Là một nghệ sĩ hài nổi tiếng nhiều năm nay trên sân khấu cả nước, đặc biệt là các sân khấu kịch tại TP. HCM, nghệ sĩ hài Trung Dân đã tạo cho mình một dấu ấn diễn xuất khá riêng, độc đáo, không "đụng hàng" với bất cứ nghệ sĩ nào.
Nghệ sĩ Trung Dân sinh năm 1967 tại xã Nhị Bình, Hóc Môn, TP.HCM trong một gia đình bố là một dược sĩ và hầu hết người thân đều theo nghề y.
Tuy nhiên, không học giỏi hóa nên nghệ sĩ Trung Dân thi trượt Đại học Y Dược.
Cha của nghệ sĩ Trung Dân lại là một trí thức có kiến thức lịch sử và văn hóa sâu rộng, giỏi ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Pháp.
Sinh trưởng trong một gia đình không ai theo nghệ thuật song, ngay từ bé NS Trung Dân đã yêu thích biểu diễn trên sân khấu.
Khi học trung học, vì khá mê cách diễn của danh hài người pháp Louis de Funès mà ông luôn nuôi khát vọng một ngày nào đó mình cũng sẽ trở thành một nghệ sĩ và sẽ có cách diễn tương tự danh hài này.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, NS Trung Dân chưa nghĩ đến việc tham gia nghệ thuật. Với sở thích mê văn chương, cùng kiến thức được tích lũy qua việc đọc sách, Trung Dân thi vào trường đại học Tổng hợp TP.HCM.
Ông học được hơn một năm thì quyết định bỏ Tổng hợp và thi vào trường cao đẳng Sân khấu & điện ảnh TP.HCM (khóa 1987 - 1992).
Được theo học nghệ thuật, NS Trung Dân rất hạnh phúc cho dù quãng thời gian ngồi ghế nhà trường sân khấu hồi đó rất nghèo và thiếu thốn.
Môi trường giải trí còn hạn hẹp, truyền thông hạn chế nên người nghệ sĩ muốn được khán giả biết đến phải trải qua quá trình lao động nghệ thuật kiên trì và bền bỉ.
Có lẽ trưởng thành trên mảnh đất lao động nên NS Trung Dân luôn chọn cho mình hình ảnh của một anh nông dân hay một chàng hai lúa, nhà quê trong các vai diễn ở phim ảnh hay các vở kịch.
Hình ảnh nông dân của anh đậm đặc từ ngôn ngữ đến hình thể. Khán giả yêu mến gọi Trung Dân là người nghệ sĩ của ruộng đồng.
NS Trung Dân nổi lên trong phong cách hài với những nhân vật nông dân đậm chất nhà quê. Thông qua vai diễn, NS Trung Dân luôn mạnh dạn phê phán mạnh mẽ những thói hư tật xấu làm ảnh hưởng đến đạo đức con người, và giá trị xã hội.
Điều đó được chứng minh qua vai ông Mười hớt tóc trong vở kịch Quán cafe bồ đề trong chương trình Trong nhà ngoài phố nổi tiếng một thời của đài truyền hình TP.HCM.
NS Trung Dân đã hoá thân cực "ngọt" vào tình cảnh của một người bị phê thuốc, mất kiểm soát lý trí và hành vi.
Sau vai diễn gây "bão" đó, từ một diễn viên bình thường, ông trở thành một nghệ sĩ hài danh tiếng.
Cái tên Trung Dân bắt đầu xuất hiện dày đặc tại các tụ điểm tấu hài thời bấy giờ.
Ông được khán giả yêu mến với các tác phẩm như: Tin ở hoa hồng, Anh chàng xỏ lá, Thuốc đắng giã tật, Cậu Đồng, Thượng đế cũng nổi giận, Bay trên cô đơn,...
NS Trung Dân tâm sự rằng hầu hết các tiểu phẩm của ông đều do ông tự viết kịch bản và là đạo diễn.
Chủ đề của các tiểu phẩm thường xoay quanh các vấn đề ảnh hưởng đến đời sống xã hội mà đặc biệt là đời sống nông thôn.
Bởi thông qua những tác phẩm của mình, NS Trung Dân muốn là người lên tiếng hộ những người dân thấp cổ bé họng vốn không được công bằng. Ông ghét sự tha hoá từ thành thị và khao khát sự yên bình và trong sạch vốn có của miền quê.
Vì gắn liền với các câu "chửi" nên đồng nghiệp thân thương gọi đùa ông là "Thánh chửi".
Dẫu vậy, tiếng "chửi" của NS Trung Dân không hề tục tĩu mà trái lại vô cùng duyên dáng, phản ánh đúng thực trạng mà nghệ sĩ Trung Dân trăn trở.
Không chỉ thành danh ở sân khấu hài, ít người biết rằng NS Trung Dân có một giọng ca cải lương cực bùi và ngọt như mật.
Có lẽ mảnh đất Hóc Môn mặn mà vị ca cổ đã ngấm vào lòng ông từ thủơ nhỏ.
Ngay sau khi nổi tiếng bên lĩnh vực tấu hài và sân khấu kịch, NS Trung Dân tham gia vào các vở cải lương nghệ thuật.
Hồi đó, nguồn thu chủ yếu của NS Trung Dân ở hài kịch, cát-xê của ông hồi đó rất cao. Nhưng đến với cải lương, Trung Dân không màng đến chuyện tiền bạc, ông lặn lội vào những vùng xa xôi để mang tiếng hát lời ca đến với những bà con vùng thôn dã.
NS Trung Dân từng nói: "Đóng cải lương nhiều tôi càng yêu quý bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Nghệ sĩ cải lương là một người phải có kỹ năng tổng hợp gồm giọng hát, kỹ thuật biểu diễn, vũ đạo và một trí nhớ tốt. Nghệ sĩ cải lương là người cống hiến nhiều nhưng thật buồn là cải lương bây giờ rơi vào tình cảnh quá khó khăn".
