Nghệ sĩ vì tiền mà bán lòng tự trọng: Hệ quả khôn lường

Nghệ sĩ vì tiền mà bán lòng tự trọng: Hệ quả khôn lường

Đinh Lạc Thành

Đinh Lạc Thành

Thứ 3, 18/05/2021 15:43

Thời gian gần đây, mạng xã hội "dậy sóng" trước loạt tài khoản của nghệ sĩ công khai quảng bá tiền ảo cùng những sản phẩm sai sự thật, lừa dối mọi người...

Từ nhiều năm nay, việc nghệ sĩ quảng cáo, làm đại diện thương hiệu, sản phẩm không hiếm. Thậm chí có những nghệ sĩ một năm chỉ đóng 1-2 bộ phim rồi đi quảng cáo cho các nhãn hàng là cũng "sống khoẻ". Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ vì những lời mời quảng cáo béo bở, vì được trả cát - xê hậu hĩnh họ đã tiếp tay cho những thực phẩm chức năng, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng hay lôi kéo nhiều người vào việc đầu tư “tiền ảo” phi pháp.

Ngôi sao - Nghệ sĩ vì tiền mà bán lòng tự trọng: Hệ quả khôn lường

Tiền ảo chưa được công nhận ở Việt Nam nên những nghệ sĩ quảng cáo công khai như này bị nhiều người chỉ trích.

Mới đây, nghệ sĩ Quang Tèo cũng bị chỉ trích vì phát ngôn: "Thực ra với tôi, đã là quảng cáo thì thổi phồng là chuyện bình thường, nói quá lên một tí cũng không sao. Nhưng thổi phồng chỉ ở trong phạm vi đúng của nó thôi. Ví dụ một sản phẩm hỗ trợ cho gan thì chỉ được phép nói nó tốt cho gan, không thể nói nó tốt cho thận, cho tim mạch được".

Phát ngôn này bị cho là nghệ sĩ đã thiếu trách nhiệm với thông tin mà mình đưa ra cho khán giả, có thể gây ra ảnh hưởng xấu. Vậy việc lôi kéo khán giả vào những quảng cáo "hớ" này, nghệ sĩ có chịu trách nhiệm và họ cần làm gì để tránh việc bị "ném đá" vì tìm hiểu không kỹ khi quảng cáo?

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, nghệ sĩ Chiến Thắng cho hay: "Đúng là việc nghệ sĩ quảng cáo giờ không còn hiếm nữa, nhưng việc quảng cáo như thế nào mới quan trọng. Bản thân tôi khi nhận lời quảng cáo sản phẩm, tôi đều yêu cầu doanh nghiệp đưa ra giấy phép quảng cáo và giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm. Và hơn nữa, tôi không nói quá, nói sai sự thật. Vì mình là người nổi tiếng, khán giả rất tin tưởng mà nếu nói sai, khán giả mua về dùng thì hậu quả sẽ thế nào?

Tôi thấy một số quảng cáo thực phẩm chức năng, hỗ trợ bệnh nhân ung thư, u bướu mà nói là không cần đến bệnh viện cũng khỏi là sai rồi. Khi tôi nhận được kịch bản về quảng cáo sản phẩm mà nói quá lên, tôi đều yêu cầu sửa kịch bản. Nếu tôi chưa dùng thuốc, tôi cũng sẽ tiết chế, không khen rồi đưa sản phẩm... lên mây. Nếu thuốc chỉ hỗ trợ tăng cường sức khoẻ thì nói đúng như vậy. Đa số dân mình còn nghèo lắm, không nên vì mấy đồng tiền quảng cáo mà đưa họ đến chỗ khó khăn, vất vả hơn".

Ngôi sao - Nghệ sĩ vì tiền mà bán lòng tự trọng: Hệ quả khôn lường (Hình 2).

Nghệ sĩ Chiến Thắng.

"Không chỉ các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng mà tất cả các thương hiệu, akhi nghệ sĩ được mời làm quảng cáo cần có sự rõ ràng trong công dụng, chức năng. Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ sa đà vào việc quảng cáo nhiều quá, mở Facebook ra ngày nào cũng có vài Status (dòng trạng thái - PV) quảng cáo khiến hình ảnh họ trong mắt công chúng bị giảm sút. Thậm chí, dưới những dòng bình luận của Status ấy, các nghệ sĩ lại trêu nhau: "Lại được một mớ rồi nhỉ!", đọc có buồn và thấy bi hài không? Đừng vì tiền mà bán đi lòng tự trọng của mình"" - Danh hài Chiến Thắng tâm sự.

