Cặp kính đen không tròng to quá khổ lắc lư trên mũi. Trên đầu là một chiếc mũ vải mềm màu đỏ mọc ra tua tủa những sừng trâu hay ngà voi cũng đúng. Đôi tay anh thoăn thoắt vừa bơm bong bóng vừa múa lượn, vặn vẹo trái bóng. Chỉ trong vài phút quả bóng mỏng manh được anh biến hóa thành những chú gấu bông ngộ nghĩnh, con ngựa có dây cương đang trong tư thế phi nước đại...
Chàng trai xứ Nghệ mang nghề lạ về Việt Nam
Anh tên Hồ Sĩ Thiệu (25 tuổi), quê ở Nghệ An. Thiệu xuất thân trong một gia đình thuần nông. Các anh chị của Thiệu đều đã trưởng thành chỉ có cậu bé Thiệu là yếu đuối nhất nhà lại có tính thùy mị giống con gái nên không thể theo cha mẹ ra đồng cuốc cày được. Năm 18 tuổi khi vừa học xong THPT, Thiệu bỏ nhà đi lang thang, phiêu bạt khắp nơi. Cậu qua nhiều nước khu vực Đông Nam Á.
Dừng chân ở Thái Lan, Thiệu thấy người ta làm xiếc bong bóng rất thú vị. Thiệu chăm chú theo dõi và quyết tâm học cho được nghệ thuật làm bong bóng ở trên đất Thái.
Thiệu kể: "Lúc đầu làm cũng không ra hình thù của con vật nào hết. Hễ bơm bong bóng lên là bị nổ, hai bàn tay bỏng rát. Nhưng tôi rất thích nghề này, tôi quyết tâm bằng mọi giá phải học được. Ngày ngày tôi đều tới chỗ người ta làm, ngồi từ sáng tới khi nào họ về mới thôi. Lâu dần, tôi đã uốn và bẻ được quả bóng thành những con vật hay bất cứ thứ gì mình thích. Nghề gì cũng có cái khó cái khổ của nó, nhưng có yêu thích và kiên trì theo đuổi thì sẽ làm được".
Sau thời gian bôn ba ở xứ người, Thiệu quay về nhà với hai bàn tay trắng. Tài sản duy nhất anh là học được nghệ thuật làm xiếc bong bóng. Thiệu vào TPHCM, tại đây, anh thấy được cuộc sống sôi động, nhộn nhịp của con người. Lục lại ngón nghề, anh thử vận may của mình với nghệ thuật làm xiếc bong bóng trên vùng đất mới.
Bong bóng hóa thân
Dưới bàn tay tài hoa của Hồ Sĩ Thiệu, những chiếc bong bóng được thổi căng phồng, mỏng manh tưởng chừng chúng có thể vỡ tung ra khi có bàn tay chạm tới. Nhưng không, tất cả những quả bóng tròn được nhào nặn, vặn vẹo thành hình này hình kia mà không hề vỡ bể.
Dù tận mắt nhìn thấy nhưng tôi không hiểu và không biết anh làm như thế nào, bằng cách gì mà trái bóng lại dẻo dai khỏe mạnh đến thế. Từ những quả bóng tròn, bóng dài, những thứ vô tri vô giác bỗng nhiên hóa thân thành những chú gấu bông trông rất đáng yêu, rồi những con ngựa đang trong tư thế phi nước đại, những chú chuột Micky có đủ hình hài, họa tiết mà khi nhìn vào người ta cảm nhận trọn vẹn linh hồn những con vật ấy.
Rất đông người tới xem anh biểu diễn. Khách đặt hàng anh nườm nượp nên anh không có đến một phút nghỉ tay để lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán.
Anh bảo: "Khách hàng là thượng đế mà, tôi cũng mệt lắm nhưng không thể nghỉ được. Còn rất nhiều những em bé đang đang háo hức chờ đợi để được cầm nắm con vật mình yêu thích. Mình ngồi nghỉ sao đành".
Hành trang của anh chỉ vỏn vẹn một chiếc ba lô, mấy túi vải đựng bong bóng, một cái bơm nhỏ anh treo trên cổ và một cuốn abum hình những con vật. Khách hàng xem abum thích con nào thì nói và anh sẵn sàng đáp ứng ngay. Một con vật anh làm dao động từ 3 -5 phút.
Anh cho biết: "Những con vật trong abum này thì quen quá rồi, làm vừa nhanh vừa khỏe. Còn có những khách là em bé đòi mẹ dẫn đến làm hình cô giáo trên trường thì thật là khó. Hơn nữa cũng không biết hình dáng, mặt mũi cô giáo ra sao để mà làm. Em bé đưa tôi tấm hình của cô giáo làm mẫu để tôi làm theo nhưng cũng không giống với cô giáo bên ngoài lắm vì trên bong bóng không thể diễn đạt hết được đặc thù một con người. Vậy nhưng bé rất vui, vì ít nhiều cũng có cái dáng của cô giáo mình trong đó".
Nghệ thuật làm bong bóng ở TPHCM dường như chưa từng thấy. Gọi là nghề nhưng không phải một nghề theo đúng nghĩa mà ở đây là nghệ thuật làm xiếc bong bóng. Có lẽ khi đến với nghề này, người nghệ sĩ cũng chấp nhận một cuộc đời phiêu bạt, làm vui cho thiên hạ và rồi cuộc sống đời thường cũng long đong, lận đận như những nghệ sĩ hát rong, nghệ sĩ trên các rạp xiếc hay các ảo thuật gia.
Anh Thiệu tâm sự: "Người làm ra nghề thôi chứ bản thân nghề không tồn tại. Tôi đam mê nghệ thuật và nếu được tôi mong muốn sau này mình sẽ có một cửa hàng nho nhỏ trưng bày và phục vụ nhu cầu giải trí, yêu thích cái đẹp của con người. Ở Việt Nam chưa nơi nào có nghề này vì có lẽ người ta cho rằng nó tầm thường và nhỏ bé nên họ không nghĩ tới. Tôi đưa nghệ thuật làm xiếc bong bóng này về quê hương vì tình yêu và sự đam mê. Nếu ai đó có cùng sở thích như tôi thì tôi sẵn sàng chia sẻ".
Hy vọng rằng ước mơ của anh sẽ trở thành sự thật. Một ngày nào đó, trên đường phố TPHCM, bất chợt, chúng ta sẽ bắt gặp thêm một nghệ nhân bong bóng đang miệt mài "làm xiếc" để mang lại những niềm vui nho nhỏ cho mọi người.
Hoa Nguyên