Nghệ sĩ Thanh Thủy rất thành công với những vai diễn chiếm được nhiều thiện cảm của khán giả như: Nàng két La La trong câu chuyện cổ tích Ngày xửa ngày xưa; vai người mẹ hiền lành trong những bộ phim Bỗng dưng muốn khóc; Những nàng công chúa nổi tiếng;... Nhìn vào những hào quang mà chị đạt được, ít ai biết rằng cuộc đời nghệ thuật của chị cũng đầy chông chênh và vất vả tưởng như phải gãy gánh giữa đường.
Nghệ sĩ Thanh Thủy nhận giải thưởng
Đam mê không thể bỏ
Nghệ sĩ Thanh Thủy là lứa diễn viên cùng thời với Hồng Vân, Hồng Đào, Hữu Châu. Chị tốt nghiệp lớp đạo diễn năm 1987 nhưng lại khá bén duyên với nghiệp diễn. Nghệ sĩ Thanh Thủy tâm sự: "Tôi học đạo diễn nhưng có thể diễn được là vì hồi còn đi học, cả lớp chỉ có 16 người, muốn dựng tiểu phẩm thì người này phải đóng cho người kia, bởi vậy tôi diễn hoài đâm ra giỏi". Khác với những người làm trong ngành nghệ thuật khác thường có tính bon chen, tranh giành, thì Thanh Thủy như một nốt nhạc trầm lắng đọng. Chị là người sống giản dị, ít có nhu cầu về vật chất cũng như không có nhiều tham vọng dữ dội trong nghề nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp trường Nghệ thuật Sân khấu 2, trong khi bạn bè loay hoay đi tìm sàn diễn để khẳng định tên tuổi thì Thanh Thủy âm thầm đến với nghề giáo ngay trên chính ngôi trường mà chị vừa tốt nghiệp. Khi ấy, chị ở lại phụ thầy Nguyễn Văn Phúc tiếp tục sự nghiệp trồng người. Khóa đầu tiên phụ giảng của chị ra lò nhiều học trò thành danh như: Lý Hùng, Diễm Hương, Ngọc Hiệp. Tuy nhiên, con đường giảng dạy của chị cũng không được bao lâu. Sau đó, chị trở lại với nghề rồi lại bén duyên với những công việc khác.
Nghệ sĩ Thanh Thủy nhớ lại: "Lúc ấy, tôi mở một shop bán giày trên đường Cống Quỳnh (quận 1, TP.HCM). Chị Kim Xuân mở shop bán quần áo thời trang. Anh Minh Nhí thì hùn vốn mở quán cà phê. Đời sống sân khấu kịch hồi đó buồn ghê, chỉ có diễn tấu hài là ăn khách, mà mình thì không thể hòa nhập vào cái nghề đòi hỏi phải bản lĩnh với 10 phút, 15 phút chọc cười khán giả".
Tuy nhiên, đã là cái nghiệp thì khó mà bỏ nghề được, Thanh Thủy lại gắn bó với sân khấu như hình với bóng để rồi chị diễn ngày càng sắc sảo. Mỗi lần diễn chị lại cho khán giả thấy được sự biến hóa điêu luyện của một người diễn viên tài năng thật sự. Bất chấp cuộc sống với diễn viên còn nhiều khó khăn, túng thiếu, Thanh Thủy vẫn gắn bó với nghề bằng một niềm đam mê. Phải nói rằng, khi ấy được đi diễn là một niềm vui sướng của người nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Thanh Thủy kể: "Thời bao cấp đi diễn kịch chỉ có một chiếc giỏ xách, hôm nào trời mưa ướt giỏ phải thay bằng bao ni - lông. Mỗi cây son, hộp phấn đều phải mua trả góp. Thời đó khó khăn trăm bề, nhưng chúng tôi rất yêu nghề. Mỗi kịch bản dàn tập hơn 3 tháng, mỗi suất diễn cứ hồi hộp như chưa bao giờ ra sân khấu. Nhọc nhằn đã mang lại cho chúng tôi nghị lực. Nay nghĩ lại tôi thấy yêu cái thời đó hơn bao giờ hết".