Nghệ sĩ Kim Xuyến cũng cho biết: "Tôi cũng không nhận được nhiều quảng cáo, nhưng nếu có lời mời, tôi sẽ tìm hiểu thật kỹ mới nhận lời. Nghệ sĩ ở thời đại 4.0 này may mắn hơn nhiều vì họ có các ứng dụng, kỹ thuật số hỗ trợ nên sự lan toả, sự nổi tiếng cũng nhanh hơn. Do đó, các nhãn hàng cũng muốn nhờ những hình ảnh này để lan toả thương hiệu. Điều này không có gì là sai. Nhưng khi quảng cáo, cần nói đúng, nói đủ. Tránh chém kiểu "rồng bay phương múa", công dụng một đằng, quảng cáo một nẻo. Làm như vậy, doanh nghiệp mất uy tín và nghệ sĩ cũng bị ảnh hưởng đến hình ảnh bao nhiêu năm gây dựng của mình".

Nói về việc nghệ sĩ quảng cáo thương hiệu, vào tháng 2/2021, nghệ sĩ Giang còi cũng tâm sự với PV Người Đưa Tin Pháp Luật: "Giang còi có một nguyên tắc là không bao giờ đi quảng cáo sản phẩm. Có người bảo tôi gàn dở, có người bảo tôi hâm, "nghèo mà sĩ" cũng được. Nhưng đó là nguyên tắc của tôi. Tôi chỉ sống bằng nghệ thuật chứ không bao giờ làm đại diện cho sản phẩm nào. Cho dù họ trả cát- xê cao bao nhiêu. Lấy tiền của người ta thì phải "múa" theo họ. Nhưng tôi không làm được việc ấy. 

Ngôi sao - Nghệ sĩ vì tiền mà bán lòng tự trọng: Hệ quả khôn lường (Hình 3).

Nghệ sĩ Quyền Linh quảng cáo sản phẩm hỗ trợ điều trị tận gốc các tế bào ung thư và dùng ngay trong video.

Theo tôi, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, không tìm hiểu kỹ mà cứ "ra rả" nói về sản phẩm thì cũng phải liên đới trách nhiệm. Cơ quan chức năng cũng phải phạt một vài người nếu để xảy ra những sai sót, những đáng tiếc khi nghe và tin theo lời nghệ sĩ. Thậm chí, tẩy chay luôn nghệ sĩ đó nếu họ làm sai thì mới được. Chúng ta đừng dung nạp, xuê xoa với những người bất chấp vì đồng tiền mà đưa người tiêu dùng đến với những sản phẩm giả, kém chất lượng".

 

Tiếp tay cho quảng cáo "láo" có thể đi tù

Theo điểm a khoản 5 Điều 51 và khoản 2 Điều 3 Nghị định 158/2013/NĐ-CP thì trường hợp doanh nghiệp, tổ chức thuê nghệ sĩ quay quay clip quảng cáo thực phẩm chức năng lừa dối người tiêu dùng và công chúng thì đơn vị đó có thể chịu mức xử phạt từ 100 - 140 triệu đồng do quảng cáo sai sự thật, đồng thời phải cải chính thông tin và tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đó. 

Thậm chí, doanh nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “quảng cáo gian dối” được quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, có thể bị phạt cao nhất đến 5 năm tù giam hoặc phạt tiền cao nhất đến 100 triệu đồng nếu đã bị xử lý vi phạm hành chính, hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích lại tiếp tục phạm tội.

Nếu chủ kênh YouTube, Facebook, nghệ sĩ đăng phát những clip quảng cáo nói về một sản phẩm, dịch vụ chưa được Nhà nước cho phép lưu hành họ có thể chịu mức xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng khi lợi dụng mạng xã hội để chia sẻ những thông tin giả mạo, sai sự thật. Nếu họ chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, sai sự thật đến người tiêu dùng thì mức phạt sẽ nặng hơn, từ 50 - 70 triệu đồng theo điểm a khoản 3 điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, nếu chủ kênh YouTube, Facebook đồng thời là người sản xuất, bán hàng, thì có thể còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu nếu thuốc, thực phẩm chức năng nhập khẩu trái phép. Nếu sản phẩm chưa được lưu hành sau đó kiểm nghiệm là hàng giả, họ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm hoặc thuốc chữa bệnh.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.