Săn vé cũng chả dễ
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết, đã 15 năm nay, Táo quân là chương trình được khán giả mong đợi nhất trong dịp Tết đến, Xuân về. Nhiều năm, mới chỉ tháng 10 Âm lịch, nhiều bạn bè, khán giả đã điện thoại để hỏi anh về tình hình Táo quân, xem kịch bản có gì hay. Tuy nhiên, theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, kịch bản Táo quân được giữ kín đến phút chót và các chi tiết trong chương trình có thể thay đổi cho phù hợp.
“Chúng tôi hạnh phúc vì đã xây dựng được một thương hiệu chương trình, dù mỗi năm chỉ làm một chương trình, nhưng hiệu ứng của Táo quân được lan tỏa đến từng ngôi nhà, xóm phố...” – đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng tiết lộ, những năm về trước, chương trình Táo quân được ghi hình tại cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, do đó, một số phe vé ở Cung cũng kiếm được nhờ bán... vé chợ đen. Nhiều khán giả muốn xem trước nên ra cổng của Cung để mua vé, tuy nhiên, số lượng vé vô tình lọt ra ngoài cũng không nhiều. Nhưng 5 năm trở lại đây, để kịch bản được bí mật đến phút chót, chương trình được ghi hình ngay tại trường quay của nhà đài.
“Táo quân – Gặp nhau cuối năm được ghi hình tại trường quay S14 của đài. Khán phòng này không lớn, với số lượng ghế ngồi được 200 chỗ nên đã hạn chế người xem. Vé xem Táo quân chỉ là vé mời, không bán ra ngoài, vì thế, việc “săn” vé trước ngày ghi hình thường diễn ra rất nhộn nhịp, nhiều khán giả muốn xem trực tiếp, đã nhờ các mối quan hệ để “có vé”, nhưng hầu như không có.
Các “phe vé” cũng tìm cách nhưng không được, đành ngậm ngùi bỏ cuộc. Thậm chí từng có những khách VIP bỏ 8 triệu đồng để mong có đôi vé vào xem trực tiếp song đành ngậm ngùi ra về...” – NSƯT Công Lý chia sẻ.
NSƯT Công Lý hé lộ: “Trường quay có vé đứng và vé ngồi. Do khán phòng chật chội, nên nhiều khán giả chấp nhận đứng gần 4 tiếng đồng hồ bên cánh gà để xem ghi hình là chuyện bình thường. Để đảm bảo bí mật, ê – kíp chương trình đề nghị tất cả khán giả không sử dụng điện thoại để ghi hình, ghi âm. Bên cạnh đó, lực lượng an ninh của nhà Đài được chia ra hai bên, luôn theo dõi “nhất cử, nhất động” của khán giả”.
Tập cả trong... toa - lét
NSƯT Quang Thắng chia sẻ: “Nhiều năm nay, cứ đến gần cuối năm là tôi lại từ Hải Phòng lên Hà Nội để tập. Vì anh em trong ê – kíp chơi với nhau lâu rồi nên coi như người trong nhà. Các diễn viên tham gia Táo quân đều là những diễn viên có vị trí tại các nhà hát ở Hà Nội, nên chúng tôi chỉ tranh thủ tập tối và đêm, vì ban ngày các diễn viên vẫn phải hoàn thành công việc được giao tại Nhà hát. Cuối tuần vào ban ngày mà chưa có lịch tập, tôi thường đến nhà NSƯT Công Lý để học thoại. Nói chung chương trình Táo quân đã trải qua 15 năm nên được vào vai là một sự tự hào của mỗi anh em nghệ sĩ chúng tôi”.
Về những kỷ niệm khi tham gia chương trình, NSƯT Quốc Khánh cho hay: “Đến bây giờ, nhiều người vẫn hỏi, không hiểu sao Quốc Khánh lại được đóng vai Ngọc Hoàng trong nhiều năm như vậy? Có lẽ vì tôi sở hữu bộ râu có tướng làm quan, cái mặt thì đăm chiêu nhưng không kém phần dí dỏm. Đi tập Táo quân vui lắm, cứ đến 1h sáng là đói meo, vì thế lại tổ chức, xì xụp ăn uống để lấy sức. Thường thì mọi người sẽ tập từ 10h đêm đến tận 3-4h sáng, ai chưa phải tập có thể ngủ ngon”.
Nghệ sĩ Quốc Khánh cho biết: “Kịch bản Táo quân thường được hoàn thiện dần trong quá trình tập, thế mới có chuyện gần ngày diễn rồi đạo diễn mới đưa thêm phần bổ sung, có năm gần đến giờ diễn, chúng tôi mới được đưa thêm một đoạn kịch bản. Lúc đó anh em cuống cuồng học lời và khớp với nhau. Thế mới có chuyện oái oăm nhưng có thật là diễn viên vào toa – lét để học lời, vừa học vừa tập thử sao cho điệu bộ, sắc thái phù hợp nhất. Đó cũng là kỷ niệm nhớ đời của tôi trong thời gian chuẩn bị cho Táo quân”.
Dù đã đảm nhận vai Ngọc Hoàng nhiều năm nhưng với Quốc Khánh vai diễn đó chưa bao giờ làm anh nhàm chán. Mỗi năm, Ngọc hoàng đều có cách diễn rất riêng. “Lên sân khấu, tôi phải tiết chế để có sự nhẹ nhàng, chậm rãi của nhân vật. Hơn nữa, cử chỉ, khuôn mặt cũng phải làm sao cho linh hoạt mà không bị Nam Tào và Bắc Đẩu lấn lướt” – Quốc Khánh cho hay.
Còn nữ nghệ sĩ Vân Dung bộc bạch nhiều năm nay, khán giả định hình chị ở những vai Táo nói nhiều, có dáng đi lả lướt trên sân khấu. Với chị, được tham gia chương trình là một cơ duyên. “Tôi tin rằng, trong lòng khán giả, chương trình này đã có một chỗ đứng nhất định, vì thế, anh em nghệ sĩ cũng nỗ lực tập luyện. Con trai Vân Dung lên là Nhím, Nhím rất thích xem mẹ đóng vai trong Táo quân. Ngày Tết, cả nhà quây quần xem chương trình và cùng nhau đón giao thừa. Đó là một cảm giác rất tròn đầy, viên mãn” – Vân Dung chia sẻ.
Nữ nghệ sĩ tiết lộ: “Thường thì đạo diễn thấy vai nào hợp với mình thì sẽ giao vai đó. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hay “xin vai” lắm. Bản thân Vân Dung cũng muốn có một vai diễn giống với tính cách mình để thỏa sức sáng tạo”.
Nữ diễn viên cho biết, mỗi thành viên trong dàn Táo quân đều phải có trách nhiệm góp ý với kịch bản để phù hợp, hấp dẫn nhất. Khi tập luyện, các nghệ sĩ cần tự biên tập, tranh luận với nhau để mọi vấn đề sáng rõ hơn, Táo quân được khen có kịch bản “trẻ trung” hơn vì đưa nhiều câu thoại thường ngày vào các tình huống trên sân khấu. Đó chính là lý do mà chương trình như “chất gây nghiện” với khán giả truyền hình.