Lòng đam mê nghề nghiệp đã khiến nhiều người bất ngờ về Thanh Thủy. Một cô gái thấp bé, nhẹ cân, khiêm tốn cả về chiều cao lẫn cân nặng (như bạn bè vẫn thường chọc là Thủy còi) lại có thể trở thành một diễn viên cứng nghề đến thế.
Đang phát triển với sự nghiệp thì Thanh Thủy lại từ giã ánh đèn sân khấu để lấy chồng, sinh con. Hàng ngày, khi ở trong ngôi nhà nhỏ Thanh Thủy vẫn man mác một nỗi nhớ nhung sâu nặng với ánh đèn sân khấu.
Thanh Thủy kể: "Nhiều đêm tôi đốt nhang cầu nguyện, nếu mình không có duyên với nghề nữa thì cho tôi dứt ra thật dễ dàng chứ đừng xốn xang với nghề như thế. Sau những lần đó, Thanh Thủy chợt nhận ra mình không thể rời xa nghệ thuật được. Với sự ủng hộ của chồng, từ khi con gái đầu được ba tuổi, Thanh Thủy quay lại sân khấu với vở diễn Trở về mái nhà xưa".
Nghệ sĩ Thanh Thủy trong một vai diễn
Người dị biệt của sân khấu
Sống trong môi trường đầy cạnh tranh và bon chen là giới showbiz, Thanh Thủy như một sự trong trẻo đến lạ thường. Chị không tụ tập, không quần là áo lụa đến những nơi đông người. Nghệ sĩ Thanh Thủy bày tỏ: "Tôi không thích và không xuất hiện trong những sự kiện, tiệc tùng. Tôi ít đến những nơi đó, trừ khi là công việc. Ví dụ tôi thực hiện quảng cáo cho một công ty, bắt buộc phải đến nơi tổ chức sự kiện. Tôi không thích những nơi vui chơi, phồn hoa".
Nói Thanh Thủy khác hơn những diễn viên khác cũng không sai. Chị thuộc kiểu người đi diễn, lãnh tiền và về nhà. Vòng quay ấy lặp đi lặp lại đều đặn như thế. Chị không la cà ở bất kỳ nơi đâu ngoài sân khấu và nhà. Có một điều khá lạ ngoài sân khấu ra, tất cả những thứ khác đều khiến Thanh Thủy thiếu tự tin.
"Ai cũng hỏi sao lạ vậy, một người hàng đêm đứng trước bao nhiêu khán giả, mọi ánh mắt, ánh đèn đều tập trung vào mình, vậy mà quay về đời thường lại sợ. Tôi trả lời, khi lên sân khấu, tôi đã được chuẩn bị tinh thần cũng như tất cả phương tiện để đến với khán giả. Tôi tập tành hàng tháng trời, biết hết cái gì sẽ xảy ra nên có thể đối phó với mọi tình huống trên sân khấu. Hễ lên sân khấu là tôi tự tin, nhưng xong xuôi, bước ra ngoài, tôi cảm thấy lạc lõng, không đối phó được mọi thứ. Sân khấu với ngoài đời khác nhau hoàn toàn", nghệ sĩ Thanh Thủy tâm sự.
Thanh Thủy không chỉ "lấn sân" ở sân khấu kịch mà chị còn tham gia phim truyền hình như để thử thách chính mình. Thành công nhiều, được khán giả yêu mến cũng nhiều bởi cách diễn chân thành, mộc mạc, dễ đi vào lòng người nhưng chị bảo, phải biết cách quên đi những thành công đó để tập trung làm những cái mới. Nếu nhớ hoài thành công đó mình sẽ chết trong một loại vai. Chỉ nên nhớ những gì chưa làm được. Đó cũng chính là những bí quyết thành công trong nghề của chị.
Mai Thy