc động khi nhận được giải thưởng này bởi những thành quả, công sức của tôi đã được công nhận.
Giải thưởng giống như “cái kết đẹp” cho sự nghiệp, cho quãng hành trình được làm nhiệm vụ bên Đại tướng của tôi. và trong suốt quãng hành trình ấy, bản thân tôi chỉ có một tâm niệm duy nhất. Đó là có thể lưu giữ lại những hình ảnh Đại tướng một cách chân thực, gần gũi và sống động nhất.
NĐT: Lí do ông chọn những bức ảnh về cuộc sống đời thường, giản dị của Đại tướng giữa muôn vàn những bức ảnh khác để xét giải thưởng về văn học nghệ thuật là gì thưa ông?
NSNA Trần Tuấn: Trong suy nghĩ của tôi, sự giản dị làm nên điều vĩ đại. Một con người càng thể hiện mình giản dị thì lại càng cho thấy sự vĩ đại ở họ. Trong suốt cuộc đời mình, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân luôn rất lớn lao, một nhân cách lớn được mọi người tôn trọng.
Còn đối với tôi, những ngày tháng rong ruổi theo chân Đại tướng, điều mà tôi mắt thấy tai nghe, cảm nhận nhiều nhất là sự giản dị của Người. Những điều lớn lao ở Đại tướng thì mọi người đã biết nhiều rồi. Vì vậy, tôi muốn đưa ra những hình ảnh gần gũi, đời thường của Đại tướng.
NĐT: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!.