Cố nghệ sĩ Bảy Bá (tức NSND Viễn Châu) đã là người nghe NS Trung Dân cất câu cải lương đầu tiên, cây đại thụ làng cải lương gật gù khen ngợi: "Trung Dân là dân kịch mà hát cải lương chắc nhịp, rất duyên, rất cải lương".
Về sau, tên tuổi của ông gắn liền với các vở cải lương nổi tiếng như: Ánh lửa rừng khuya, Lý ngư vọng nguyệt, Giấc mộng đêm xuân, Lữ Bố hí Điêu Thuyền,....
NS Trung Dân nhớ lại: "Có một lần vào dịp lễ Kỳ Yên, tôi cùng các nghệ sĩ cải lương như Trọng Nghĩa, Trinh Trinh, Thoại Mỹ, nghệ sĩ lão làng Bạch Mai được mời hát cúng đình tại một xã ở Đồng Nai. Hát cúng đình thường là hát theo lối lập thành tức là nghệ sĩ không có kịch bản trước, đòi hỏi nghệ sĩ phải bản lĩnh, còn tôi không phải là dân cải lương chuyên nghiệp nhưng vẫn dám hát. Chúng tôi chọn tuồng San hậu. Khi vô diễn thì ứng biến. Bạn diễn hát cái gì thì mình tự nghĩ ra câu hát để đối đáp. Hát vậy mà khán giả xem trong sân đình vỗ tay rần rần thích thú. Đến giờ tôi vẫn không quên kỷ niệm này".
Bén duyên với cải lương, NS Trung Dân được làm quen và găp gỡ với những người ông thần tượng như: NSND Diệp Lang, NSND Minh Vương, NSUT Bảo Quốc, NSND Ngọc Giàu.
Là người nghệ sĩ đa năng xuất thân tại IDECAF, NS Trung Dân được biết đến là tác giả, đạo diễn nhiều bộ phim truyền hình gây sốt với khán giả miền Tây như: Bìm bìm kêu chiều, Báu vật,...
Hơn 20 năm làm nghề, NS Trung Dân từng vinh dự nhận giải Cù Nèo Vàng năm 2005, Giải Nghệ sĩ hài được yêu thích nhất - HTV Awards năm 2008, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009.
Phía sau cánh cửa hào quang là một Trung Dân rất "đời"
Thoát khỏi thế giới showbiz ồn ào với hoài nghi và nghi kỵ, Trung Dân trở về nhà với mảnh vườn và không gian tĩnh lặng.
Chỉ khi về với ngôi nhà thân thuộc, Trung Dân mới thực sự là mình và sống đúng với bản chất con người mình.
Thời gian rảnh, nghệ sĩ Trung Dân ngồi viết văn và có sở thích vẽ tranh. Ông sở hữu 22 truyện ngắn cùng nhiều bức tranh được người trong giới đánh giá cao về thẩm mỹ.
Trong cuộc đời của Trung Dân, vợ là người có ảnh hưởng đến ông nhiều nhất.
Hai người nên duyên từ sự sắp xếp của cha mẹ chứ không xuất phát bởi tình yêu. Nhưng mối duyên lành do cha mẹ "chỉ định" ấy lại mang tới hạnh phúc cho họ hơn 20 năm qua.
Trung Dân kể lại: "Nói thật, lúc đầu tôi không yêu cô ấy. Có con là do bản năng. Sau này nhìn đứa con đầu lòng ra đời, thấy sự chu toàn của cô ấy với chồng, với ba má chồng thì tôi biết số phận của mình ở đây. Vợ tôi vốn là gái quê thật thà chất phác. Cô ấy hy sinh vì tôi, không lẽ nào tôi lại không hy sinh vì cô ấy. Thế nên tôi chưa bao giờ có suy nghĩ mình sẽ thay đổi, sẽ có người phụ nữ khác".
Hiện vợ của Trung Dân kinh doanh về yến, dù bận rộn nhưng bà luôn dành thời gian để chăm sóc gia đình và dạy dỗ con cái học hành.
Gia đình của Trung Dân luôn tràn ngập tiếng cười, anh có 3 cô con gái đáng yêu ngoan ngoãn.
Con gái lớn là Nguyễn Thảo Nguyên hiện đã tốt nghiệp đại học RMIT ngành Ngoại thương còn 2 đứa nhỏ là Nguyễn Thảo Ngân (Sony) và Nguyễn Phạm Huỳnh Khoa (Nasa).
Trung Dân từng chia sẻ với Tri thức trẻ rằng ngày xưa chính anh là nạn nhân của chuyện tranh chấp tài sản.
Ông nói: "Tôi thấy anh em người ta kiện cáo, đánh nhau vì đất cát. Hồi xưa tôi cười nhưng giờ tôi không cười được. Chính gia đình tôi, nếu không biết kiềm chế thì cũng đã giống người ta".
Về cách nuôi dạy con, Trung Dân tự nhận mình là người khá khó tính và khắt khe.
Ông muốn các con biết tự lập và không có ý định để lại gia sản cho con cái, Trung Dân quả quyết: "Tôi có 3 đứa con gái nhưng chắc tôi sẽ không để lại tài sản cho chúng nó. Khi chúng còn trong vòng tay mình thì tốt nhưng khi nó có cuộc sống riêng với những tác động nào đó… tôi làm sao biết được chúng có đổi khác. Sinh con dễ, dạy con khó lắm nên tôi thà đổ công sức, tiền của lo cho con kiến thức, đó mới là cái vốn để nó sử dụng tới cuối đời".
Minh Anh(tổng hợp)