Tại phiên thảo luận góp ý về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) nhấn mạnh, tình trạng một số nghệ sĩ Việt Nam quảng cáo thuốc, mỹ phẩm sai sự thật đã được báo chí lên án nhưng chế tài đối với các vấn đề này vẫn chưa được xây dựng đầy đủ.
Vị đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lần này cần quy định hành vi chuyển tải các quảng cáo sai sự thật là một trong các hành vi cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quảng cáo, cho phép quảng cáo đối với các sản phẩm này đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Lỗi lớn từ nghệ sĩ
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, việc quảng cáo thuốc kém chất lượng, thuốc giả nguy hiểm ở chỗ, thay vì người bị bệnh nên đến gặp bác sĩ để có thể khám bệnh tốt nhất, đơn thuốc phù hợp nhất với tình trạng bệnh của mình, thì họ lại tự điều trị theo lời khuyên của quảng cáo.
Theo ông Sơn, hầu như tất cả các quốc gia đều cấm quảng cáo thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong bối cảnh phát triển của mạng xã hội như hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã lách luật bằng cách quảng cáo trên phương tiện này.
"Điều này càng nguy hại hơn khi họ sử dụng nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo những mặt hàng chất lượng kém, hàng giả như vậy. Vì công chúng yêu mến nghệ sĩ, họ sẵn sàng nghe theo lời khuyên của nghệ sĩ để mua thuốc, càng khiến cho hậu quả của việc quảng cáo thuốc trở nên trầm trọng hơn", ông Sơn nhìn nhận.
Theo ông Sơn, nghệ sĩ có thể có nhiều lý do để tham gia quảng cáo. Có thể đó là những lý do khách quan khi họ tin tưởng vào việc các mặt hàng quảng cáo đó thực sự có chất lượng. Họ chỉ làm việc của mình là diễn cho đạt yêu cầu của doanh nghiệp quảng cáo.
Cũng có thể có lý do chủ quan vì họ không biết rõ tác hại của các sản phẩm quảng cáo. Hơn thế, cuộc sống mưu sinh không phải lúc nào cũng thuận lợi đối với các nghệ sĩ. Họ cũng cần có thu nhập để có thể sống, yên tâm với nghề.
"Tuy nhiên, dù bất kỳ lý do gì, khi quảng cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền bạc và đặc biệt là niềm tin của công chúng, phần lỗi vẫn thuộc về nghệ sĩ. Vì thế, chắc chắn chúng ta vẫn phải thực hiện những chế tài xử phạt để tạo ra những bài học đối với các nghệ sĩ.
Hình thức xin lỗi chỉ thể hiện sự thành khẩn, hối lỗi của nghệ sĩ, không thay thế được ảnh hưởng tiêu cực đối với người bệnh – vốn đã bỏ ra nhiều tiền của và ảnh hưởng cả sức khỏe vì đã tin vào những quảng cáo không đúng đó", ông Sơn nhấn mạnh.
Còn nhớ, vào tháng 12/2021, Bộ VH-TT&DL đã ban hành quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, trong đó có quy định tham gia hoạt động quảng cáo phải trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hoá đúng quy định của pháp luật. Song, vẫn có một số nghệ sĩ vi phạm quy tắc này.
Ông Sơn cho rằng, bộ quy tắc ứng xử không mang tính ràng buộc, không có chế tài nên tác động chỉ dừng ở mức độ nhất định. Cũng có thể, bộ quy tắc ứng xử được ban hành nhưng chưa đến được với các nghệ sĩ do hoạt động truyền thông về vấn đề này chưa thực sự hiệu quả.
Để có thể đồng bộ, bên cạnh việc có bộ quy tắc ứng xử, ông Sơn cho rằng cần có thêm nhiều công cụ, từ luật pháp, đến áp lực của dư luận xã hội và đặc biệt là tuyên truyền nâng cao nhận thức để từu đó chúng ta có hành vi phù hợp hơn, tạo điều kiện hình thành môt môi trường lành mạnh, có sức đề kháng đối với các quảng cáo sai lệch, không chỉ đối với thuốc mà còn với tấc cả các sản phẩm khác.
Quá tin tưởng vào doanh nghiệp
Nói với Người Đưa Tin, nghệ sĩ Quang Tèo cho hay, khi nhận lời quảng quảng cho bất kỳ thương hiệu nào, anh cũng rất cẩn thận xem xét các giấy tờ liên quan.
