Thành kép giữa những cô đào
Vũ Luân tên thật là Lương Văn Bình. Anh sinh ra tại khu Bà Quẹo (quận Tân Bình,TP.HCM) trong một gia đình không có truyền thống làm nghệ thuật. Ba mẹ Vũ Luân đều là những công nhân nghèo, họ chưa từng nghĩ gia đình mình có ai đó sẽ bước vào duyên nghiệp cầm ca.
Vũ Luân đã cống hiến cho khán giả nhiều vở cải lương đặc sắc
Ngày còn nhỏ, niềm vui của Vũ Luân là được theo ba ra các công trình để sửa chữa máy móc. Đến khi về hưu, ba anh không nghỉ việc một ngày nào mà chuyển sang nhận quần áo về may gia công. Là đứa con trai áp út trong gia đình, nhưng Vũ Luân rất tháo vát và khéo tay phụ giúp ba. Những lúc không có hàng để may, Vũ Luân lại đi theo người cậu làm thợ phụ sơn.
Khi xong công việc, gia đình Vũ Luân sum vầy bên nhau, ba anh thường mở cải lương cho cả nhà cùng nghe. Giọng hát truyền cảm của Minh Cảnh, Mỹ Châu đã thấm vào con người Vũ Luân lúc nào cũng chẳng hay. Vì vậy, trong những buổi biểu diễn văn nghệ, Vũ Luân không ngần ngại lên sân khấu thể hiện giọng hát của mình.
Thật tình cờ, một lần biểu diễn trong tiệc cưới của bạn, Vũ Luân đem tiếng hát của mình để góp vui cho mọi người. Khi chàng trai trẻ vừa cất giọng hát, ai ai cũng chăm chú lắng nghe từng lời ca của anh. Cuối buổi, có một người đàn ông gặp và đề nghị Vũ Luân về nhóm Đồng Ấu - nhóm ca quy tụ con em của các nghệ sĩ tên tuổi như: Quế Trân, Tú Sương, Trinh Trinh. Người phát hiện ra giọng hát tiềm năng ấy chính là nghệ sĩ Bạch Long (anh của nghệ sĩ Thành Lộc - PV). Định mệnh đã mở ra cho Vũ Luân một lối đi, một cánh cửa thật rộng mở với biết bao điều may mắn.
Tại nhóm Đồng Ấu này, Vũ Luân được thầy Bạch Long tận tình hướng dẫn từng cách hát, cách biểu diễn. Cũng chính nghệ sĩ Bạch Long là người đã đặt nghệ danh cho anh chàng Lương Văn Bình ngày nào với cái tên Vũ Luân.
Nếu như nhiều người rất khó khăn để được lên làm kép chính của một đoàn thì xem ra con đường nghệ thuật của Vũ Luân khá dễ dàng. Nhóm Đồng Ấu chỉ toàn là nữ. Không có kép, nhiều khi các cô đào phải cải trang thành nam để vào vai kép thì sự xuất hiện của Vũ Luân thật đúng lúc. Anh không chỉ may mắn được làm anh kép duy nhất của đoàn mà còn nhanh chóng được làm kép chính.
Thuận lợi không chỉ đến với Vũ Luân như thế, bởi ở đoàn Đồng Ấu, anh được thầy Bạch Long tận tình chỉ dẫn. Trong suốt mấy năm học tập, Vũ Luân không phải đóng học phí. Vũ Luân còn được các bạn diễn trong nhóm Đồng Ấu chỉ cho cách mua các phục trang, phụ kiện. Quả thật, trong những ngày đầu làm nghệ thuật, Vũ Luân là một chàng kép may mắn nhất trong tất cả những chàng kép lúc bấy giờ.
Năm 1995, Vũ Luân chính thức được lên sân khấu. Vừa mới được 3 tháng, anh đã tạo nên một làn sóng dữ dội, đi đến đâu khán giả dần dần kéo tới đó. Vì vậy nhiều người thường ví Vũ Luân thuộc diện có tên trước rồi mới có nghề sau. Thế rồi, theo con đường nghệ thuật, Vũ Luân đi hát ở nhiều đoàn như: Minh Tơ, Sông Bé, Dạ Lý Hương.
Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt, bởi ngoại hình khá giống với nghệ sĩ Vũ Linh đã đem đến cho Vũ Luân không ít rắc rối. Người thương thì rất thật tình, nhưng với những người ghét anh thì họ cho rằng Vũ Luân chỉ xứng đáng là một bản sao, một sự lặp lại cũ kỹ của một ngôi sao cải lương khác. Biết được điều này, Vũ Luân quyết tâm tìm cho mình một con đường riêng biệt. Nếu không có sự cố gắng và phấn đấu thì may mắn không bao giờ là đủ. Chính sự nỗ lực, sáng tạo của Vũ Luân dành cho nghệ thuật cải lương đã đưa anh đến chỗ thăng hoa trong bộ môn nghệ thuật cải lương.
