"Nghệ sỹ chạy theo thị hiếu là tự giết mình"

"Nghệ sỹ chạy theo thị hiếu là tự giết mình"

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Sau khi nhìn lại cả một hành trình, nhạc sĩ Dương Thụ luôn khuyên các học trò đừng bao giờ chiều theo thị hiếu công chúng quá mức, bởi nhiều nghệ sỹ Việt đang tự hại mình vì điều đó.

Nhạc của tôi không thể hát ở quán bia

Bộ tứ nhạc sĩ Hà Nội được nhắc đến cùng với Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương và Dương Thụ. Nếu Trần Tiến nổi tiếng với những bản tình du ca, Nguyễn Cường là những tình khúc cao nguyên hừng hực, bỏng cháy, Phó Đức Phương man mác với những nỗi nhớ quê da diết mà day dứt thì âm nhạc của Dương Thụ lại mang một màu sắc khác hẳn. Nhiều người gọi đó là thứ nhạc thanh cao, trong trẻo mà khi cất lên, người hát đòi hỏi phải có một vị thế sang trọng nào đó.

Người ta so sánh vậy bởi họ có thể hát Ngẫu hứng phố bên một vỉa hè lê la nào đó của Hà Nội, có thể ngỡ ngàng thốt lên với Về quê khi lang thang trên một con đường vắng nào đó của cái nơi phồn hoa này. Nhưng để phím lên trên cung đàn những ca từ lấp lánh như Họa mi hót trong mưa, Tháng tư về, Hơi thở mùa xuân, không hề dễ chút nào. Người bỗ bã, xô bồ khó có thể chạm đến những nốt nhạc ấy. Điển cố vẫn hay dùng cách ví von, trong họa có thơ, trong thơ có họa để ngợi khen một thi tứ nào đó.

Với Dương Thụ, âm nhạc của ông dường như có cả thơ, lẫn họa, giống như những bức tranh về cuộc đời, tình yêu được dệt bởi phím đàn lung linh, tình tự, trong trẻo và lãng mạn nhất.

Dương Thụ đã sống lâu năm ở Sài Gòn nhưng tôi vẫn hay gặp ông ngồi cà phê với vài ba người bạn trên một phố vỉa hè nào đó. Ông quá trẻ so với cái tuổi mà thiên hạ vẫn gọi là xưa nay hiếm. Tự nhận mình không phải là người hoạt ngôn. Ông cũng tự xếp mình là người đứng cuối bộ tứ nhạc sĩ viết về Hà Nội. Tôi hỏi vui ông, tại sao cứ cố công sắp xếp vị trí khi số đông công chúng vẫn mặc định bộ tứ là những sự song hành. Dương Thụ trả lời bằng một cách nói nhẹ nhàng, thủ thỉ mà thẳng thắn quen thuộc: "Mình phải biết mình là ai chứ.

Trong bộ tứ, Trần Tiến là người ít tuổi nhất, nhưng lại nổi tiếng nhất. Phó Đức Phương hay Nguyễn Cường đều là những người có nhiều sáng tác gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước. Tôi nói thật đấy, ca khúc của họ nói được cái rộng lớn ở ngoài kia, nơi chứa đựng những sự kỳ vĩ, bao la của cuộc sống. Còn sáng tác cả tôi chỉ là những bản nhạc của tâm hồn, cảm xúc của riêng một cá nhân. Chúng được nhiều người yêu quý và đón nhận đã là một may mắn lớn đối với tôi".

Xã hội - 'Nghệ sỹ chạy theo thị hiếu là tự giết mình'

Nhạc sĩ Dương Thụ và ca sĩ Mỹ Linh.

Nghệ sỹ Việt quá nhiều người hát vì tiếng vỗ tay

Dương Thụ có rất nhiều học trò giỏi và nổi tiếng. Nếu không phải là diva thì cũng phải là những giọng hát hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam hiện nay. Những cái tên như Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh hay Bằng Kiều, Tùng Dương, Tấn Minh cũng đủ để khẳng định đẳng cấp và vai trò của ông. Lạ một điều, Dương Thụ không hề thích gọi họ là Diva hay Divo như số đông vẫn làm thế.

Không phải vì ông không yêu quý hay trân trọng tài năng của họ mà với ông, họ giống như những đứa con trong một gia đình âm nhạc. Thi thoảng tôi vẫn nói với các con, chúng ta phải quay lại hát nhạc của thời chúng ta thôi. Chiều lòng khán giả như thế là đủ rồi. Ông nói, phần lớn nghệ sĩ của chúng ta bây giờ đang hát theo những tiếng vỗ tay. Tất cả là vì thời cuộc, vì những mưu sinh và vì nhiều thứ khác nữa. Không thể trách họ được, nhưng cái gì cũng phải có giới hạn. Sự chiều chuộng quá mức sẽ làm hỏng chúng ta.

Dương Thụ tâm sự: "Lần trở về với Hà Nội này là một cách để nhắc nhở và hội tụ. Tôi gọi là về Hà Nội mà không phải là ra Hà Nội như những lần trước như một sự phát triển tự nhiên của cảm xúc. Một sự trở về đúng nghĩa của đứa con lang bạt, sau nhiều năm tháng lênh đênh, nay chỉ muốn trở về với sự thanh bình của tuổi thơ, của kỉ niệm. Dương Thụ kể với tôi như thế, ông nói trong một sự mơ màng nào đó: "Tôi yêu những con phố đầy lá vàng của mùa thu Hà Nội. Thích được ngồi trên xe máy rồi chạy dọc suốt những hàng cây của mùa lá đổ. Hà Nội, mùa thu với tôi không bao giờ cũ. Nó như suối nguồn cho mọi cảm hứng, mỗi bài ca mà tôi đã viết, đang viết và sẽ viết".

Nếu Trần Tiến và Nguyễn Cường đều thành công khi viết những ca khúc được đặt hàng với cát xê khủng thì Dương Thụ lại hoàn toàn ngược lại. Ông được xem là "ca" lạ và hiếm trong lĩnh vực này. Những bài hát của ông chỉ được viết ra và thốt lên khi nó gắn liền với một mạch cảm xúc, một góc nội tâm riêng tư, một chữ duyên nào đó không được báo trước. Lời ca của ông, có lẽ vì thế mà luôn da diết, trữ tình, đằm sâu, bay bổng một cách kỳ lạ. Và dù âm nhạc của ông, như Dương Thụ tự nhận, chúng không nói đến những điều kỳ vĩ, cao xa nhưng lại luôn lay động lòng người. Đơn giản vì đó là những góc khuất của tâm hồn mà chỉ những sự yêu thương nhất, tinh tế và mãnh liệt nhất mới có thể chạm đến.

Bích Đào


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.