"Khi nhận lời tham gia quảng cáo, tôi có yêu cầu bên nhãn hàng cho xem giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm và giáy phép quảng cáo. Tuy nhiên, nghệ sĩ là người làm nghệ thuật, chúng tôi không có chuyên môn về việc kiểm định các sản phẩm đó, cũng do quá tin tưởng vào doanh nghiệp nên cũng có những lúc nói tốt cho sản phẩm, nói quá lên khiến nhiều người không hài lòng", Quang Tèo thành thật.
Theo nghệ sĩ Quang Tèo, sau những phản ứng của người tiêu dùng, anh đã tiết chế và hạn chế quảng cáo những sản phẩm như vậy. Lời quảng cáo cũng được viết ra từ giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm chứ không tâng bốc, nói thêm cho sản phẩm nữa.
Đưa ra giải pháp để hạn chế tình trạng này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp, cá nhân và nghệ sĩ có liên quan, về tác hại của việc quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc kém chất lượng.
"Chỉ khi mọi người có nhận thức đúng và đầy đủ, hành vi này mới có thể ngăn chặn một cách vững chắc", ông Sơn nói.
Tiếp đến, ông Sơn yêu cầu cần phải có chế tài xử lý thật nghiêm đối với hành vi quảng cáo thuốc, nhất là trên môi trường mạng. Hành vi này nên áp dụng thêm các tình tiết tăng nặng để thấy rõ sự nguy hại của quảng cáo thuốc đối với sức khỏe, tính mạng của con người.
Đặ biệt, tăng cường việc xử phạt làm gương để chấn chỉnh hành vi quảng cáo không phù hợp, nhất là đối với nghệ sĩ. "Tất nhiên, để có một giải pháp tổng thể hơn, chúng ta cũng cần quan tâm hơn nữa đến các nghệ sĩ, để có có thể có đời sống tốt, toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật, đem lại giá trị chân – thiện – mỹ cho công chúng và toàn xã hội", ông Sơn nhìn nhận.
Tràn lan quảng cáo sai sự thật từ nghệ sĩ
NSND Hồng Vân từng quay quảng cáo viên sủi chữa u xơ u nang phát trên mạng xã hội. Song nhiều khán giả phản ứng chất lượng sản phẩm thực sự không tốt như những lời nghệ sĩ chia sẻ trong đoạn quảng cáo.
Khi bị phản ứng, NSND Hồng Vân đã gửi lời xin lỗi đến khán giả và người tiêu dùng vì đã thiếu sót trong việc kiểm tra độ uy tín và cách thức bán hàng của sản phẩm mình quảng cáo.
"Vân có xem xét giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn của cục y tế. Tuy nhiên, đoạn phim quảng cáo lại làm cho người tiêu dùng hiểu nhầm về thuốc và thực phẩm chức năng, khiến khán giả bức xúc. Vân vô cùng hối tiếc khi không ý thức được hết trách nhiệm của mình", NSND Hồng Vân cho hay.
Tiếp đó, MC Quyền Linh cũng tham gia quảng cáo cho một loại thuốc trong video trên trang cá nhân, anh nói về nhiều tác dụng của sản phẩm như hỗ trợ điều trị tận gốc các tế bào ung thư; giúp tập trung điều trị vết loét, khỏe cho dạ dày và điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường.
Tuy vậy, trong giấy xác nhận quảng cáo được Cục An toàn Thực phẩm cấp, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản phẩm này chỉ có công dụng hỗ trợ chống oxy hóa, hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật, hỗ trợ giảm các triệu chứng của viêm loét dạ dày, tá tràng, hỗ trợ nhanh liền sẹo, làm đẹp da, tốt cho phụ nữ sau sinh.
Sau khi bị phản ứng, Quyền Linh cho hay: "Tôi đã thiếu tiết chế khi giới thiệu sản phẩm điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường. Vụ việc quảng cáo vừa qua là bài học sâu sắc với tôi sau hơn 20 năm làm nghệ thuật. Tôi xin lỗi khán giả về sự thiếu tiết chế của mình".
Quyền Linh cho biết, anh chưa bao giờ quảng cáo sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, anh đã nhầm thông tin về công dụng sản phẩm sau khi sử dụng. Anh mong khán giả hiểu bản thân không phải là người vì tiền mà quảng cáo bất chấp.