Khổ tận cam lai
Gặp nghệ sĩ Phú Đôn, chúng tôi ngã ngửa bởi anh khác với sự hình dung lâu nay... Vẫn ngoại hình nhỏ nhắn, khuôn mặt gầy có phần khắc khổ... giống trên màn ảnh nhưng cách nói chuyện chậm rãi với những chiêm nghiệm sâu sắc khác xa vẻ tưng tửng, hài hước, dí dỏm.
Anh chậm rãi kể cho chúng tôi nghe cái duyên đến với nghiệp diễn từ khi còn là đứa trẻ 6 tuổi: “Chuyện đã từ lâu rồi, đó là vào năm 1966, khi nhà hát dựng vở kịch cần vai trẻ con. Tôi được bố - NSƯT Lại Phú Cương - là một trong những người sáng lập và đi đầu của nhà hát Kịch Việt Nam cho tham gia. Vở đó có tên Búp trên cành dựa trên tứ thơ của Bác Hồ: Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan. Tôi được phân vai trẻ con đúng lứa tuổi của mình, trong vở còn có chú Đoàn Dũng, cô Kim Thư, cô Tú Mai... họ đều là thế hệ vàng đầu tiên của nhà hát Kịch Việt Nam”.
Sau vai diễn đầu tiên đó, anh quay lại trường học và không có thêm bất cứ hoạt động nào gắn với sân khấu. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Phú Đôn thi đậu ngành khác nhưng vô tình biết tin nhà hát Kịch tuyển sinh lớp đào tạo diễn viên trẻ và quyết định thử sức. Quyết định ấy đã đưa Phú Đôn đến với nghiệp diễn và gắn bó suốt 42 năm qua.
“42 năm theo nghề là một hành trình rất dài, Trong 42 năm đó, xã hội cũng trải qua rất nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn lại ảnh hưởng tới sân khấu theo cách khác. Quãng thời gian gắn bó với nghề của tôi cũng trải qua 5, 6 giai đoạn khác nhau, giai đoạn nào cũng đều có cái khó riêng. Bản thân tôi có những lúc nản, làm việc không có hiệu quả, sân khấu bị chìm. Cuộc sống thảnh thơi người ta mới nghĩ đến với sân khấu. Người ta không đến sân khấu chẳng vì ghét bỏ gì đâu. Cuộc sống của nghệ sĩ chưa bao giờ dễ dàng, tôi cũng vậy thôi. Nhưng, tôi cứ cố bám trụ với ánh đèn sân khấu bởi trót yêu, trót đắm đuối rồi và tự nhủ rằng khổ tận cam lai”, nghệ sĩ Phú Đôn chia sẻ với PV ĐS&PL.
Để bám trụ, ngoài diễn xuất, nghệ sĩ Phú Đôn nhận làm tổ chức sản xuất, phó đạo diễn, trợ lý đoàn phim, lồng tiếng, thu âm... Anh chẳng nề hà việc gì. Tiền công có khi chỉ vài chục nghìn đồng, anh cũng nhận. “Khó khăn rồi cũng dần dần vượt qua, yêu nghề, toàn tâm toàn ý với nghề thì khán giả cũng sẽ không phụ lòng người nghệ sĩ”, nghệ sĩ Phú Đôn tâm sự.
“Đóng đinh” vào… không rút ra được
“Vì tôi có ngoại hình nhìn đã vất vả, khổ cực nên các nhà đạo diễn, sản xuất chọn mình vào cái vai mà không ai có thể thay thế được. Đó là cách làm nhanh nhất và an toàn cho họ. Còn với tôi, một người nghệ sĩ được đào tạo chuyên nghiệp thì đều vào được tất cả các vai”, nghệ sĩ chia sẻ. Vì vậy, nghệ sĩ Phú Đôn cố gắng thoát lối mòn bằng cách lựa chọn nhân vật có cá tính độc đáo, số phận đặc biệt. Anh từng khiến khán giả ấn tượng khi hóa thân vào vai phản diện - trùm ma túy trong phim Ma rừng do điện ảnh Công an Nhân dân sản xuất.
Khi chúng tôi hỏi nghệ sĩ Phú Đôn rằng, vai diễn nào để lại trong anh sự ấn tượng hay ám ảnh nhất. Anh cười bảo: “Cho đến bây giờ, vai nào cũng nhớ, vai nào cũng ấn tượng. Bởi mỗi vai có một cách tiếp cận cũng như có một khoảng thời gian để sống với vai đó. Tuy nhiên, tôi không có vai ấn tượng nhất. Bởi, khi xem lại, tôi đều thấy mình diễn chưa thực sự ổn. Nghệ thuật không có quy chuẩn. Ấn tượng được gì, đóng đinh vào đó rồi thì không rút ra được”.
Đóng nhiều phim, được đông đảo khán giả yêu mến nhưng trong sâu thẳm nghệ sĩ Phú Đôn vẫn đau đáu cùng sân khấu. Anh kỹ lưỡng trong từng chi tiết. Điều đó thấy được qua mỗi đêm diễn, đóng vai Thình trong Bệnh sĩ gần 300 suất trên khắp sân khấu lớn nhỏ, đêm nào diễn xong, Phú Đôn và các đồng nghiệp luôn trao đổi, chỉnh sửa cho nhau thêm. Có lẽ, yêu nghề và làm nghề với tâm thế cống hiến hết mình nên nghệ sĩ Phú Đôn không chạnh lòng khi nhiều bạn diễn cùng thời đã có trong tay danh hiệu NSND còn trước khi về hưu một năm mới được phong NSƯT. “Tôi chưa khi nào suy nghĩ quá nặng nề về chuyện đạt thành tích này, danh hiệu kia. Tôi quan niệm, điều quan trọng nhất với người nghệ sĩ không phải là danh hiệu mà là những vai diễn ghi dấu ấn, là sự yêu quý của khán giả, là sự tôn trọng của những người cùng nghề”, nghệ sĩ Phú Đôn tâm sự.