Nghệ sĩ Vũ Luân
Từ chàng kép trở thành ông bầu
Tính đến nay, Vũ Luân tham gia nghệ thuật cải lương đã gần 20 năm. 20 năm là một khoảng thời gian khá dài để cuộc đời con người gắn liền với đầy đủ những thăng trầm trong nghề nghiệp. Chàng kép đi lên từ một gia đình không có ai theo nghệ thuật. Chính hình ảnh người mẹ tuy nghèo nhưng vì thương con đã cố gắng tìm thầy dạy ca cho con trong những ngày còn nhỏ đã giúp Vũ Luân vượt qua tất cả. Không phụ lòng mẹ, chàng nghệ sĩ đem lời ca, tiếng hát của mình ngày càng vươn xa.
Còn nhớ trước đây, khoảng thời gian trước những năm 2000, Vũ Luân được mệnh danh là chàng kép hái ra tiền. Anh không đi diễn ở các tỉnh thì thôi, đã đi thì đem về nhiều tiền cát-xê. Có người còn ví von rằng, sau những lần đi diễn ấy Vũ Luân đem về cả một va li tiền. Độ hot và tiếng tăm nghệ thuật đem đến cho Vũ Luân sự sung túc về tiền bạc và cả hào quang danh vọng.
Năm 2001, khi đang đắt show diễn ở tỉnh, thì anh dừng lại. "Thời đi hát sô, giàu tiền nhưng lại nghèo nghề. Nhận một lời mời, tôi chỉ cần học vai tuồng qua cassette rồi xuống tỉnh ráp với các bạn diễn. Chỉ toàn tuồng cũ nhai lại nên nếu đi hoài, nghề mình sẽ mai một. Về Sài Gòn dựng tuồng mới, có được những vai mình thích, được học thêm nghề với đạo diễn giỏi, các cô chú bậc thầy, nên tôi mới có được những vai như Từ Hải Thọ", Vũ Luân nhớ về những ngày thay đổi hướng đi.
Về thành phố và chịu trách nhiệm quản lý một đơn vị của nhà hát Trần Hữu Trang. Từ đây Vũ Luân chuyển sang vai trò làm ông bầu. Không có mạnh thường quân hỗ trợ, Vũ Luân tự một mình xoay sở tất cả. Nói đến vai trò làm ông bầu, Vũ Luân chia sẻ: "Tôi không cho rằng mình là bầu sô đúng nghĩa. Tôi chỉ nghĩ mình là người yêu sân khấu, tạo nên một mái nhà để các bạn trẻ có nơi trú ngụ, học hỏi và trau dồi. Từ đó, tôi có ý nghĩ nhảy ra làm tổ trưởng, giúp các bạn trẻ yên tâm làm nghề.
Suốt bao năm qua, Vũ Luân đã tạo đất diễn cho nhiều nghệ sĩ cải lương. Việc sân khấu Hưng Đạo vẫn sáng đèn thể hiện cho những niềm say mê với cải lương được thỏa sức biểu diễn của Vũ Luân được chấp cánh. Đó là tâm huyết của một ông bầu cải lương đã làm được trong thời kỳ sân khấu cải lương đang thu hẹp dần đất diễn.
Không chỉ làm kép, bầu cải lương, Vũ Luân còn lấn sân mở một công ty chuyên về băng đĩa nhạc. Một ông bầu đa năng, luôn sẵn lòng phát triển nghệ thuật cải lương, đưa nó đến những tầm cao mới, luôn là mong muốn của chàng kép may mắn Vũ Luân.
Muốn trả ơn Tổ nghiệp Bề ngoài có dáng người nhỏ bé, yếu đuối nhưng Vũ Luân rất mạnh mẽ và quyết đoán trong công việc. Anh là người trực tiếp chọn kịch bản, đạo diễn, phân công diễn viên, bố trí giờ tập tuồng. Trên sân khấu, Vũ Luân là một người nghệ sĩ tài hoa, trong công việc anh là người có nhiều sáng tạo. Vũ Luân tâm sự: "Nhờ cải lương tôi đã xây được nhà, mua được xe, lo được cuộc sống cho anh chị em trong gia đình. Bây giờ là lúc tôi phải đi sâu vào nghề để trả cái ơn lớn lao này cho tổ nghiệp". |
Phạm Khoa